Ngành thép tiếp tục gặp nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh quý III sụt giảm

11:33 24/10/2022

Doanh nghiệp ngành thép đang gặp khó trong những tháng cuối năm 2022 do lượng tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh trong khi nguồn hàng tại các nhà máy sản xuất vẫn còn chồng chất.

Nhu cầu giảm mạnh

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu sử dụng thép trong nước đang ở mức thấp, xuất khẩu giảm mạnh do giá cao hơn giá khu vực. Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong tháng 9/2022 sản lượng thép xây dựng có sự phục hồi, đạt 1.095.745 tấn, tăng 11,91% so với tháng trước và tăng 47,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, sản lượng bán hàng đạt 920.248 tấn, giảm 21,91% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 113.158 tấn, giảm 47,9% so với tháng 9.2021.

Từ cuối tháng 8/2022 các nhà máy thép xóa bỏ chính sách bảo lãnh giá tăng nhẹ trong nửa đầu tháng 9 khi thị trường thép xây dựng khởi sắc hơn các tháng trước, các nhà thương mại và cửa hàng đã tái tạo tồn kho vốn đã giảm xuống mức rất thấp trước đây. Song nhu cầu sử dụng thép trong nước thực tế ở mức thấp, hơn nữa xuất khẩu giảm nhiều do giá cao hơn giá khu vực.

Các yếu tố trên khiến sản lượng bán hàng tháng 9 giảm mạnh, giảm 16,45% so với tháng đối diện mức lỗ lớn do tồn kho cao ở mức giá cao và đối diện mức lỗ lớn hàng tháng. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Tồn kho tăng cao

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 9/2022, sản xuất thép thành phẩm của Việt Nam đạt 2,4 triệu tấn, tăng 23,4% so với tháng 8 và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, sản lượng bán hàng thép thành phẩm các loại chỉ đạt 1,99 triệu tấn, giảm 7,19% so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,8 triệu tấn, giảm 5,8%; bán hàng thép thành phẩm đạt 19,2 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 4,56 triệu tấn, giảm 7,4%.

Tồn kho cao là thực trạng trong những quý gần đây của ngành thép. Trong quý 2/2022, ngành thép tồn kho kỷ lục hơn 110.000 tỉ đồng, tăng 20.000 tỉ đồng so với cuối quý 1. Trong 110.000 tỉ đồng tồn kho này, riêng Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã chiếm hơn một nửa với hơn 57.500 tỉ đồng (đã bao gồm trích lập dự phòng giảm giá 762 tỉ đồng), tăng 17.500 tỉ đồng so với cuối quý 1 và cao hơn 11.500 tỉ đồng so với đỉnh cũ hồi cuối quý 3 năm ngoái. Cuối quý 2, tồn kho của Hoa Sen Group (HSG) cũng lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Kết quả kinh doanh quý 3 kém tích cực

Trên sàn chứng khoán, giá nhóm cổ phiếu thép đã và đang phản ánh những khó khăn mà các doanh nghiệp trong ngành này gặp phải. “Ông lớn” HPG hiện có mức giá giao dịch quanh vùng 19.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 50% so với mức đỉnh.

Các mã khác như HSG, NKG, POM… cũng trong tình trạng tương tự, thậm chí còn có mức sụt giảm sâu hơn. Thời điểm hiện tại, sẽ là rất khó để xác định xem những thách thức mà các doanh nghiệp ngành thép gặp phải đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu hay chưa.

Tuy vậy, nhà đầu tư cần lưu ý: thép là nhóm ngành mang tính chu kỳ cao, có mức độ biến động giá rất lớn nên trong những giai đoạn tâm lý nhà đầu tư xuống thấp, nhóm ngành này thường chịu áp lực bán mạnh.

Ngọc Phi (t/h)