Mục tiêu giải ngân 550.000 tỷ đồng vốn đầu tư công đến cuối năm sẽ gặp nhiều thách thức

09:21 12/06/2023

Giải ngân vốn đầu tư công có dấu hiệu tăng tốc khi tỷ lệ giải ngân tương đương cùng kỳ nhưng cao hơn 40.000 tỷ đồng về con số tuyệt đối. Dù vậy, việc giải ngân chưa đạt kỳ vọng vì nhiều “nút thắt” khiến áp lực giải ngân những quý còn lại vô cùng lớn.

Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước cho thấy tính hết tháng 5, ước giải ngân vốn kế hoạch năm 2023 đạt 20,8% kế hoạch, tương ứng giải ngân trên 157.000 tỷ đồng.

Nếu so với kế hoạch Thủ tướng giao, tỷ lệ giải ngân 5 tháng đạt 22,22%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (22,37%) nhưng xét về giá trị tuyệt đối lại cao hơn 35%, tương đương 41.000 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 22,64%, thấp hơn cùng kỳ (23,53%), còn vốn nước ngoài đạt 12,02%, tăng cao rõ rệt so với cùng kỳ (6,26%).

Theo tính toán, số vốn đầu tư công phải tiêu từ nay đến cuối năm lên tới 550.000 tỷ đồng theo kế hoạch Thủ tướng giao, thậm chí cao hơn nếu tính cả hàng chục ngàn tỷ vốn các năm trước chuyển sang.
Theo tính toán, số vốn đầu tư công phải tiêu từ nay đến cuối năm lên tới 550.000 tỷ đồng theo kế hoạch Thủ tướng giao, thậm chí cao hơn nếu tính cả hàng chục ngàn tỷ vốn các năm trước chuyển sang..

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 ở mức cao kỷ lục, lên tới gần 810.000 tỷ đồng, trong đó, vốn trong nước là trên 776.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 29.000 tỷ đồng. Trong tổng nguồn vốn, kế hoạch vốn đã giao là 796.358,6 tỷ đồng và còn gần 12.887,2 tỷ đồng vốn chưa giao.

Cụ thể, kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang là trên 41.000 tỷ đồng, trong đó, vốn trong nước trên 37.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài gần 4.000 tỷ đồng. Còn tính riêng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 là gần 770.000 tỷ đồng, trong đó, kế hoạch vốn đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao là trên 707.044,2 tỷ đồng.

Cập nhật đến thời điểm báo cáo, kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2023 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng giao là 48.290,1 tỷ đồng.

Về tình hình giải ngân kế hoạch vốn năm 2023, Bộ Tài chính nêu rõ tổng kế hoạch là 796.358,6 tỷ đồng, bao gồm kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2023 là trên 41.000 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2023 là trên 755.000 tỷ đồng. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày cuối tháng 5 đạt 162.780,8 tỷ đồng, tương ứng 20,44% kế hoạch.

Thứ nhất, tính riêng việc giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2023, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/5 là 5.685,4 tỷ đồng, đạt 13,86% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước 5.685,4 tỷ đồng, đạt 15,34% kế hoạch, vốn nước ngoài kéo dài sang năm 2023 là 3.954,4 tỷ đồng, vẫn chưa giải ngân.

Thứ hai, mục quan trọng nhất là giải ngân vốn kế hoạch năm 2023, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/5 là 157.095,4 tỷ đồng, đạt 20,80% kế hoạch (đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng giao), thấp hơn không đáng kể so với cùng kỳ khi tỷ lệ giải ngân năm 2022 lần lượt đạt 20,67% kế hoạch và đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng giao.

Tỷ lệ giải ngân số vốn Thủ tướng giao trong 5 tháng kế hoạch năm 2023 chỉ thấp hơn cùng kỳ vỏn vẹn 0,15% nhưng xét về giá trị tuyệt đối lại cao hơn 35,5%, tương đương 41.000 tỷ đồng.

Điều này cho thấy sự chuyển biến khá tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công sau nỗ lực của Chính phủ trong hai năm vừa qua với việc ban hành 16 nghị quyết, 6 công điện, 2 chỉ thị, tổ chức 4 hội nghị trực tuyến và duy trì 5 tổ công tác liên tục của Chính phủ để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Ảnh minh họa

Những khó khăn

Cũng theo Bộ Tài chính, có 8 bộ và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang (45,89%), Đồng Tháp (44,28%), Long An (40,06%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (40,04%).

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 39/52 bộ và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 bộ và 5 địa phương chỉ giải ngân được dưới 10% kế hoạch vốn.

Chia sẻ tại nghị trường Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhìn nhận chậm giải ngân vốn đầu tư công là một vấn đề bức xúc kéo dài được trao đổi tại rất nhiều kỳ họp. Dự án đầu tư công có nhiều đặc thù và phải thực hiện theo một quy trình, từ chuẩn bị đến thực hiện, kết thúc dự án. Mỗi giai đoạn được điều chỉnh bởi một quy định khác nhau và không được làm đồng thời, nếu vướng mắc ở một khâu nào đó sẽ tự động kéo dài cả quy trình.

Nguyên nhân chậm trễ giải ngân từ lâu được nhận diện, đó là chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, giải phóng mặt bằng chậm, thời gian điều chỉnh dự án lâu, điều chỉnh nhiều lần, năng lực của ban quản lý dự án, năng lực nhà thầu cũng như trách nhiệm, sự vào cuộc của người đứng đầu hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều dự án rất phức tạp, trải qua nhiều quy định như chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất lúa, dự án đi qua hai địa bàn rất nhiều vướng mắc.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, riêng năm 2023 có một số đặc thù riêng: thứ nhất, quy mô vốn đầu tư công năm 2023 lớn hơn các năm, lên tới 710.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 23%, tương ứng với khoảng 130.000 tỷ đồng; thứ hai, các yếu tố phát sinh về giá nguyên vật liệu đầu vào trực tiếp ảnh hưởng đến xây dựng; thứ ba, tình trạng một số bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, gây kéo dài các thủ tục.

Cùng chung quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho rằng khâu chuẩn bị đầu tư kéo dài, còn thi công xây lắp và phần quyết toán rất nhanh. Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Quốc hội ủng hộ để thiết kế, rà soát lại quy trình, không để giải ngân đầu tư công năm nào cũng đưa ra Quốc hội để bàn...

BTV (Tổng hợp)