![]() |
Nâng cao trải nghiệm chất lượng dịch vụ du lịch cho du khách là yêu cầu quan trọng của du lịch Đà Nẵng sau sáp nhập mới. Ảnh: Nguyên Đức |
Tăng phần trọng trách và tầm nhìn
Ông Lê Quốc Việt - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Điểm đến Quảng Nam - nhìn nhận: “Lâu nay, Đà Nẵng và Quảng Nam đều là những địa điểm thu hút du lịch lớn, với nhiều hoạt động hàm chứa nội dung hấp dẫn. Nên khi hợp nhất, ngành du lịch đất Quảng sẽ thêm cơ hội khai thác tối đa các tiềm năng du lịch, mở ra nhiều hướng sản phẩm, dịch vụ, qua đó định vị rõ những hình ảnh điểm đến hấp dẫn hơn, thu hút thêm nhiều du khách, đặc biệt là du khách quốc tế”.
Bà Linh Chi - Trưởng Chi hội Homestay Villa Hội An - chia sẻ: “Tôi tin rằng việc hợp nhất hai hiệp hội du lịch là cơ hội vàng, để chúng ta đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững. Khi Đà Nẵng và Quảng Nam chung sức, chúng ta có thể phối hợp các sự kiện và hoạt động văn hóa với tính liên kết mạnh mẽ hơn. Thậm chí, nếu mở rộng thêm ra Huế, chúng ta sẽ tạo nên một hành trình trải nghiệm văn hóa kết hợp nghỉ dưỡng độc đáo, thu hút một lượng khách quốc tế đáng kể về mỗi địa phương, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách muốn khám phá bản sắc văn hóa miền Trung”.
![]() |
Thống nhất hai hiêp hội du lịch địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam. Ảnh: Furama Resort |
Ông Nguyễn Đức Quỳnh - Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng - phát biểu: “Sự hợp nhất này không chỉ cộng hưởng về mặt tổ chức, mà còn mở ra cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch toàn vùng”.
Theo ông Quỳnh, đây là câu chuyện đã đặt ra từ lâu với du lịch miền Trung, khi các địa phương đều có sự phân tích riêng biệt về hoạt động du lịch bản địa mà thiếu đi tinh thần hợp nhất, cùng tạo nên những giá trị chung trong hoạt động du lịch có tầm nhìn chiến lược và mở rộng hơn. Giờ đây, việc hai hiệp hội du lịch tại hai địa phương cũ cùng sôi động phát triển, đã nhập làm một, đang đặt ra rõ ràng những câu chuyện cần định hướng chất lượng nhân lực ngành.
Theo ông Cao Trí Dũng, những chia sẻ, biểu đạt của những người trong cuộc, cùng tham gia vào hoạt động hiệp hội như vậy, cho thấy sự hợp nhất tổ chức Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng là cần thiết, đặt ra những yêu cầu cao hơn về trọng trách hoạt động, tầm nhìn tổ chức ngành du lịch địa phương.
Ông Cao Trí Dũng nhìn nhận, cá nhân ông đã tự cảm nhận rất nhiều yêu cầu đổi mới, nâng cấp tầm nhìn, thái độ của bản thân trong việc tham gia định hướng lại những hoạt động của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng mới.
Cần một chiến lược vươn xa
Cũng theo ông Cao Trí Dũng, trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã thể hiện một tinh thần phát triển mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút du khách quốc tế. Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ, ban hành các chính sách từ Chính phủ, các địa phương cũng đã chung tay khai thác các nền tảng tài nguyên, đầu tư hạ tầng đồng bộ, phát huy các năng lực điểm đến. Trong đó, những địa phương như ở miền Trung đã nhanh chóng bật lên thành những điểm sáng đầu tư du lịch chất lượng.
Để phát huy tốt những thế mạnh này, mỗi địa phương cần định rõ, tận dụng tốt các tài nguyên đặc sắc về văn hóa Việt Nam, phối hợp các giá trị văn hóa bản địa, nhất là định hình những tiêu chuẩn mới về công nghiệp văn hóa, là có thể tăng thêm sức hút, giữ chân du khách, tối đa hóa được các trải nghiệm cá nhân của du khách.
Theo đó, sự kiện sáp nhập các địa phương, chính là một cơ chế mới tự động được mở ra với các tỉnh thành đang có ưu thế du lịch. Đà Nẵng mới càng có thêm nhiều dư địa để thúc đẩy du lịch mạnh mẽ.
Theo thống nhất, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng trước mắt giữ nguyên các cấu trúc, tổ chức có sẵn ở hai địa phương cũ, tạm thời đặt hai điểm đầu mối tại khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng và khu phố cổ Hội An làm cơ sở đấu nối, tập trung các ý kiến, đề xuất, yêu cầu hoạt động từ các doanh nghiệp hội viên trong ngành.
Tiếp đó, Hiệp hội sẽ tiến hành rà soát, tổ chức các hoạt động định kỳ như diễn đàn du lịch, hội chợ, khảo sát các điểm đến, các giải thưởng du lịch… để tập hợp các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực tăng cường giao lưu, hợp tác, cùng tạo dựng những sản phẩm du lịch đặc thù, liên kết đặc trưng và bền vững.
Các doanh nghiệp ngành thông qua Hiệp hội sẽ đẩy mạnh tham vấn từ các nhà đầu tư, cơ quan Chính phủ về đầu tư cơ sở, dịch vụ, sản phẩm, qua đó cùng nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh, tạo nên những trải nghiệm độc đáo và khác biệt cho du khách. Có như vậy, du lịch Đà Nẵng mới, cũng như du lịch toàn miền Trung có thêm những nền tảng đầu tư phát triển mạnh mẽ, hòa chung vào tinh thần tăng tốc của du lịch cả nước, định vị nên những giá trị mới, nâng tầm du lịch quốc gia.