Ngành công nghiệp in Việt Nam sẽ lọt top 3 Đông Nam Á vào năm 2023

16:37 13/11/2023

Đây là nhận định của ông Nguyễn Văn Dòng – Chủ tịch Hội in Việt Nam tại Hội nghị chuyên ngành về chủ đề Công nghệ In ấn và Giấy tại Drupa 2024 diễn ra vào sáng ngày 13/11 tại Hà Nội.

Hội nghị chuyên ngành về chủ đề Công Nghệ In ấn và Giấy tại Drupa 2024 diễn ra vào sáng ngày 13/11 tại Hà Nội
Hội nghị chuyên ngành về chủ đề Công nghệ In ấn và Giấy tại Drupa 2024 diễn ra vào sáng ngày 13/11 tại Hà Nội.

Trong Hội nghị chuyên ngành về chủ đề Công nghệ In ấn và Giấy tại Drupa 2024, các diễn giả đều chỉ ra rằng, in không chỉ là ngành công nghiệp, mà nó còn là ngành công nghiệp phụ trợ quan trọng ảnh hưởng hầu hết các ngành công nghiệp và dịch vụ hiện nay.

Drupa vốn được biết đến là triển lãm thiết bị ngành in lớn nhất thế giới với sự tham dự của hàng nghìn công ty nổi tiếng trong ngành. Vì tình hình dịch bệnh, sau gần 8 năm mong chờ, Drupa 2024 đã quay trở lại với nhiều chuỗi hoạt động bên lề hấp dẫn mang lại giá trị cho ngành in quốc tế. Drupa cũng là nơi gặp gỡ toàn cầu của ngành công nghiệp và là đại diện cho những đổi mới và xu hướng. Tại đây, chúng ta sẽ thấy tác động của tính bền vững và số hóa các xu hướng lớn sẽ có tác động như thế nào đến các quy trình, sản phẩm, mô hình kinh doanh và tương lai của một ngành công nghiệp không ngừng phát triển.

Sản lượng ngành công nghiệp in Việt Nam dự kiến đạt trên 12 tỷ USD trong năm 2023

Ngành công nghiệp in Việt Nam hiện nay đã có những bước phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng cỡ 10% mỗi năm trong những năm trước và sau năm 2020. Với quy mô dân số gần 100 triệu người, quy mô GDP đứng hàng thứ ba khu vực Đông Nam Á và thứ 25 của thế giới, với mức tăng trưởng GDP thuộc nhóm cao nhât thê giới và với 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, thị trường in ấn của Việt Nam đang có cơ hội rộng mở cả với các doanh nghiệp trong nước và cả với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

ông Nguyễn Văn Dòng – Chủ tịch Hội in Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Dòng – Chủ tịch Hội in Việt Nam.

Tại Hội nghị sáng 13/11, ông Nguyễn Văn Dòng – Chủ tịch Hội in Việt Nam đã chia sẻ rằng: Năm 2023 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, GDP của Việt Nam được dự báo tăng trưởng trên 5% và thấp hơn dự kiến, ngành công nghiệp in Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt đối với sản phẩm in xuất khẩu. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư mới, đầu tư mở rộng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc vẫn đang tìm cơ hội đầu tư vào ngành công nghiệp in Việt Nam để đón đầu thị trường sẽ phát triển bùng nổ sau khi chấm dứt khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

“Năm 2023, sản lượng ngành công nghiệp in Việt Nam dự kiến đạt trên 12 tỷ USD, đứng thứ 4 khu vực Đông nam Á. Dự báo đến năm 2025, ngành công nghiệp in Việt Nam sẽ lọt top 3 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Thái Lan”, ông Dòng cho biết.

Ông Andreas Pleßke – Chủ tịch Ủy ban Drupa cho biết: Ngành in ấn là một ngành rất quan trọng, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới. Dự kiến chúng ta sẽ có khoảng 4 triệu nhân viên trên toàn cầu làm việc trong ngành in ấn, đây là con số rất lớn. Chúng ta cũng sẽ thấy được doanh thu ngành in sẽ khoảng 190 nghìn USD, tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm sẽ khoảng 4% từ năm 2023-2028. Con số cho thấy đây sẽ là một ngành công nghiệp phát triển rất nhanh. Chúng tôi tin tưởng rằng những sản phẩm in và giấy sẽ có giá trị cao cho xã hội trong tương lai.

Theo các chuyên gia tham gia tại hội nghị, thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam phát triển khá mạnh, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước gia tăng kéo theo sự tăng trưởng về dịch vụ in ấn, bao bì và đóng gói. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang đối mặt với một thách thức lớn là sự khan hiếm các nhà cung cấp nguồn hàng chất lượng cao. Do vậy, việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào nước ta để đầu tư và phát triển sẽ là cơ hội cho ngành in ấn và bao bì Việt Nam phát triển nhưng cũng là áp lực lớn về năng lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt Nam trong ngành này.

