Năm 2024 doanh nghiệp dệt may còn gặp thách thức

21:35 14/01/2024

Dù kinh tế các thị trường xuất chính như Mỹ, châu Âu… có một số tín hiệu khả quan nhưng dự báo về ngành dệt may năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn bởi giá xuống thấp, rủi ro xung đột địa chính trị, lạm phát vẫn còn ở mức cao…

Những khó khăn hiện nay của ngành dệt may được nối tiếp của 2023, năm mà tình hình thị trường xuất khẩu rất khó khăn. Doanh nghiệp phải chịu nhiều áp lực, thách thức lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu, dư âm của đại dịch Covid-19, lượng hàng tồn kho lớn do nhu cầu suy yếu dẫn đến việc cắt giảm lao động lẫn giờ làm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo KinhteSaigon Onile, tại hội nghị tổng kết Hiệp hội Dệt may Việt Nam năm 2023, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), đã đưa ra mục tiêu phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỉ đô la, tức tăng 9,2% so với năm 2023 và là gần tương đương với kết quả kim ngạch xuất khẩu cao nhất của ngành là vào năm 2022 (với 44,4 tỉ đô la).

Theo ông Cẩm, hiện nay tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU đang có dấu hiệu phục hồi, điều này làm tăng khả năng cải thiện nhu cầu về hàng dệt may cao hơn năm ngoái. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện đã giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay lên các doanh nghiệp.

“Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ hiện nay có thể được kéo dài trong năm 2024. Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đã được phê duyệt sẽ là một trong những lợi thế lớn”, ông Cẩm nhìn nhận.

Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, cho rằng ngành dệt may trong nước nhìn chung đang tiếp tục xu hướng phục hồi. Sự suy giảm về giá trị xuất khẩu thu hẹp dần trong nửa cuối năm 2023, thị trường được dự báo về sự “ấm dần” trong năm 2024.

Ngành dệt may trong nước còn có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Đó là 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết đang được thực thi, 3 FTA khác đang trong quá trình đàm phán và sớm có hiệu lực.

“Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, VITAS đặt mục tiêu toàn ngành năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ đô la”, ông Giang kỳ vọng.

Dù vậy, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu này của ngành, giới phân tích và các doanh nghiệp cho là gặp không ít khó khăn để trở thành hiện thực. Bởi lẽ kinh tế thế giới còn nhiều biến động và hết sức bất định. Đơn hàng xuất khẩu dự báo tiếp tục giảm, xu thế số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao.

Cùng với đó là rủi ro nghĩa vụ trả nợ, rủi ro lãi suất, tỉ giá giảm, xu hướng chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh… là những vấn đề đặt ra với dệt may thời gian tới.

Đáng chú ý, ngành dệt may còn phải đối diện với hàng loạt khó khăn từ “hàng rào kỹ thuật” của các quốc gia nhập khẩu, nhãn hàng thời trang. Đó là việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức…

Chủ tịch VITAS cũng lưu ý, năm 2024 doanh nghiệp dệt may còn gặp thách thức khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc. Trong đó, đáng chú ý là các quy định liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may…

Với những đặc điểm cơ bản của thị trường trong giai đoạn tới, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần xây dựng một số phương án để ứng phó, linh hoạt trong sản xuất và điều hành. Đó là cần bám sát thị trường, đối tác để có những dự báo, xây dựng phương án cho sản xuất, duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Với dự báo biến động liên tục về thị trường, các nhà máy cần phải linh hoạt trong chuyển đổi mặt hàng theo năng lực tìm kiếm đơn hàng.

T.H