Muốn hút vốn ngoại đổ vào ngành điện, cần tuân thủ luật chơi quốc tế

07:30 23/12/2020

Thực tế thời gian qua, hàng chục tỷ USD vốn FDI đã đổ vào ngành điện của Việt Nam, trong đó tâm điểm là các nguồn điện tái tạo. Nhưng dòng vốn quốc tế có tính cạnh tranh rất cao theo đúng quy luật cung cầu và được vận hành theo những chuẩn mực...

Theo Chương trình phát triển nguồn điện, tốc độ tăng trưởng phụ tải giai đoạn 2021-2030 được dự báo vẫn ở mức cao, khoảng 8,6% giai đoạn 2021-2025 và 7,2% trong giai đoạn 2026-2030. Dự kiến, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 sẽ tăng thêm khoảng gần 80.000 MW so với năm 2020.

Nhộn nhịp đầu tư ngoại

Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 6,6 tỷ kWh điện vào năm 2021;11,8 tỷ kWh vào năm 2022 và đỉnh điểm trên 13 tỷ kWh vào năm 2023. Để bù đắp sản lượng thiếu hụt này, ước tính từ nay đến 2030 sẽ cần trên 12 tỷ USD mỗi năm để đầu tư nguồn điện mới. Với nhu cầu lớn như vậy, Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thực tế thời gian qua, hàng chục tỷ USD vốn FDI đã đổ vào ngành điện của Việt Nam, trong đó tâm điểm là các nguồn điện tái tạo. Điển hình như dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG tỉnh Bạc Liêu, có công suất thiết kế 3.200 MW, tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD do Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore) đầu tư. Đây là dự án 100% vốn nước ngoài lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ trước tới nay.

Dòng vốn FDI có xu hướng đổ vào ngành điện
Dòng vốn FDI có xu hướng đổ vào ngành điện, trong đó tâm điểm là các nguồn điện tái tạo.

Tại Diễn đàn Cấp cao năng lượng Việt Nam 2020 diễn ra hồi tháng 7, hàng loạt hợp tác triển khai đầu tư các dự án năng lượng được ký kết. Chẳng hạn, tập đoàn tiên phong trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại châu Á - Thái Bình Dương CopenhagenInfrastructure Partners (CIP - Đan Mạch) và tỉnh Bình Thuận đã ký biên bản ghi nhớ phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với tổng công suất lên đến 3,5 GW, vốn đầu tư 10 tỉ USD. Điểm đặc biệt của dự án là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam được triển khai với sự hợp tác của đối tác nước ngoài. Nhà đầu tư (NĐT) này cam kết sẽ biến dự án nói trên thành một hình mẫu về chuyển giao công nghệ thành công song song với sử dụng tối đa các nguồn lực tại địa phương.

Cuối tháng 11/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất chọn 4 địa điểm quy hoạch điện khí tại khu vực nam Vân Phong, thuộc Khu kinh tế Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, để trình Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII)

Trước đó, vào tháng 8/2020, công ty Millennium của Mỹ đã được Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong cho phép khảo sát, nghiên cứu khả thi tổ hợp dự án gồm dự án trung tâm LNG (trên 10 triệu m3) và nhà máy điện (công suất 4.800 MW) với tổng vốn đầu tư ban đầu 8 tỉ USD và nâng dần lên 15 tỉ USD.

Ngoài ra, Liên danh nhà đầu tư Embark United và Tập đoàn QuanTum cũng của Mỹ đề xuất xây dựng nhà máy điện khí 6.000 MW tại Khu kinh tế Vân Phong.

Ngoài những dự án 100% vốn FDI, thì gần đây, việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án điện tái tạo (mặt trời, gió) từ các nhà đầu tư trong nước qua các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra khá sôi động.

Sức hút xuất phát từ đâu

Lý do chủ yếu xuất phát từ việc giá mua điện hấp dẫn. Theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, giá mua điện của các dự án điện mặt trời vận hành trước ngày 30/6/2019 là 9,35 cent/kWh, cao hơn tương đối so với giá bán lẻ điện đến các hộ tiêu thụ hiện ở mức bình quân 8 cent/kWh.

Thậm chí, ngay với Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, giá mua điện mặt trời trên mặt đất là 7,09 cent/kWh và điện mặt trời nổi trên hồ là 7,69 cent/kWh, dù có thấp hơn so với Quyết định 11 nhưng vẫn được cho là sinh lợi tốt so với chi phí đầu tư ban đầu. Ngoài ra, cơ chế mua điện theo giá cố định (FIT) hiện tại ở Việt Nam được cho là hấp dẫn hơn so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, khi áp dụng cơ chế đấu giá cạnh tranh với giá bán điện mặt trời 4,5-6 cent/kWh ở Trung Quốc, và 4,2-5,7 cent/kWh ở Malaysia...

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tính đến hết tháng 10/2020, có hơn 100 dự án điện mặt trời (ĐMT) và 11 dự án điện gió với tổng công suất gần 6.500 MW đi vào vận hành thương mại. Trong đó, một số dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần cho các NĐT nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore, Ảrập Xêút...

