Microsoft ngăn người dùng chạy giả lập trò chơi trên Xbox Series X và S

22:33 10/04/2023

Nếu vẫn cố sử dụng ứng dụng giả lập, người dùng sẽ gặp phải thông báo lỗi "Unable to launch this game or app" - không thể khởi chạy trò chơi hoặc ứng dụng này.

Ảnh minh họa
Máy chơi game Xbox không còn sử dụng được các ứng dụng giả lập.

Theo The Verge, Microsoft hiện đã cấm người dùng chạy các ứng dụng giả lập trò chơi trên máy chơi game Xbox Series X và S sau nhiều năm cho phép người dùng tự do cài đặt phần mềm này. Thông tin được phát hiện đầu tiên bởi người dùng Twitter ‘gamr12’, người có liên quan đến việc triển khai phần mềm giả lập RetroArch trên Xbox.

Theo đó, người dùng Twitter 'gamr12' đã đăng thông báo lỗi mà họ nhận được khi cố gắng khởi chạy nội dung giả lập. 

"Không thể khởi chạy trò chơi hoặc ứng dụng này. Trò chơi hoặc ứng dụng bạn đang cố gắng khởi chạy đã vi phạm chính sách của Microsoft Store và không được hỗ trợ”, thông báo này cho biết. Nhiều người dùng khác sử dụng phần mềm giả lập trên Xbox Series X và S cũng báo cáo gặp phải vấn đề tương tự.

Khi Microsoft lần đầu ra mắt Xbox Series X và S vào năm 2020, người dùng phát hiện ra rằng họ có thể cài đặt và chạy phần mềm giả lập trên máy chơi game này.

Tại thời điểm đó, người dùng có thể giả lập các tựa game trên Xbox Series X và S như PlayStation 2, GameCube, Wii,... nhưng hiện tại chuỗi ngày hưởng thụ suốt gần ba năm của các game thủ đã chấm dứt.

Có thông tin cho hay, nguyên nhân Microsoft có động thái như vậy là liên quan đến các vấn đề pháp lý với Nintendo. Việc giả lập không phải là hành vi bất hợp pháp, nhưng nó có thể được sử dụng để chơi trái phép các trò chơi được bảo vệ bản quyền, điều này có thể gây ra vấn đề với Nintendo và các đối tác liên kết của họ. Chính vì thế, việc Microsoft mạnh tay cấm các dạng ứng dụng này là điều dễ hiểu.

Từ lâu công ty trò chơi Nhật Bản đã luôn gắn liền với các rắc rối liên quan đến trò chơi giả lập. Cụ thể, Nintendo từng kiện trang web RomUniverse với số tiền 1,2 triệu USD vào năm 2019. Cũng như đệ đơn chống lại Gary Bowser, một hacker người Canada chuyên bán các bản hack Switch, hiện người này đã đồng ý trả 10 triệu USD tiền phạt và hiện đang thụ án 40 tháng tù.

Ngoài ra, Microsoft còn cho biết rằng, họ vẫn đang cải tiến cơ chế xem xét và thực thi hành động đối với nội dung được phân phối đến Cửa hàng để đảm bảo phù hợp với Chính sách Cửa hàng của công ty. Theo điều 10.13.10, các sản phẩm giả lập hệ thống trò chơi hoặc nền tảng trò chơi không được phép trên bất kỳ dòng thiết bị nào.

Thu Trang (t/h)