Doanh nghiệp nhỏ và vừa là nòng cốt trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc

23:42 22/08/2022

Đó là nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Hàn, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong buổi chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc.

Giao lưu Nhân dân là nền tảng rất quan trọng 

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Hàn, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Hàn, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao được 30 năm nhưng từ rất lâu trước đó, trong lịch sử hai bên đã có quan hệ giao lưu. Từ thế kỷ thứ XIII, Hoàng tử Lý Long Tường - con thứ bảy của vua Việt Nam Lý Anh Tông, trên đường lánh nạn, đã đến vương quốc Cao Ly, được Quốc vương và thần dân Cao Ly đùm bọc, che chở.

Đến nay, các lĩnh vực giao lưu giữa nhân dân hai nước vẫn được duy trì và ngày càng mở rộng, cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể thao… Người dân Việt Nam và Hàn Quốc sang đất nước của nhau làm ăn, lập nghiệp và kết hôn khá nhiều. Hiện có khoảng 200.000 công dân Việt Nam đang ở Hàn Quốc và 200.000 công dân Hàn Quốc đang ở Việt Nam. 

Nếu như trước đây, khi vương quốc Cao Ly gặp nạn ngoại xâm, hoàng tử Lý Long Tường đã lãnh đạo người dân địa phương ở đây chiến đấu, góp phần đẩy lui quân xâm lược thì ngày nay, trong những thành tích đỉnh cao của thể thao Việt Nam, như bóng đá, đều có sự đóng quan trọng của các huấn luyện viên người Hàn Quốc.

Mặc dù trong lịch sử quan hệ hai nước cũng có lúc thăng trầm nhưng hữu nghị, hợp tác vẫn là xu hướng chủ đạo, dựa trên nền tảng là mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, đoàn kết của nhân dân hai nước.

Hai bên thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác, không chỉ chú trọng quan hệ chính trị giữa hai nhà nước, giữa các Đảng cầm quyền mà còn rất chú trọng quan hệ giữa nhân dân hai nước. Hai bên đều có tổ chức Hội hữu nghị để tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Nhiều hoạt động giao lưu nhân dân được tổ chức trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao… ở mọi cấp độ.  

Trong dịp kỉ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc,có rất nhiều hoạt động. Trước hết, có một diễn đàn nhân dân lớn sẽ được tổ chức ở Việt Nam. Các tầng lớp nhân dân hai nước sẽ giao lưu ở diễn đàn này. Đây là hoạt động chưa từng có. Diễn đàn nhân dân hai nước sẽ là nơi gặp tất cả tầng lớp nhân dân, từ chính trị, các nhà ngoại giao cho đến các nhà doanh nghiệp, bà con nông dân, công nhân rồi tri thức, thanh niên, phụ nữ,… Chúng tôi cũng đã và đang làm, phối hợp với các địa phương, bộ ngành để tổ chức một loạt các diễn đàn doanh nghiệp đối thoại, gặp gỡ các doanh nghiệp, các nhà khoa học bàn về những vấn đề hợp tác phát triển giữa hai bên. 

Cán bộ nhân viên Đại sứ quán cùng đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc  chào đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam
Cán bộ nhân viên Đại sứ quán cùng đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc chào đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam.

Trọng tâm của quan hệ Việt - Hàn là hợp tác kinh tế

Hàn Quốc hiện nay là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, kể cả viện trợ phát triển (ODA), đầu tư trực tiếp (FDI), xuất nhập khẩu, du lịch… Đó là quan hệ hợp tác bền chặt, hai bên cùng có lợi.

Thứ nhất, đó là quan hệ hợp tác bình đẳng, vô điều kiện. Hàn Quốc có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam nhưng không đặt ra điều kiện tiên quyết nào trong quan hệ hợp hợp tác kinh tế, thương mại, trong khi nhiều nước phát triển khác, cũng có quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam, luôn đặt kèm các điều kiện, đòi hỏi về chính trị hoặc các vấn đề khác.

Thứ hai, quan hệ hợp tác kinh tế Việt - Hàn là quan hệ có tính tương hỗ rất cao. Khoảng cách về trình độ phát triển, đặc biệt là công nghệ và trình độ quản lý, giữa Việt Nam - Hàn Quốc không quá lớn như khoảng cách giữa Việt Nam với các đối tác khác là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản.., cơ cấu kinh tế của Việt Nam - Hàn Quốc cũng không phải là cơ cấu cạnh tranh trực tiếp.…Các đặc điểm này khiến thuận lợi cho quan hệ chuyển giao, bổ trợ lẫn nhau.

