Mục tiêu tham vọng của TikTok phả hơi nóng cho cuộc đua thương mại điện tử ở Mỹ

11:10 06/01/2024

Từ trước đến nay, TikTok vẫn xem Mỹ là thị trường quan trọng bất chấp việc đối mặt với lệnh cấm. Kế hoạch tiếp theo là triển khai một thị trường mua bán gần giống với nền tảng web mua sắm truyền thống.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

TikTok - nền tảng video ngắn đình đám toàn cầu thuộc sở hữu của ByteDance, đặt mục tiêu tăng quy mô kinh doanh thương mại điện tử Tiktok Shop lên gấp 10 lần với giá trị ước tính tới 17,5 tỷ USD trong năm 2024. Điều này gây ra mối đe dọa lớn hơn cho sàn thương mại điện tử Amazon.com.

Theo các nguồn tin, mục tiêu về số lượng hàng hóa vào năm 2024 cho phiên bản TikTok Shop tại Mỹ đã được thảo luận trong các cuộc họp nội bộ những tuần gần đây và vẫn có thể thay đổi tùy thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Mục tiêu đầy tham vọng của TikTok lại càng phả thêm hơi nóng cho cuộc chơi thương mại điện tử ở Mỹ, nơi có Tập đoàn Amazon và cả các công ty đến từ Trung Quốc là Temu và Shein.

TikTok dựa vào khả năng tiếp cận trên mạng xã hội và sức hấp dẫn của các video dễ thành xu hướng để thu hút người mua.

Năm ngoái, theo Bloomberg, tổng giá trị hàng hoá của TikTok Shop trên toàn cầu ước đạt 20 tỷ USD, trong đó Đông Nam Á đóng góp phần lớn doanh thu. TikTok đã phủ nhận số liệu mục tiêu kể trên.

TikTok Shop là một trong những mảng kinh doanh phát triển nhanh nhất của ByteDance. Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới ngoài quảng cáo trên mạng xã hội.

Doanh thu ByteDance đã tăng khoảng 30% vào năm ngoái lên hơn 110 tỷ USD, vượt xa mức tăng trưởng dự kiến ​​của các đối thủ mạng xã hội tên tuổi như Meta Platforms và Tencent Holdings.

TikTok Shop cho phép người dùng mua hàng khi đang lướt xem video ngắn trên nền tảng TikTok. Đây là một trong những nỗ lực thay thế cách mua sắm truyền thống mà Shopee của Sea hay Amazon thiết lập trước đó.

Mô hình này đã giúp Douyin, một TikTok phiên bản Trung Quốc, chiếm một phần đáng kể trong chi tiêu người dùng trong nước, cạnh tranh với Alibaba Group Holding và JD.com.

Để tạo ra một hệ sinh thái thương mại điện tử linh hoạt, gã khổng lồ truyền thông xã hội đã tích hợp chiến lược các dịch vụ mua sắm của mình với một số nền tảng của bên thứ ba, bao gồm Shopify, Salesforce và Zendesk. 

Theo Juozas Kaziukėnas, Giám đốc điều hành Marketplace Pulse, cửa hàng ứng dụng mới của TikTok Shop gần giống với cửa hàng ứng dụng của Amazon ở điểm hỗ trợ chức năng đồng bộ hóa dữ liệu và vận chuyển đơn hàng mà không làm thay đổi cách thức hoạt động hoặc giao diện.

Từ trước đến nay, TikTok vẫn xem Mỹ là thị trường quan trọng bất chấp việc đối mặt với lệnh cấm. Kế hoạch tiếp theo là triển khai một thị trường mua bán gần giống với nền tảng web mua sắm truyền thống để người tiêu dùng Mỹ có thể tự tìm kiếm, so sánh và mua sản phẩm ở một nơi. 

Chiến lược khiến TikTok khác biệt hoàn toàn so với Instagram và có thể cạnh tranh trực tiếp với "gã khổng lồ" Amazon ngay trên chính sân nhà của thương hiệu.

Công ty cho biết, vào tháng 11, được thúc đẩy bởi các ưu đãi Black Friday và Cyber Monday, hơn 5 triệu khách hàng mới ở Mỹ đã mua sắm trên TikTok. Hiên có khoảng 150 triệu người dùng TikTok khắp nước Mỹ.

TikTok mới đây đã thông báo rằng họ sẽ tăng phí bán hàng lên 6% vào tháng 4 và 8% vào tháng 7 đối với hầu hết các danh mục sản phẩm trên ứng dụng, đánh dấu sự kết thúc của các chương trình khuyến mãi được sử dụng để lôi kéo người bán. 

Khoản phí đó vẫn thấp hơn đáng kể so với trên Amazon, thường là khoảng 15%, nhưng tín hiệu thúc đẩy TikTok đang nhanh chóng chuyển sang tạo doanh thu từ nền tảng thương mại điện tử của mình.

Mảng thương mại điện tử hiện được coi là nguồn tăng trưởng doanh thu mới triển vọng nhất của TikTok. Người Mỹ ngày càng thoải mái mua sắm trên các ứng dụng thương mại điện tử của Trung Quốc, bao gồm cả trang web thời trang nổi tiếng Shein và Temu của PDD Holding, những trang này đã trở nên phổ biến kể từ khi phát sóng quảng cáo Super Bowl vào tháng 2.

Ngoài Mỹ, tại Indonesia, TikTok đã nắm quyền kiểm soát đơn vị thương mại điện tử Tokopedia của GoTo Group trong một thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD, cho phép công ty khởi động lại dịch vụ bán lẻ trực tuyến của mình sau nhiều tháng bị chính quyền địa phương giám sát.

Hiện chưa rõ mục tiêu bán hàng mà TikTok Shop đặt ra trên toàn cầu hay cho các thị trường khác là gì.

Thu Phương (t/h)