Người dùng mạng xã hội sẽ có trách nhiệm hơn khi định danh tài khoản

16:25 09/08/2023

Việc bổ sung yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội thông qua số điện thoại sẽ hỗ trợ cơ quan quản lý giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm trên môi trường mạng, đồng thời thuận lợi cho người tham gia.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Hiện nay, tình trạng kẻ gian lợi dụng các công cụ và không gian mạng internet để lừa đảo có xu hướng tăng và ngày càng tinh vi, diễn ra trên quy mô cả nước. Tuy nhiên, việc quản lý các nền tảng xuyên biên giới vẫn gặp khó, trong đó có câu chuyện định danh chủ tài khoản.

Tại họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết, Ban soạn thảo nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP đang đề xuất quy định mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội.

Các mạng xã hội xuyên biên giới hiện nay như Youtube xác định bằng số điện thoại, Twitter bằng email, Facebook chọn một trong hai hình thức trên, Tiktok đăng ký hình thức nào thì xác thực qua hình đó, có thể là tài khoản mạng xã hội, email hoặc số điện thoại.

Mạng xã hội trong nước đang thực hiện việc định danh bằng email chiếm 30%, số điện thoại 30% và còn lại là tùy chọn một trong hai hình thức, theo chia sẻ của đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tại buổi họp báo mới đây.

Lãnh đạo Cục cho biết, việc bổ sung yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội thông qua số điện thoại sẽ hỗ trợ cơ quan quản lý giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm trên môi trường mạng, đồng thời thuận lợi cho người tham gia.

"Mạng xã hội hiện có sức ảnh hưởng lớn, lan tỏa nhanh và rộng nên cần xác thực người dùng để nâng cao ý thức, trách nhiệm khi cung cấp thông tin trên mạng", bà Huyền nói. "Nếu nội dung đăng tải gắn với một cá nhân cụ thể, họ sẽ lưu ý về trách nhiệm, ý thức khi cung cấp thông tin hơn".

Ngoài ra, Luật An ninh mạng của Việt Nam cũng có quy định yêu cầu xác thực thông tin người dùng, số tài khoản đăng ký, bảo mật thông tin người dùng, cung cấp thông tin cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng của Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản.

Bên cạnh đó, người dùng có xu hướng chuyển từ sử dụng máy tính sang điện thoại di động. Trước đây, việc xác thực chủ yếu thông qua email, còn hiện nay đã chuyển sang số điện thoại. Do đó, cách làm này phù hợp tình hình thực tế và thuận tiện cho người dùng.

Bà Huyền cho biết thêm, quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo đã tham khảo kinh nghiệm quản lý mạng xã hội của các nước. Ví dụ Trung Quốc yêu cầu mạng xã hội xác thực người dùng bằng AI, tương tự như xác thực căn cước công dân, Nga yêu cầu xác thực người dùng qua số điện thoại.

Liên quan đến vấn đề cập nhật thông tin thuê bao chính chủ, đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các biện pháp với mục tiêu đến 31/8/2023 cơ bản hoàn thành việc bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao chính là người sử dụng số thuê bao đó.

Minh Anh (t/h)