Đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp dệt may tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu, gia tăng lợi ích từ FTA

09:14 21/04/2023

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Từ 25-28/5 sẽ tổ chức hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu để từ đó các doanh nghiệp hàng Việt Nam sẽ gặp gỡ đối tác, nhà hoạch định chính sách để gia tăng lợi ích từ FTA.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam chia sẻ: "Các đơn hàng hiện nay rất là giảm, giảm khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đặc biệt là giá gia công lại giảm rất là sâu, nhiều doanh nghiệp mới chỉ có đơn hàng đến hết tháng 3,4 trong khi thông thường phải hết tháng 6, hay cả năm 2023".

Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 8,701 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ. Ngay lập tức, nhiều đề xuất giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất may mặc xuất khẩu đã được triển khai ngay trong quý 2.

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, quý I năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt trên 79 tỷ USD, giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài nguyên nhân do sức cầu hàng hóa thế giới suy giảm, theo các doanh nghiệp, chính việc các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc đều đang có những yêu cầu cao hơn về chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Đây cũng là một lý do khiến đơn hàng của doanh nghiệp Việt chưa tăng như kỳ vọng. Thực tế này buộc các doanh nghiệp trong nước phải linh hoạt thích ứng, nâng chuẩn chất lượng sản phẩm, giá cả vẫn phải cạnh tranh mới mong các đơn hàng quay trở lại.

Như vậy, những chuẩn mực cao hơn từ thị trường quốc tế, trong bối cảnh số lượng đơn hàng suy giảm, là thử thách kép với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương bày tỏ kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu sẽ có xu hướng phục hồi từ cuối quý II và tăng trở lại trong nửa cuối năm nay khi vào mùa vụ cao điểm của xuất khẩu. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu xuất khẩu, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cần gấp rút đẩy nhanh.

"Hướng đến các thị trường tiềm năng ở Trung Đông, Mỹ Latinh; triển khai đàm phán FTA với Mercosur. Đây là hướng để khai mở thị trường Mỹ Latinh", bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết.

Bên cạnh việc tìm kiếm thị trường mới, các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu cũng chú trọng việc nhận nhiều đơn hàng dệt may yêu cầu chi tiết phức tạp, dồn nhiều đơn hàng nhỏ, và tối ưu chi phí sản xuất, cân đối lại tỷ lệ phục vụ nội địa - xuất khẩu để vừa duy trì công việc cho người lao động, vừa đảm bảo chuyền may không bị ngưng nghỉ, ảnh hưởng đến hiệu quả doanh thu cả năm.

"Rất mong sắp tới tham tán ở các nước sẽ tích cực tham gia tất cả những hội chợ ở nước ngoài và dành kinh phí, dành gian hàng cho các sản phẩm từ Việt Nam. Đó là sự hỗ trợ tôi nghĩ rất thiết thực, rất cấp bách trong thời gian ngắn", ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, nói.

"Phải giảm chi phí kinh doanh, chi phí vận tải, chi phí logistics. Những chi phí này cấu thành rất lớn trong chi phí xuất khẩu của chúng ta. Doanh nghiệp bán 1 sản phẩm giá 100 đồng nhưng nhiều khi chi phí vận tải logistics đã chiếm 30 - 40% ở trong đó. Như vậy doanh nghiệp không còn sức cạnh tranh, hàng hóa của chúng ta không có khả năng cạnh tranh và tiếp cận các thị trường", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, nêu quan điểm.

"Nhà nước phải đưa ra những gói hỗ trợ như hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp xuất khẩu để giúp họ giảm chi phí đầu vào, cùng với hỗ trợ về thuế sẽ giúp cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Trịnh Viết Hoàng Minh, chuyên viên phân tích vĩ mô, Công ty Chứng khoán ACBS, nêu đề xuất.

Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu khẳng định, do lường trước những biến động và khó khăn kéo dài của thị trường, cơ quan điều hành Tập đoàn đã sớm đưa ra các giải pháp nhằm ứng phó tình hình, bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm.

Đặc biệt, tăng cường giải pháp đối với các doanh nghiệp sợi nhằm duy trì sản xuất, giữ ổn định nguồn lao động, bảo đảm dòng tiền và chuẩn bị nguồn lực đón đầu khi thị trường ấm lên.

Cụ thể, đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất sản phẩm dệt kim của Tập đoàn, qua đó giúp các đơn vị sản xuất vải và may chủ động nguồn cung nguyên liệu, giảm tồn kho sợi, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng của chuỗi; tăng cường các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải để bảo đảm vừa tiết giảm chi phí, vừa đáp ứng các yêu cầu về môi trường của các nhà mua hàng.

Thường xuyên bám sát thị trường, khách hàng và kế hoạch sản xuất để ra quyết định nhanh trong việc nhận đơn hàng và chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường; tập trung cải thiện hệ thống sản xuất, nâng cao hiệu quả trong công tác quản trị sản xuất, tích cực thực hiện chuyển đổi số và ưu tiên giữ chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cũng như nghiên cứu các mặt hàng mới, thị trường mới để đón đầu xu hướng sản xuất xanh tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn của khách hàng lớn, thị trường lớn,... Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm và vị thế của ngành dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng.

Thanh Hà