"Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam": Cần “thấm ngấm”, từ thay đổi nhận thức mới thay đổi hành vi tiêu dùng

15:10 06/11/2023

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Nam Định cần gắn việc thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với nhiệm vụ phát triển KT ở địa phương. Bãi bỏ, cắt giảm các TTHC tạo điều kiện phát triển sản xuất, lưu thông, đưa hàng Việt về nông thôn...

Đó là chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" khi cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương làm việc với Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh Nam Định nhằm kiểm tra việc thực hiện CVĐ trên địa bàn.

Ảnh minh họa

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" làm việc với Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh Nam Định.


Kết luận buổi kiểm tra, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ đánh giá cao kết quả triển khai, thực hiện cùng những cách làm hiệu quả của tỉnh Nam Định, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thường trực, Ban TVTU và Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh Nam Định. Đồng chí lưu ý, trong thời gian tới Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Nam Định cần quán triệt hơn nữa Chỉ thị  số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư và Chỉ thị 06 ngày 18/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. UBND tỉnh Nam Định cần giao nhiệm vụ thực hiện CVĐ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh. Quan tâm bố trí kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo CVĐ trong dự toán kinh phí hoạt động hằng năm của Ủy ban MTTQ tỉnh; có kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội phục vụ các hoạt động thực hiện CVĐ. Lựa chọn các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh để xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu hàng hóa. Gắn việc thực hiện CVĐ với các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế,chương trình bình ổn thị trường ở địa phương. Bãi bỏ, cắt giảm các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, đưa hàng Việt về nông thôn; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Ảnh minh họa
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Quang Vinh.

Đối với Ban chỉ đạo CVĐ của tỉnh Nam Định, cần xây dựng kế hoạch kiểm tra các sở ngành, cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện trong việc thực hiện CVĐ, trong đó tập trung kiểm tra việc mua sắm công theo tinh thần hàng hóa nào trong nước sản xuất được, giá cả phù hợp thì phải ưu tiên sử dụng; kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao; kiểm tra việc xử lý các kiến nghị, khiếu nại, liên quan đến sản xuất hàng giả, hàng cấm, tiêu thụ hàng không đảm bảo chất lượng và các khiếu nại liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với tập quán, tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam. Nhìn nhận "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một CVĐ nên không thể có sự chuyển đổi nhanh, một sớm một chiều mà cần có sự “thấm ngấm” từ từ, từ thay đổi nhận thức mới đến thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân trong nước. Như vậy, CVĐ mới thực sự đi vào cuộc sống

“Công tác tuyên truyền ở tỉnh không được duy ý chí, mà theo hướng hàng hóa nào trong nước chưa sản xuất được thì hạn chế sử dụng, trong nước đã sản xuất được, có mẫu mã, chất lượng tương đương, giá cả phù hợp thì ưu tiên sử dụng. Nhưng về lâu dài, tỉnh Nam Định cần phải phải ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số, sản xuất ra được các sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Nam Định, qua triển khai thực hiện CVĐ, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các địa phương và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về CVĐ được nâng lên.

Người tiêu dùng trong tỉnh nhận thức ngày một đầy đủ  hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với các sản phẩm hàng hoá sản xuất trong nước và những lợi ích mang lại từ thực hiện CVĐ; từng bước thay đổi hành vi, ưu tiên mua sắm tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt Nam, dần xoá bỏ định kiến đối với sản phẩm trong nước và so sánh giữa hàng nội và hàng ngoại; bước đầu hình thành nét đẹp văn hoá tiêu dùng của người dân Nam Định với hàng hoá do Việt Nam sản xuất.

CVĐ cũng đã giúp cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất trên địa bàn tỉnh nhận thức đầy đủ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã hướng đến sản xuất thứ thị trường cần, có sự liên kết chuỗi để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm; phát huy tiềm năng thế mạnh chiếm lĩnh thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường quốc tế; chủ động hơn nữa trong kinh doanh; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, đổi mới công nghệ để sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành hạ; có chính sách khuyến mại, hậụ mãi hợp lý, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.

Ông Phạm Gia Túc- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định:

Thực tế hiện nay nếu doanh nghiệp muốn đứng vững trên thị trường thì sản phẩm sản xuất phải đảm bảo chất lượng, mẫu mã và giá cả hợp lý; mỗi doanh nghiệp phải coi đây là một sân chơi bình đẳng để phát triển sản phẩm của mình và sản phẩm làm ra đảm bảo cạnh tranh với các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như các doanh nghiệp trên cả nước. Để làm được điều này cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam trong tiêu dùng cá nhân; các cơ quan trong tỉnh phải ưu tiên dùng hàng Việt trong việc mua sắm công; đồng thời tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên toàn tỉnh cũng như thị trường cả nước. Khi các doanh nghiệp sản xuất được sản phẩm đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người Việt thì doanh nghiệp đó bước đầu đã thành công.

Cũng theo Ban Chỉ đạo CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Nam Định, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện CVĐ một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương chưa nhận thức hết ý nghĩa của CVĐ, còn thờ ơ, ngoài cuộc, chủ yếu giao trách nhiệm cho cơ quan thường trực, nên CVĐ chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra. Công tác tuyên truyền về CVĐ chưa sâu rộng, chủ yếu là lồng ghép với các chương trình, do điều kiện kinh phí rất khó khăn. Tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng vẫn còn nhiều; một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn băn khoăn về giá cả, chất lượng các mặt hàng trong nước sản xuất; tư tưởng sính dùng hàng ngoại trong một bộ phận người dân có thu nhập cao còn nhiều.

TS Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ:

Ảnh minh họa

Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Nam Định cân nhắc xem có nên đưa thêm đại diện của tổ chức doanh nghiệp vào Thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh nhằm đẩy mạnh tuyên truyền trách nhiệm của doanh nghiệp trong xây dựng và đăng ký thương hiệu hàng hóa, ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh, giá thành phù hợp, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Trong chỉ đạo tổ chức triển khai CVĐ, cần có hình thức nào đó như văn bản ẩn ý khuyến khích các cơ quan nhà nước trong quá trình mua sắm công quan tâm đến hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức đi trước làm gương rồi đến doanh nghiệp, người dân noi theo, tạo hình ảnh đẹp, lan tỏa nhiều ý nghĩa, góp phần thực hiện thành công CVĐ rất quan trọng của đất nước.

Cũng theo Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh Nam Định, để CVĐ đi vào thực chất, đạt hiệu quả, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Nam Định cần đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải cách thủ tục hành chính và các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, đẩy mạnh sản xuất theo liên kết chuỗi gía trị, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, công bố chất lượng sản phẩm, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Rà soát bổ sung các văn bản, ban hành cơ chế chính sách thiết thực, phù hợp để khuyến khích động viên doanh nghiệp mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thị trường trong nước, không để sản phẩm sản xuất ra tồn đọng, lưu kho nhiều. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trước thị trường Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng; không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; thực hiện cam kết bảo vệ người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Trí Kiên