Doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ: Đừng bỏ chạy khi khách hàng ép giá

07:41 01/03/2023

Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Tập đoàn Trường Hải - Thaco cho rằng, cần xem đó là một áp lực, thách thức cần phải vượt qua vì khi vượt qua rồi chúng ta sẽ có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng.

Trái ngọt' thành công chỉ đến nếu doanh nghiệp dám bước chân vào cuộc cạnh tranh toàn cầu với hàng loạt yêu cầu thay đổi khắt khe từ quản trị, sản xuất, chất lượng, giá và cả vốn đầu tư
Trái ngọt' thành công chỉ đến nếu doanh nghiệp dám bước chân vào cuộc cạnh tranh toàn cầu với hàng loạt yêu cầu thay đổi khắt khe từ quản trị, sản xuất, chất lượng, giá và cả vốn đầu tư.

Tháng 12/2022 Tập đoàn Thaco tổ chức khánh thành đưa vào vận hành trung tâm cơ khí và khởi công trung tâm R&D tại Quảng Nam. Cùng với đó, Tập đoàn Thaco ký hợp tác với tỉnh Bình Dương nhằm triển khai dự án khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ với vốn đầu tư hơn 25.000 tỉ đồng.

Công ty MTS Vietnam cho biết hiện nay công ty có khoảng 50 sản phẩm cơ khí chính xác phục vụ trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, máy điện. Đây là những sản phẩm đã tham gia thành công vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản, Mỹ, châu Âu...

Những câu chuyện trên đây phần nào cho thấy bản thân các doanh nghiệp Việt đã nắm bắt rất tốt cơ hội từ dòng chuyển dịch của chuỗi cung ứng, hiện thực thành những đơn hàng cụ thể.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa thực sự phát triển hết tiềm năng, khi tham gia lĩnh vực này, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực, vốn…Cùng với đó là khó khăn về quy trình lập kế hoạch sản xuất, quản lý và theo dõi kế hoạch, thực thi và cách hiểu của đội ngũ cán bộ. Doanh nghiệp cũng đối diện với những vấn đề như tuyển dụng nhân sự, đào tạo nâng cao năng lực, quản lý nhân sự, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chuyển giao. Trong khi đó, chính sách đầu tư cho nghiên cứu phát triển lĩnh vực này chưa được chú trọng nên các doanh nghiệp mới chỉ nhìn đến thị trường trong nước, chưa nhìn được thị trường toàn cầu.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần rất nhiều hỗ trợ

“Các doanh nghiệp phụ trợ trong nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ tham gia được 20% vào trong các chuỗi liên kết. Hiện các doanh nghiệp FDI cũng có nhu cầu mong muốn được mua hàng từ các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của doanh nghiệp trong nước chúng ta chưa đạt chuẩn. Cùng với đó, hiện các DN trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến là vấn đề tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động sản xuất”, bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu thực tế.

Những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt đó là tiếp cận khách hàng, thông tin thị trường, nguồn nhân lực, thiết bị máy móc, vấn đề tài chính, tiêu chuẩn chứng chỉ liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu...

Hiện nay số lượng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ dù tăng mạnh nhưng chưa đủ và thiếu doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghệ nguồn như khuôn, đúc, ép nhựa, hàn, xử lý nhiệt…

Bà Bùi Thị Hồng Hạnh, giám đốc điều hành NC Network thông tin Việt Nam chưa có một hãng máy hoàn chỉnh, các doanh nghiệp sử dụng máy cũ của Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp mua đầu tư máy mới nhưng không phải tất cả đều làm được. Trong khi ở Nhật Bản có chuyên môn hóa về từng lĩnh vực dập, phay hoặc hàn, thì ở Việt Nam doanh nghiệp khó khăn để hoàn thành một cụm chi tiết, do máy móc chưa đủ nên không thể nhận được đơn hàng. 

Theo bà Hạnh đánh giá, hiện nay số lượng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ dù tăng mạnh nhưng chưa đủ và thiếu doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghệ nguồn như khuôn, đúc, ép nhựa, hàn, xử lý nhiệt… Đặc biệt trong bối cảnh cơ hội tham gia chuỗi cung ứng đang rất nhiều, nhưng rủi ro và khủng hoảng đang rất cao, cố gắng duy trì "ngủ đông" đến quý 3 để có quyết định đầu tư. Do đó, cần nâng cao hơn nữa chính sách hỗ trợ về ưu đãi thuế, đào tạo, tài chính, phát triển thị trường. 

