Tái khởi động kinh doanh, thu hút vốn đầu tư và thúc đẩy doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi giá trị

14:24 22/12/2020

Sáng ngày 22/12/2020, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường niên (VBF) 2020 với chủ đề "Thách thức và Cơ hội trong trạng thái bình thường mới.

Đến dự và phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Chính phủ trân trọng và đánh giá cao những đóng góp của VBF đối với quá trình nghiên cứu, tham mưu, hoạch định chính sách kinh tế; mong muốn cộng đồng DN sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt để góp phần thực hiện thành công các chiến lược, kế hoạch phát triển giai đoạn tới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Diễn đàn
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP

VBF đã luôn đồng hành cùng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, đưa ra nhiều khuyến nghị, sáng kiến hữu ích nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong suốt 23 năm qua. 

Phó Thủ tướng đánh giá cao chủ đề và các phiên thảo luận của Diễn đàn hôm nay rất phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và gây ra hậu quả nặng nề, khiến kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng, nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm; thương mại, đầu tư, du lịch đình trệ trong khi triển vọng phục hồi là rất khó khăn.

Toàn cảnh Diễn đàn
Toàn cảnh Diễn đàn.

Tại Việt Nam, đại dịch COVID-19, cùng với thiên tai, bão lụt nghiêm trọng cũng đã gây ra nhiều tác động tiêu cực, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể; cộng đồng DN gặp vô vàn khó khăn về sản xuất, lưu thông, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác và tiếp cận các nguồn vốn.

Năm 2020, Việt Nam còn đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế và khu vực quan trọng với nhiều nhiệm vụ nặng nề, nổi bật là vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2020-2021).

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao độ, bằng mọi nỗ lực tập trung thực hiện cho được “mục tiêu kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất có thể; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, việc thực hiện "mục tiêu kép" như nêu trên bước đầu đã đạt những kết quả tích cực. Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, được cộng quốc tế đánh giá cao; kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 có thể đạt 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.

Ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ DN

Phó Thủ tướng cho biết thêm, việc kiến tạo môi trường thuận lợi để giúp cộng đồng DN sớm phục hồi và vươn lên, lấy lại động lực phát triển trong trạng thái "bình thường mới" là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô năm nay.

Thực tế, hàng loạt biện pháp quyết liệt để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư... đã được triển khai. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách mang tính cạnh tranh quốc tế nhằm nắm bắt kịp thời và tận dụng hiệu quả các cơ hội thu hút đầu tư trong tình hình mới. 

Để đồng hành và hỗ trợ tối đa cộng đồng DN khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, vượt qua thách thức, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định chính trị xã hội, bình ổn kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ gắn với chính sách tài khoá và các chính sách khác. Đồng thời, hỗ trợ các DN, bao gồm cả DN vừa và nhỏ, tiếp cận các nguồn vốn và cơ hội đầu tư, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp; ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số, coi đây là khâu đột phá trong phát triển nhanh, bền vững….

Với quyết tâm của Chính phủ, hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng được đẩy mạnh với nhiều bước tiến mang tính đột phá như: Ký kết và đưa vào thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Đồng thời, thúc đẩy việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương  khác.

Phó Thủ tướng khẳng định những nỗ lực trên của Chính phủ đều hướng tới mục tiêu chung là đẩy mạnh cải cách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong trạng thái "bình thường mới”.

Theo Phó Thủ tướng, trạng thái "bình thường mới" sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi Chính phủ, cộng đồng DN và toàn xã hội phải có những cách tiếp cận mới, những cách thức và biện pháp mới trong chỉ đạo, điều hành và hoạch định chính sách, cũng như trong xây dựng và tổ chức triển khai các chiến lược, kế hoạch về phát triển kinh tế-xã hội, về đầu tư, kinh doanh. Điều đó càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Việt Nam chuẩn bị bước vào thời kỳ chiến lược mới (2021-2030) với việc triển khai các Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới, hướng tới sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng nhìn nhận cộng đồng DN sẽ là lực lượng nòng cốt để góp phần thực hiện thành công các chiến lược và kế hoạch trên.

Những kiến nghị với Chính Phủ

Trước đó, khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn mà tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam do phải đối mặt với sự bùng phát của dịch Covid-19. Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP, dự kiến năm 2020 đạt 2,5 - 3%.

Đây cũng là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn mà Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách để đạt được những thành tựu rất quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Trong các kết quả nêu trên có sự đóng góp của cộng đồng DN, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. 
Bước sang năm 2021, nhiều dự báo cho thấy năm 2021 vẫn là năm kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn và Việt Nam không là ngoại lệ. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc - đại diện cộng đồng DN nêu ý kiến tại diễn đàn cho biết, cộng đồng DN kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các cơ hội hội nhập từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và từ EVFTA nói riêng, để phục hồi từ Covid-19 và tiếp tục phát triển. 

Cụ thể, về nguồn nhân lực, đề nghị xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật chuyên sâu, bài bản trong những ngành công nghiệp kỹ thuật phụ trợ cần thiết nhất hiện nay. "Chúng ta phải có các chương trình đào tạo kỹ năng cụ thể, cho từng ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật phụ trợ cụ thể thuộc các chuỗi giá trị trọng điểm, và nằm trong chiến lược cụ thể thu hút các chuỗi FDI chuyển dịch. Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dựa trên các đánh giá khoa học và dự báo được về những thay đổi của thị trường lao động việc làm trong 5 - 10 năm tới" - ông Vũ Tiến Lộc đề nghị. 

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Về cơ sở hạ tầng, VCCI và cộng đồng DN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai hiệu quả Luật PPP (hợp tác đối tác công - tư) và Luật Đầu tư công với ưu tiên cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông và các dự án đang triển khai dở dang; đảm bảo sự kết nối các khu vực sản xuất trọng điểm (nông nghiệp, công nghiệp) đến các cửa khẩu quốc tế. Tại các cửa khẩu quốc tế trọng điểm, Chính phủ đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống logistics cần thiết, đặc biệt đối với các cửa khẩu đầu mối cho các hàng hóa đặc thù (dễ bị hư hỏng, cần bảo quản đặc biệt…).

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

“Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng việc các bộ ngành và chính quyền các địa phương thực thi đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết 68 của Chính phủ ban hành tháng 5/2020 mà trọng tâm cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp”- ông Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến.

Bảo Bảo