Mỹ phẩm - thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan

17:21 23/11/2022

Mỹ phẩm là thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa phát triển cho cả doanh nghiệp Ba Lan vào thị trường Việt Nam và ngược lại. Ba Lan là nhà sản xuất mỹ phẩm lớn thứ 5 trong Liên minh châu Âu và ngành công nghiệp này đang phát triển rất năng động.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những thông tin tổng quan thị trường Ba Lan và tạo cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp Ba Lan và doanh nghiệp Việt Nam, ngày 23/11/2022, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Văn Phòng Đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP Hồ Chí Minh (PAIH) tổ chức Hội thảo “Xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp Ba Lan – Việt Nam”.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết, Ba Lan là thị trường quan trọng và năng động nằm ở trung tâm của Trung Âu. Trong số các nước EU, Ba Lan là một trong những đối tác thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam và là một trong những quốc gia có mức độ phát triển mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực kinh doanh thương mại với Việt Nam. Ba Lan hiện là bạn hàng số 1 của Việt Nam tại khu vực Đông Âu và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài Liên minh châu Âu (EU).

 

Toàn cảnh sự kiện
Toàn cảnh Hội thảo “Xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp Ba Lan – Việt Nam”.

Nhận định của các chuyên gia cho rằng, mỹ phẩm là thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa phát triển cho cả doanh nghiệp Ba Lan vào thị trường Việt Nam và ngược lại. Ba Lan là nhà sản xuất mỹ phẩm lớn thứ 5 trong Liên minh châu Âu và ngành công nghiệp này đang phát triển rất năng động. Các doanh nghiệp mỹ phẩm Ba Lan ngày càng mạnh dạn và năng động hơn trong việc tìm kiếm các thị trường mới.

Hội thảo có sự tham gia của 10 công ty Ba Lan tham gia kết nối cùng doanh nghiệp Việt Nam để giới thiệu sản phẩm của mình và gặp gỡ các đối tác tiềm năng. Sau buổi kết nối, doanh nghiệp hai nước có nhiều cơ hội tìm được những đối tác tiềm năng để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Doanh nghiệp, chuyên gia từ Việt Nam, Ba Lan tham gia hội thảo
Doanh nghiệp, chuyên gia từ Việt Nam, Ba Lan tham gia hội thảo.

Được biết, với 71% thuế quan được EU gỡ bỏ ngay lập tức đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và phần còn lại sẽ được gỡ bỏ trong vòng 7 năm theo cam kết từ hiệp định EVFTA, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam chinh phục thị trường Ba Lan nói riêng và EU nói chung trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để đảm bảo xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp cần tìm hiểu về các hàng rào kỹ thuật, như: Quy định không được sử dụng hóa chất trong thực phẩm, sản phẩm dệt may; đảm bảo nguồn gốc hợp pháp theo Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 102/NĐ-CP về việc quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu về những quy định trong Công ước CITES nhằm bảo vệ các loại động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm để tránh vi phạm khi xuất khẩu vào EU.

Linh Anh (t/h)