Theo ông Andreas nhận định, Việt Nam hiện đang mở cửa, tích hợp tham gia các hiệp định tự do, Chính phủ Việt Nam có những chính sách rất thân thiện. Đây là một dấu hiện tốt để thúc đẩy ngành in Việt Nam có thể được nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư vào. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, tình hình kinh tế thế giới suy thoái, lãi ngân hàng tăng, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư vào ngành in Việt Nam.

Năm 2023, sản lượng ngành công nghiệp in Việt Nam dự kiến đạt trên 12 tỷ USD
Năm 2023, sản lượng ngành công nghiệp in Việt Nam dự kiến đạt trên 12 tỷ USD.

Chuyển đổi số để cải thiện năng lực cạnh tranh

Theo Hiệp hội in Việt Nam, hiện nay có khoảng 400 doanh nghiệp in có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, chiếm 1/5 tổng số doanh nghiệp in trên cả nước nhưng chiếm đến hơn 1/3 thị phần. Đặc biệt, các doanh nghiệp ngoại đang chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Để cải thiện năng lực cạnh tranh của ngành bao bì và in ấn, sự đổi mới là vô cùng cần thiết. Theo xu hướng hiện tại, doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng chuyển đổi ứng dụng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh vào sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm xanh để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, ông Nguyễn Văn Dòng chia sẻ: Chúng ta đang sống trong kỉ nguyên số. Số hóa đang đi vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có Việt Nam. Trong ngành in ấn, từ khâu chuẩn bị kĩ thuật, chuyển giao kĩ thuật, những dữ liệu đó nếu được kết hợp số hóa sẽ tiết kiệm được thời gian và quy trình xử lý.

"Hiện nay, khó khăn trong số hóa ngành in nằm ở việc thiếu chuẩn bị kĩ năng chuyên môn để tận dụng kĩ thuật số trong quản trị doanh nghiệp. Điều này liên quan đến ý thức của người quản trị doanh nghiệp. Muốn thay đổi phải thay đổi tư tưởng người lãnh đạo, nếu đứng đầu mà không có tư duy chuyển đổi số cho doanh nghiệp mình thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ sớm đi đầu trước. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành in ấn, bao bì cần đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng lợi ích cho khách hàng... Có như vậy mới giữ chân khách hàng lâu hơn", ông Dòng nói thêm.

Với xu thế phát triển số hóa ngành in, Drupa 2024 -  Hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về công nghệ in được kỳ vọng sẽ là cơ hội lớn để các doanh nghiệp in Việt Nam và các doanh nghiệp in nước ngoài chuẩn bị thâm nhập thị trường in ấn Việt Nam tiếp cận với những máy móc, thiết bị và công nghệ mới phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành in toàn cầu.

ông Hoàng Ngọc Sơn - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thiết bị In và Bao bì (PPMC)
Ông Hoàng Ngọc Sơn - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thiết bị In và Bao bì (PPMC).

Trao đổi với phóng viên, đại diện doanh nghiệp, ông Hoàng Ngọc Sơn - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thiết bị In và Bao bì (PPMC) cho biết: “Ngành in Việt Nam trong những năm gần đây phát triển rất mạnh với đầu tư trong nước và nước ngoài rất lớn. Theo tôi, sự hợp tác của ngành in Việt Nam với các nước có lẽ đã được duy trì từ rất lâu và đặc biệt là với Cộng hòa Liên bang Đức. Sự hợp tác ấy bao gồm về máy móc, về công nghệ, về sản phẩm. Ngành in cũng là một ngành khá đặc thù, cần nhiều yếu tố để quan tâm như thiết kế, chất lượng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều cần phải tìm hiểu mọi mặt khi muốn hợp tác với đối tác nước ngoài. Cùng với đó, khi tiếp cận ngành in, nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến sự đổi mới của Việt Nam về thiết bị, về công nghệ,.. Chính vì thế trong thời gian tới, theo tôi các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị mọi phương tiện, nâng cao năng lực trước khi tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài”.

Ông Thomas Schiemann - Giám đốc Hiệp hội In và Giấy (DuP)
Ông Thomas Schiemann - Giám đốc Hiệp hội In và Giấy (DuP).

Ông Thomas Schiemann - Giám đốc Hiệp hội In và Giấy (DuP) cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam nhưng cảm nhận được Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng. Đặc biệt, trong ngành in ấn và bao bì vẫn cho thấy tiềm năng và dư địa phát triển rất lớn. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối diện nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp in ấn và bao bì của các nước đang tìm cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, chứng tỏ hoạt động sản xuất công nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung của nước ta có dấu hiệu sôi động trở lại, dẫn đến nhu cầu in ấn và bao bì sẽ tăng theo. Tôi mong sau chuyến đi này sẽ có nhiều dự án hợp tác giữa doanh nghiệp Đức và Việt Nam trong lĩnh vực in ấn. Tôi rất mong chờ có thể tham dự Drupa 2024. Drupa 2024 sẽ giới thiệu những cải tiến mới trong toàn ngành, đặc biệt tập trung vào các công nghệ trong tương lai và xuyên ngành, điều này rất đáng để mong đợi.

Bảo Trinh