"Doanh nghiệp cũng mong muốn có lãi suất hợp lý, cần được dùng tài sản thế chấp là máy móc thay vì chỉ là bất động sản. Quy hoạch các khu công nghiệp theo chuỗi cung ứng, Nhà nước có chiến lược dài hạn, xác định ngành công nghiệp mũi nhọn để doanh nghiệp không thể phụ thuộc vào bên ngoài và yên tâm phát triển", bà Hạnh cho hay.

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội đề xuất, cần có giải pháp để doanh nghiệp trong lĩnh vực được tiếp cận nguồn vốn phục vụ cho các hoạt động sản xuất trong thời gian tới. “Chúng tôi đang rất mong muốn được tiếp cận với các tổ chức ngân hàng trong nước và quốc tế trong tiếp cận nguồn vốn, vấn đề này cần có giải pháp cấp thiết đặc thù về vốn, lãi suất, thời gian, hạn mức vay, tài sản thế chấp và cả hình thức tín chấp. Các doanh nghiệp rất cần các quỹ tài chính, ngân hàng tiếp tục quan tâm và có hình thưc tín chấp, bảo lãnh các hợp đồng của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Vân cho biết.

Đừng bỏ chạy khi khách hàng ép giá

Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Tập đoàn Trường Hải - Thaco cho biết trên TTO rằng, với các doanh nghiệp nhỏ khi mới bắt đầu tham gia chuỗi cung ứng, nhận những đơn hàng đầu tiên thì đừng thấy khách hàng ép giá mà sợ, hay bỏ cuộc. Cần xem đó là một áp lực, thách thức cần phải vượt qua vì khi vượt qua rồi chúng ta sẽ có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng.

Ảnh minh họa
 Nhà mua hàng hài lòng, thỏa mãn với các sản phẩm cung ứng của mình và họ sẽ mua lâu dài, tin cậy.

Ông Tài cho biết những đối tác lớn thường ép giá nhà sản xuất vì mục tiêu của họ là sản xuất số lượng lớn và mong có sự hợp tác lâu dài. Việc ép giá đôi lúc là để chúng ta có động lực tiếp tục cải tiến chuỗi sản xuất của mình, trong đó, có vấn đề quản trị. Có khách hàng khi mua hàng thì đặt vấn đề với chúng tôi giá năm sau phải giảm ít nhất 20% so với năm trước. Nếu không giảm được thì họ sẽ chỉ cách giảm. Việc hợp lý hoá chuỗi sản xuất, cắt giảm chi phí, tránh lãng phí là bắt buộc phải làm.

“Nhưng điều này sẽ thách thức với doanh nghiệp nhỏ và họ phải tìm cách thức kết nối với những đối tác khác, tận dụng lợi thế của nhau để đáp ứng đơn hàng của khách. Quan trọng là nhà mua hàng hài lòng, thỏa mãn với các sản phẩm cung ứng của mình và họ sẽ mua lâu dài, tin cậy. Chúng tôi từng làm những đơn hàng huề vốn để có sự đồng hành lâu dài”, ông Tài chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Trí – TGĐ Công ty TNHH Lập Phúc, DN chuyên chế tạo khuôn mẫu công nghệ cao xuất khẩu sang thị trường Mỹ, cho biết công ty được hưởng 4 đợt trong gói kích cầu của TP.HCM. Nhờ đó, công ty đã nhập thêm thiết bị tiên tiến và mở rộng nhà máy. Theo ông Trí, khi đặt hàng sản xuất, DN Mỹ thường yêu cầu “giá phải rẻ hơn Trung Quốc”. Nếu muốn giành thị phần thì giá cả phải rẻ hơn họ. 

“Để có giá rẻ hơn DN Trung Quốc, công ty phải mua máy móc đã qua sử dụng từ Nhật Bản về rồi cải tiến lại. Mua máy móc cũ phải đóng thuế nhập khẩu rất cao. Nếu công ty chế tạo được thân máy nhưng phụ tùng vẫn phải nhập thì không thể cạnh tranh với máy của Đài Loan (Trung Quốc). Giải quyết được vấn đề thuế, ngành công nghiệp chế tạo máy trong nước mới phát triển, từ đó DN nội sẽ có nguồn máy rẻ phục vụ sản xuất”, ông Trí nói. 

Nguyên Xuân t/h