Nghịch lý sản lượng vận tải hàng không tăng, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ giảm

17:02 16/04/2023

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo về tình hình vận tải hàng không trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2023, và phương hướng chuẩn bị cho giai đoạn nghỉ lễ 30/4 và cao điểm hè.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Báo cáo cho biết, tổng sản lượng hành khách đi máy bay trong giai đoạn từ ngày 6/1 - 5/2/2023 đạt hơn 10 triệu lượt, tăng 66,9% so với cùng kỳ năm 2022 và xấp xỉ bằng sản lượng khách cùng kỳ năm 2020, ngay trước khi đại dịch bùng nổ.

Những con số 'biết nói' về tỷ lệ bay đúng giờ ảnh 1

(Nguồn: Cục Hàng không Việt Nam).

Trong bối cảnh này, chỉ số đúng giờ của nhiều hãng hàng không đã sụt giảm mạnh. Tỷ lệ bay đúng giờ trung bình (OTP) của toàn ngành hàng không trong dịp cao điểm tết Nguyên đán 2023 (6/1 - 5/2/2023­) chỉ đạt 80,61%, sụt giảm so với các giai đoạn tết trước đó. Nhìn lại các năm trước, ở giai đoạn Tết Nguyên đán 2022 (từ ngày 19/1 - 18/2/2022), tỉ lệ đúng giờ toàn ngành vẫn đạt 86%, còn Tết Nguyên đán 2020 (giai đoạn 19/1 - 18/2/2020), tỉ lệ OTP toàn ngành đạt 85,3%.

Theo Cục Hàng không, Bamboo Airways có tỷ lệ bay đúng giờ trên 90%, Vietnam Airlines 84,87%, Vietjet Air là 75,06%, Vietravel Airlines 83,79%, Pacific Airlines có 59,12% chuyến bay đúng giờ. Tỷ lệ chậm, huỷ chuyến của toàn ngành hàng không trong giai đoạn cao điểm Tết 2023 là 19,39%. Trong đó, Pacific Airlines 40,88%, Vietjet 24,94%, VASCO 19,56%, Vietravel Airlines 16,21%, Vietnam Airlines 15,13% và Bamboo Airways 7,19%.

“Đối với một hãng hàng không, việc chậm chuyến là sự việc không mong muốn bởi vừa ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hành khách, vừa gây tốn kém chi phí do các tàu phải bay vòng trên trời (trung bình mỗi phút bay mất khoảng 2 triệu đồng tiền xăng, nay giá nhiên liệu tăng khiến chi phí gấp đôi), tiêu tốn nguồn lực chờ đợi,... và chi phí này rất lớn nếu tính theo số giờ/phút mà Vietnam Airlines cũng như các hãng khác đang gánh chịu. Vì thế, các hãng hàng không đều cố gắng bay đúng giờ và hạn chế thấp nhất chậm hủy chuyến”, đại diện Vietnam Airlines nói.

Chỉ còn hơn 3 tuần nữa, ngành hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục đón đợt cao điểm mới là kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân, các hãng hàng không nội địa đồng loạt chuẩn bị kế hoạch tăng tải trong dịp cao điểm sắp tới.

Chậm, hủy chuyến bay lâu nay vẫn là bài toán đau đầu đối với toàn ngành hàng không. Vì thế, ngoài sự nỗ lực của các hãng bay, cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm có giải pháp tổng thể để khắc phục triệt để tình trạng chậm hủy chuyến vẫn thường xuyên xảy ra tại một số thời điểm.

Trong kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Bamboo Airways dự kiến tăng tải cung ứng khoảng 15%, Vietjet Air dự kiến tăng 20% tải.

Hai hãng hàng không Vietnam Airlines và VASCO dự kiến tăng cung ứng khoảng 2.800 chuyến bay trên các đường bay nội địa từ 26/4 đến 5/5. Các hãng hàng không Pacific Airlines, Vietravel Airlines cũng có kế hoạch tăng chuyến và tăng chuyến ở những chặng bay trọng điểm để thu hút khách du lịch. Đại diện Pacific Airlines cũng xác nhận có kế hoạch tăng chuyến. Còn đại diện Vietravel Airlines cho biết sẽ tiếp tục giữ tần suất các đường bay đang khai thác, đồng thời tăng chuyến ở những chặng bay trọng điểm để thu hút khách du lịch.

PGS, TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không (Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận, các dịch vụ đi kèm cho mỗi chuyến bay như một chuỗi liên kết mật thiết và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, chỉ cần một mắt xích trong chuỗi dịch vụ này gặp vấn đề, sẽ tác động khiến cả chuỗi dịch vụ bị trục trặc. Đây là một trong những nguyên nhân đầu tiên và lớn nhất gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến bay.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, số lượng hãng hàng không tham gia thị trường, quy mô đội tàu bay của các hãng hàng không,... cũng cần bảo đảm phù hợp hạ tầng, nguồn nhân lực đặc thù và năng lực giám sát an toàn hàng không để giảm thiểu chậm hủy chuyến.

Theo nhận định, đánh giá tổng quát của cả đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các hãng hàng không cũng như nhiều chuyên gia, để đạt được tỷ lệ bay đúng giờ tuyệt đối 100% là điều gần như không thể bởi trong hoạt động khai thác của ngành hàng không, mọi chuyến bay đều chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.

PV