Ngành may mặc lo thiếu lao động

10:50 09/06/2021

Các đơn hàng kéo dài đến quý 3, thậm chí đến hết năm 2021 đang giúp các doanh nghiệp dệt may dần vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nỗi lo thiếu lao động cho sản xuất cũng khiến các doanh nghiệp lao đao.

Hiện ngành may mặc có trên 3 triệu người lao động làm việc. Tại một cuộc họp giữa các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp để đồng hành cùng Chính phủ trong chương trình tiêm chủng vaccine phòng chống dịch Covid-19 diễn ra vào hồi cuối tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ông Vũ Đức Giang lo lắng, hiện các doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã ký đến hết năm. Nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại rất lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.

Và theo ông Giang, nếu trong tháng 7-8 tới, việc người lao động vẫn chưa được tiêm vaccine sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam. Trước đó, Chủ tịch Vitas đánh giá, cả năm nay xuất khẩu dệt may có thể đạt được mục tiêu 39 tỉ đô la đã đề ra.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, và là Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (Agtex), cho biết hiện hầu hết các doanh nghiệp hội viên đã có đơn hàng để làm việc đến hết quí 3, và một số doanh nghiệp có đơn hàng với kế hoạch sản xuất kéo dài đến cuối năm nay.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay theo các doanh nghiệp là diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước ngày càng phức tạp và một số địa phương áp dụng giãn cách xã hội nên lực lượng lao động sản xuất không làm việc thường xuyên, dẫn đến khó kịp đơn hàng cho nhà nhập khẩu.

Ông Phạm Xuân Hồng dẫn chứng dịch bệnh xảy ra, nhiều người lao động của ngành ở quê ngại vào các thành phố hoặc những khu vực sản xuất lớn của ngành từ hồi đầu năm, giờ thêm việc giãn cách xã hội do dịch thì doanh nghiệp sẽ khó có thể đáp ứng kịp đơn hàng cho nhà nhập khẩu.

Bà Phạm Thị Lan Hương, Giám đốc Công ty may XK Ninh Bình chia sẻ, tình hình biến động lao động năm nay mạnh hơn, do có DN giày da mới chuyển đến, đang tuyển dụng lao động. DN này thu hút lao động ở trong vùng do công việc đơn giản, chỉ làm một khâu, không bị áp lực và không đòi hỏi trình độ tay nghề cao như bên may. “Do đó, chúng tôi cũng phải lưu ý chăm lo người lao động nhiều hơn để giữ chân họ. Một mặt đối phó lao động nhảy việc bằng việc tuyên truyền, gần gũi sẻ chia với họ trong vấn đề tư tưởng, tình cảm, phát triển năng lực bản thân” - bà Hương nói. 

Ông Lê Nho Thướng, Chủ tịch Công đoàn DMVN cũng khẳng định, ngành DMVN xác định 2 tài sản lớn nhất phải bảo vệ bằng mọi giá là lao động và vị trí của ngành trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, các DN trong ngành đã luôn nỗ lực, tìm mọi giải pháp để giữ ổn định lao động. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong suốt năm 2020. Tuy nhiên, DMVN cũng vẫn phải đối mặt với tình hình biến động lao động và bị đe dọa khi đặc thù lao động ngành may là “dễ đến thì cũng dễ đi”. Đặc biệt là những lao động trẻ, tính gắn kết chưa cao, nên họ thích nhảy việc khi có nơi trả mức thu nhập hấp dẫn hơn.

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, sự ổn định của lao động rất quan trọng với sự sống còn của doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm hiện tại ngành dệt may đang có cơ hội hồi phục sản xuất. Các doanh nghiệp trong ngành cần tiếp tục thực hiện kết hợp nhiều biện pháp giữ chân người lao động. Trong đó, bảo đảm việc làm ổn định, duy trì lương thưởng và các quyền lợi về bảo hiểm y tế đầy đủ, không nợ lương, thưởng… là giải pháp tiên quyết. Ngoài ra, các biện pháp như chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề, quan tâm và nâng cao chất lượng từng bữa ăn của người lao động cũng khiến công nhân gắn bó với doanh nghiệp hơn.

Xây dựng được văn hóa doanh nghiệp bền vững, trong đó quan tâm chăm lo cho cuộc sống của người lao động là yếu tố hàng đầu giúp người lao động thấu hiểu và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Cải tiến các khâu sản xuất, quản lý để nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người lao động. Về dài hơi, doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị công nghệ tự động nhằm giảm số lao động thủ công, đồng thời nâng cao năng lực đáp ứng thời gian giao hàng ngày một ngắn và khắt khe của đối tác.

Lâm Nghi