Cụ thể như, việc chuyển giao công nghệ của Hàn Quốc cho Việt Nam rất vừa với sức vươn lên của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, nếu tiếp nhận  công nghệ hàng đầu của Mỹ hay của châu Âu, đôi khi, doanh nghiệp Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn.

Có lẽ chính vì vậy, Hàn Quốc là nước đi đầu trong việc hợp tác với Việt Nam trong nghiên cứu đầu tư phát triển trong khi có rất ít quốc gia đầu vào mảng hợp tác này với Việt Nam. Samsung là một ví dụ. Chúng ta chỉ thường nghe nói về Samsung và các tập đoàn đầu tư của Hàn Quốc ở quy mô, ở đóng góp vào xuất khẩu cho Việt Nam. Ít người biết rằng Samsung cũng đang đi đầu ở Việt Nam trong đầu tư vào hoạt động nghiên cứu phát triển trong các chuỗi cung ứng. Hiện nay, trung tâm nghiên cứu phát triển lớn nhất của Hàn Quốc ở nước ngoài chính là Trung tâm nghiên cứu của Samsung tại Hà Nội. Chúng ta kỳ vọng rằng trung tâm nghiên cứu phát triển này sẽ là nơi để Việt Nam có thể tham gia vào khâu cao nhất ở thượng nguồn của chuỗi cung ứng, tức là nghiên cứu và phát triển cùng với thương hiệu phân phối. 

Huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang-seo đã dẫn dắt đội tuyển bóng đá Nam đạt được những thành tích vang dội
Huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang-seo đã dẫn dắt đội tuyển bóng đá Nam đạt được những thành tích vang dội.

Hợp tác giữa các doanh nghiệp chính là nòng cốt

Tôi rất hoan nghênh Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập trong việc tổ chức Tọa đàm thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc, tại thành phố Hồ Chí Minh, hôm 27/8 tới đây. Tôi cũng sẽ tham gia vì tôi tự nhận thấy đây là một sự kiện rất quan trọng. Bởi lẽ, trong mối quan hệ song phương, hợp tác kinh tế là trọng tâm và hợp tác giữa các doanh nghiệp chính là nòng cốt. Yếu tố sống còn giữa hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Hàn Quốc là ở chỗ có thể gắn kết doanh nghiệp nhỏ và vừa của hai nước hay không; có gắn kết được FDI của Hàn Quốc với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hay không.

Nếu không gắn kết được thì sự hợp tác giữa 2 bên chỉ chỉ có tính ngắn hạn, không bền vững. Doanh nghiệp Hàn Quốc khép kín lại như những ốc đảo thì bất cứ lúc nào họ cũng có thể rời Việt Nam để đi nước khác. Muốn gắn kết lâu dài ở nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc phải bén rễ thật sâu. Việt Nam có hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ, hệ thống công nghiệp hỗ trợ, các dịch vụ hỗ trợ sẽ đóng vai trò làm những bộ rễ để các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc bám chặt vào thị trường Việt Nam. Như vậy, việc gắn với cộng đồng doanh nghiệp địa phương sẽ tạo nên sự cộng sinh cùng có lợi. Chúng ta cộng tác với họ để tạo thành một mạng lưới phân phối, để phát triển, để huy động nguồn lực,…Tức là, hai bên phải cố gắng trở thành một phần của nhau.

Việt Nam đang khuyến khích xu hướng kết nối các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam với các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam. Tái cấu trúc lại phân công giữa Việt Nam, Hàn Quốc và các nước khác trong việc hình thành chuỗi cung ứng. Tức là chúng ta không để các tập đoàn lớn, hay các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc và các nước tồn tại ở Việt Nam như những ốc đảo trong việc tạo ra những sản phẩm có chuỗi cung ứng. Chúng ta sẽ đồng hành cùng họ. Samsung đang đi đầu trong xu hướng này. Hy vọng đó sẽ là định hướng cho dòng vốn đầu tư mới của Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới. 

Sự kiện sắp tới do Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ vừa Việt Nam tổ chức là một sáng kiến rất tốt. Chúng ta sẽ tập vào việc làm sao doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể khai thác được cơ hội ở đây; nâng cao được kiến thức để tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Hàn Quốc.

Hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc chính là vấn đề cốt lõi của sự thành công trong phát triển quan hệ kinh tế Hàn Quốc- Việt Nam thời gian tới. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.

