Meta cố gắng thâm nhập lại thị trường Trung Quốc

15:44 22/02/2023

Một thỏa thuận phân phối với Tencent sẽ cho phép Meta thâm nhập vào thị trường tiêu dùng Trung Quốc, nơi mà người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã hy vọng quay trở lại từ lâu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Theo một báo cáo từ hãng tin công nghệ Trung Quốc 36Kr, chủ sở hữu Facebook, Meta Platforms, một lần nữa đang cố gắng thâm nhập thị trường Trung Quốc, lần này thông qua quan hệ đối tác phần cứng thực tế ảo (VR) với Tencent Holdings.

Theo đó, công ty trò chơi điện tử lớn nhất Trung Quốc này đề xuất trở thành nhà phân phối độc quyền tai nghe Quest 2 của Meta, đồng thời tìm cách tung ra thị trường các phiên bản trò chơi điện tử bằng tiếng Trung có trong thiết bị.

Đàm phán bắt đầu trong những tháng gần đây, song hiện vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu. Một số thỏa thuận chưa đi đến thống nhất, bao gồm cách xử lý dữ liệu người dùng, tính phù hợp giữa điều kiện kinh tế vĩ mô-quan hệ đối tác và rủi ro giám sát từ giới chức. Việc “bắt tay” sẽ khiến hai công ty phải đối mặt nhiều hơn với các quy định chặt chẽ của Trung Quốc về trò chơi điện tử.

Hiện tại, tai nghe và các ứng dụng bên trong không có sẵn chính thức ở Trung Quốc. Người tiêu dùng chỉ có thể mua thiết bị từ các nhà nhập khẩu trên nền tảng thương mại điện tử như Taobao của Alibaba. Quá trình tải xuống cũng cần cùng mạng ảo để vượt qua tường lửa Internet Trung Quốc.

Một số người tiêu dùng Trung Quốc đã được trải nghiệm thử VR Quest 2 khi Meta giới thiệu tai nghe mới tại Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc ở Thượng Hải vào tháng 11 năm ngoái. Trước đó, Meta đã ra mắt mẫu tai nghe này trên phạm vi toàn cầu nhưng không có mặt chính thức ở Trung Quốc.

Tencent, trước đó cũng đã có những kế hoạch đầy tham vọng để xây dựng cả phần cứng và phần mềm thực tế ảo tại đơn vị XR "thực tế mở rộng" mà hãng đã ra mắt vào tháng 6 năm ngoái trong bối cảnh toàn cầu ngày càng quan tâm đến khái niệm metaverse về thế giới ảo.

Nhưng Reuters đã báo cáo vào tuần trước rằng họ đã quyết định ngừng phát triển phần cứng XR của riêng mình một phần do các vấn đề về lợi nhuận. Tencent cho biết vào thời điểm đó họ đang điều chỉnh một số nhóm kinh doanh vì kế hoạch phát triển phần cứng đã thay đổi. Một trong những đối thủ chính của họ trong không gian thực tế ảo của Trung Quốc là chủ sở hữu TikTok, ByteDance, công ty sở hữu nhà sản xuất tai nghe Pico.

Về phía Meta, mạng thực tế ảo Horizon Worlds dành cho kính thực tế ảo của họ đã không đạt được thành công lớn ở Mỹ như mong đợi, công ty đang xem xét mở rộng đối tượng cho thanh thiếu niên ở độ tuổi 13 ở nước này. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, các chính sách bảo vệ người dùng trẻ tuổi khỏi một số hoạt động trực tuyến nhất định khá nghiêm ngặt.

Các bộ phận VR và metaverse của Meta đã gây hao hụt tài chính đáng kể cho công ty. Bộ phận Phòng thí nghiệm thực tế, nơi chứa cả hai, chịu trách nhiệm về khoản lỗ 13,7 tỷ USD vào năm ngoái. Và các cuộc đàm phán diễn ra khi Meta có thể đang chuẩn bị cho một đợt sa thải lớn khác, sau khi cắt giảm 11.000 việc làm vào tháng 11.

Quest 2 đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ các nhà phê bình, nhưng doanh số bán hàng đã chậm lại ở Bắc Mỹ do kỳ vọng về kính thực tế ảo của Apple trong năm nay tiếp tục tăng lên và nhiều người mong đợi Meta cũng sẽ phát hành Meta Quest 3.

Meta đang tiếp cận thị trường sở hữu lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới.
Meta đang tiếp cận thị trường sở hữu lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới.

Một thỏa thuận phân phối với Tencent sẽ cho phép Meta thâm nhập vào thị trường tiêu dùng Trung Quốc, nơi mà người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã hy vọng quay trở lại từ lâu.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Zuckerberg để thu hút khách hàng Trung Quốc có thể kể đến như: Tiếp đón “ông vua internet” Lu Wei này tại trụ sở Facebook vào năm 2014, đăng tải bức ảnh anh chạy bộ qua quảng trường Thiên An Môn vào một ngày sương mù năm 2016 và thể hiện kỹ năng tiếng quan thoại của mình trong một bài phát biểu tại Đại học Thanh Hoa năm 2015.

Bất chấp những nỗ lực đó, Facebook vẫn bị cấm ở Trung Quốc cùng với các dịch vụ internet khác của phương Tây như công cụ tìm kiếm Google và YouTube, mặc dù Meta vẫn tiếp tục điều hành một doanh nghiệp quảng cáo ở nước này.

Vào năm 2019, Zuckerberg đã chỉ trích Trung Quốc vì đã truyền bá các giá trị và tầm nhìn về mạng internet được kiểm soát chặt chẽ của nước này sang các quốc gia khác trong khi Facebook bảo vệ các chính sách về quyền tự do ngôn luận.

Năm 2014, Meta, đã đổi tên từ Facebook vào năm 2021 để phản ánh sự tập trung cao độ vào tầm nhìn xây dựng một phiên bản Internet mới dựa trên thế giới ảo, đã thâu tóm nhà sản xuất tai nghe VR Oculus với giá 2 tỷ USD.

Hồng Nhung