Điển hình như Công ty Super Energy Corporation Company Limited (Super Energy) của Thái Lan vào cuối tháng 3/2020 ra nghị quyết chi 456,7 triệu USD để sở hữu cổ phần và đầu tư vào 4 dự án điện mặt trời tại Việt Nam, gồm: Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW) tại tỉnh Bình Phước (Việt Nam)... hay như, Công ty AC Energy thuộc Tập đoàn Ayala ( Philippines) đã thành lập Liên doanh BIM/AC Renewable để phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận...

Theo Bộ Công Thương, việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư. Quy định của pháp luật cho phép chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư thuộc ngành nghề có điều kiện. Hơn nữa, khác với các dự án điện than hay điện khí đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), các dự án điện mặt trời, điện gió triển khai đầu tư hoàn toàn không có bảo lãnh Chính phủ. 

Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn cho nhà đầu tư và xã hội
Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn cho nhà đầu tư và xã hội.

Vì vậy, các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn cho nhà đầu tư và xã hội.

Cần thiết trong việc xây dựng cơ chế rõ ràng

Mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển vẫn lưu ý trong Hội thảo với chủ đề “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập”, để tăng khả năng sinh lời và giảm rủi ro nhằm thu hút được dòng vốn quốc tế, trên bình diện quốc gia, Việt Nam cần coi trọng vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia vì thông qua đó sẽ giúp Chính phủ, định chế tài chính và doanh nghiệp khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế có thể giảm được chi phí huy động vốn.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải thực thi để tuân thủ luật chơi quốc tế là cần chuẩn hóa, minh bạch theo thông lệ quốc tế về hợp đồng mua bán điện (PPA) vì đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định chi phí vốn, trong đó cần lưu ý có cơ chế chia sẻ, phân bổ rủi ro hợp lý, tránh chỉ đẩy rủi ro cho các nhà đầu tư.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, để khơi thông được nguồn vốn quốc tế quan trọng này, cần xây dựng cơ chế vận hành, các điều kiện và cách tiếp cận, thu hút dòng vốn này trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế kết hợp với thực tiễn tại Việt Nam.

“Việc xây dựng một khung pháp lý phù hợp là rất cần thiết, nhất là với một số vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự tham gia của các tổ chức tài chính và tín dụng xuất khẩu, xây dựng các thỏa thuận mua bán điện phù hợp và chú trọng cơ chế nâng cao tín dụng…", ông Nguyễn Đức Hiển nói.

Dưới góc độ ngân hàng, đại diện NHNN khẳng định, ngân hàng duy trì chính sách nhất quán, xoá bỏ dần những rào cản, thủ tục, phân biệt đối xử, tạo sân chơi thông thoáng.

Còn đại diện đến từ ngân hàng VietinBank cho biết, ngân hàng này hiện nay có thể tài trợ cho 1 nhóm khách hàng liên quan là 1,1 tỷ USD; cho 1 cá nhân là 630 triệu USD. VietinBank ưu tiên tài trợ đối với lĩnh vực năng lượng, đã và đang tài trợ 150 dự án phát điện, nhiều dự án có quy mô và công suất lớn hơn 100 MW; 20 dự án truyền tải điện; tài trợ nhiều dự án IPP lớn và hiệu quả, như điện mặt trời, điện gió, thủy điện...

Tuy nhiên, theo đại diện đến từ ngân hàng này, thực hiện các dự án điện IPP, chi phí rủi ro cao hơn với các nước phát triển; chưa có nhiều sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế dẫn đến chi phí vốn cao; hợp đồng mua bán điện chưa có điều khoản bồi thường thay đổi luật pháp… Do đó, cần hình thành các quỹ về hỗ trợ vốn cho các dự án phát triển năng lượng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm; có cơ chế đặc thù để khơi thông nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại. 

Đại diện đến từ VietinBank cũng nêu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét giảm tỉ lệ trích lập dự phòng rủi ro đối với dư nợ tín dụng tài trợ các dự án điện; áp dụng hệ số rủi ro với dự án điện thấp hơn các ngành thông thường

Ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (PDI) (nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, năng lượng là một kết cấu hạ tầng không thể thiếu để đảm bảo duy trì tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo khảo sát, thị trường vốn quốc tế rất lớn, hàng chục nghìn tỷ USD, dư sức thỏa mãn nhu cầu vốn của Việt Nam. Nhưng dòng vốn quốc tế có tính cạnh tranh rất cao theo đúng quy luật cung cầu và được vận hành theo những chuẩn mực nhất định, rất chặt chẽ, đòi hỏi mọi người tham gia thị trường phải tuân thủ, không có ngoại lệ.

Đặc biệt cũng như các hàng hóa khác, dòng vốn cũng có giá, ở đây được xác định bởi mức độ rủi ro của khoản đầu tư. Rủi ro cao, chi phí cao và kỳ vọng lợi nhuận cao hoặc ngược lại.

Do đó, Việt Nam cần nâng cao hiểu biết về thị trường vốn quốc tế, các điều kiện cứng và các điều kiện có thể thương thảo của các bên cho vay; định vị lại nền kinh tế của mình dưới góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài; tìm kiếm những cơ hội để cải thiện vị thế trên thị trường thế giới …

Cần tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những định chế tài chính quốc tế và các tổ chức tư vấn uy tín trên thế giới cung cấp thông tin cập nhật và chia sẻ kinh nghiệm thực tế về thị trường vốn quốc tế.

Bảo Bảo