Hiện nay Hội hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc  cũng đã thành lập Trung tâm Phát triển kinh tế Việt – Hàn để kết nối với mạng lưới các địa phương và mạng lưới bên Hàn Quốc để tạo ra một kênh kết nối và hỗ trợ cho các nhà đầu tư Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam.  Điều này sẽ góp phần định hình lại dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới.

Thế giới đã biết đến kỳ tích sông Hàn. Chúng ta đang rất cố gắng để cho thế giới thấy kỳ tích sông Hồng, trong 20-30 năm tới. Trong hành trình đó, thực tiễn của Hàn Quốc trong việc xây dựng Nhà nước kiến tạo, xây dựng chính sách công nghiệp, phát triển doanh nghiệp là những gợi ý vô giá cho sự phát triển ở Việt Nam.

Việt Nam hiện nay cũng đang xây dựng Nhà nước kiến tạo. Tức là Nhà nước định hướng nguồn lực, định hướng khu vực tư nhân để có thể phát triển nhanh trên cơ sở những lợi thế của mình. Chúng ta đang hướng tới có những doanh nghiệp khu vực tư nhân hàng đầu có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp của Mỹ, Nhật và châu Âu.

Thực tiễn Hàn Quốc không chỉ cho ta bài học về việc phát triển doanh nghiệp mà cả bài học về quản lý doanh nghiệp. Doanh nghiệp lớn mà không kiểm soát tốt có thể gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Phải làm sao, tạo dựng được mối liên kết giữa các doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các tập đoàn như Samsung, Hyundai,… hay các tập đoàn công nghiệp, dịch vụ lớn khác cũng có sự gắn kết với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Và “mối hợp tác nở hoa”…

Hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc là “hợp tác nở hoa”. Thống kê mới nhất cho thấy, thương mại song phương giữa hai nước đã tăng gấp 160 lần kể từ thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao, từ mức 500 triệu USD trong năm 1992 lên mức 80,7 tỷ USD vào năm 2021.

Về thương mại, Việt Nam là đối tác lớn thứ 4 của Hàn Quốc và Hàn Quốc là đối tác lớn thứ 3 của Việt Nam.

Về đầu tư, Hàn Quốc hiện là nước đầu tư trực tiếp lớn thứ hai trong tổng số 72 quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư ở 19/21 ngành kinh tế và tại 59/63 tỉnh, thành phố với hơn 9000 dự án. Tổng vốn đầu tư đăng ký gần 80 tỷ USD.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang trở thành nhà đầu tư chiến lược hàng đầu của rất nhiều địa phương Việt Nam. Một cuộc khảo sát cho thấy có đến 51% các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn thiết lập quan hệ với đối tác Hàn Quốc, đó là tỷ lệ rất cao. Các doanh nghiệp Việt Nam đều có cảm nhận rằng các doanh nghiệp Hàn Quốc là vừa tầm, vừa sức về công nghệ, tài chính, lại tương đồng về văn hóa nên sự hợp tác rất hài hòa.

Chúng ta đang đẩy mạnh chuyển đổi số, đẩy mạnh chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo. Đó đều là những mảng mà Hàn Quốc đã thành công và đang tiếp tục thành công trong con đường đương đầu và cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới.  Vì vậy,  hợp tác giữa Chính phủ, các cơ quan, doanh nghiệp Hàn Quốc với Việt Nam là một hướng đi rất quan trọng.

Ở một góc độ khác, Hàn Quốc là một trong những quốc gia khởi nghiệp lớn nhất của thế giới. Những thành tựu của Hàn Quốc đạt được trong phát triển doanh nghiệp và đặc biệt là phát triển những doanh nghiệp công nghệ là điển hình của sự thành công. Trong tinh thần khởi nghiệp của người Hàn Quốc có tinh thần chiến binh. Việt Nam cũng đang khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo. Trong tinh thần của mỗi doanh nhân Việt Nam cũng có tinh thần chiến binh. Chính vì vậy, hợp tác thúc đẩy khởi nghiệp và đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo trong lực lượng trẻ, cũng trở thành một hướng đi rất quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.   

Trong thời gian tới, tôi cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Các hoạt động kỷ niệm 30 năm quan hệ hợp tác, trong đó có Tọa đàm thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc của Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập sẽ giúp chúng ta cùng nhìn nhận rõ hơn dư địa trong các lĩnh vực hợp tác; cùng tăng cường kết nối, cùng hướng tới tương lai với nhiều thành tựu “đơm hoa kết trái ” hơn nữa của mối quan hệ hữu nghị hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc.

P.V (ghi)