"Mô hình kinh doanh của Google đã phá vỡ internet"

15:46 16/10/2023

Đây là nhận định của Mustafa Suleyman, nhà đồng sáng lập DeepMind khi trả lời tờ Telegraph. Theo ông, mô hình kinh doanh "bán được nhiều quảng cáo nhất có thể" của Google đã phá vỡ Internet.

Ảnh minh họa
Mustafa Suleyman, nhà đồng sáng lập DeepMind.

Mustafa Suleyman, nhà đồng sáng lập DeepMind mới đây cho rằng, mô hình kinh doanh "bán được nhiều quảng cáo nhất có thể" của Google đã phá vỡ Internet.

Theo ông, kết quả tìm kiếm hiển thị trên Google bị tác động bởi clickbait - mồi nhử nhấp chuột, khái niệm chỉ những nội dung giật gân, khuyến khích người dùng bấm vào để dẫn dụ đến một trang web khác.

Ông cho rằng clickbait được tận dụng để khiến người dùng ở lại website càng lâu càng tốt. Trong khi đó, thông tin trực tuyến bị "chôn vùi dưới đáy của những dòng giới thiệu vớ vẩn".

"Công nghệ của Google thúc đẩy các trang web tận dụng clickbait để bán được nhiều quảng cáo hơn", nhà đồng sáng lập DeepMind lập luận.

Ông Mustafa Suleyman là một trong ba người thành lập phòng thí nghiệm AI DeepMind ở London vào năm 2010. Công ty được Google mua lại với giá 400 triệu bảng Anh và nó trở thành nền tảng cho hoạt động AI của gã khổng lồ tìm kiếm.

Suleyman rời Google 18 tháng trước và thành lập một công ty đối thủ có tên Inflection AI. Công ty đang phát triển một chatbot đàm thoại, tương tự như ChatGPT. Inflectio AI sở hữu một chatbot có tên là Pi, có thể hoạt động như một người bạn tâm giao hoặc huấn luyện viên.

Startup này đã huy động được hơn 1,5 tỷ USD cho công nghệ mới. 

Phát ngôn của ông Suleyman được đưa ra khi cộng đồng công nghệ đang lên kế hoạch thành lập một cơ quan quốc tế mới để giám sát các mối đe dọa AI. Mustafa Suleyman cùng với tỷ phú Eric Schmidt đang chuẩn bị trình bày các đề xuất cho Hội đồng quốc tế về An toàn AI tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về công nghệ.

Hội nghị sẽ xem xét các rủi ro liên quan đến AI, bao gồm các hệ thống công nghệ tiên phong, đồng thời thảo luận về cách thức giảm thiểu những rủi ro này thông qua hợp tác quốc tế.

Trong những tháng gần đây, công nghệ AI đã chứng kiến sự bùng nổ về số lượng người dùng và vốn đầu tư sau khi công cụ ChatGPT của công ty OpenAI xuất hiện. Một số chính phủ đang tìm cách giảm thiểu các nguy cơ liên quan công nghệ mới nổi này.

Cụ thể, nhiều cơ quan quản lý trên thế giới đang nỗ lực đưa ra các quy định quản lý việc sử dụng AI tạo sinh. Khác với các loại AI phổ biến khác, AI tạo sinh có khả năng tạo ra nội dung hoàn toàn mới từ văn bản, hình ảnh, thậm chí cả code phần mềm máy tính, thay vì chỉ đơn giản phân loại hay xác định dữ liệu.

Hà Anh (t/h)