Lương Ninh (Quảng Bình): Hành trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

14:59 04/01/2024

Tháng 9 năm 2014, xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) cán đích 19 tiêu chí, đạt chuẩn “Nông thôn mới”. Trên đà xây dựng, Lương Ninh tiếp tục phấn đấu theo bộ tiêu chí “Xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”.

Một góc xã Lương Ninh
Một góc xã Lương Ninh.

Lương Ninh nằm ở phía Bắc huyện Quảng Ninh, giữa thị trấn huyện lỵ Quán Hàu và thành phố Đồng Hới. Diện tích tự nhiên trên 560 hécta. Xã có 3 thôn, riêng thôn Văn La và thôn Làng Yến chiếm hơn 93% dân số, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và thu nhập thêm từ các ngành nghề tiểu thủ công truyền thông. Thôn Phú Cát có 80 hộ, làm ăn và định cư trên địa giới hành chính xã Vỏ Ninh, với diện tích gần 80 hecta, ngành nghề chính là vận tải đá, cát sạn và đánh bắt hải sản trên sông Nhật Lệ.

Lương Ninh là xã đồng bằng bán sơn địa, địa hình thấp dần từ Tây sang Đông. Phía Đông giáp sông Nhật Lệ, phía Tây giáp sông Lũy. Toàn xã có 3 trang trại và 6 gian trại, 6 doanh nghiệp xây dựng tổng hợp, 2 doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, 13 điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, 18 cơ sở sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng và hàng mộc mỹ nghệ. Có 3 HTX, trong đó 2 HTX sản xuất nông nghiệp, 1 HTX kinh doanh vật liệu xây dựng.

Đình làng Văn La  vừa mới được đầu tư.jpg
Đình làng Văn La vừa mới được đầu tư.

Trong lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu, Lương Ninh luôn nhận được sự quan tâm từ Ban chỉ đạo của tỉnh và huyện Quảng Ninh trong việc tập huấn, hướng dẫn, đánh giá các tiêu chí. Nhiều năm qua, bằng sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân được cụ thể hóa trong việc đóng góp công sức, tiền của, hiến đất cho việc  xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, mang đến lợi ích thiết thực cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Để thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã Lương Ninh đã ban  hành Nghị quyết chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới qua từng giai đoạn. Ban chỉ đạo có 25 thành viên, do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm trưởng ban. Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới cũng có 25 thành viên, do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Xã cũng thành lập 3 Ban phát triển thôn, 3 Ban giám sát cộng đồng. Ban hành quy chế hoạt động cho Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Tổ giúp việc và Ban phát triển thôn về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Năm 2019, xã Lương Ninh được UBND tỉnh Quảng Bình lựa chọn là một trong ba xã của toàn tỉnh xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản về các khu dân cư Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Lãnh đạo xã đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Ban phát triển thôn và các Tổ giúp việc, Tổ chỉ đạo sau Đại hội Đảng bộ xã có sự thay đổi về nhân sự. Vai trò chủ động của Ban phát triển thôn và Ban giám sát cộng đồng đã phát huy tốt trong công tác triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Đặc biệt, các nội dung có sự đóng góp kinh phí của người dân được thực hiện khá đồng bộ từ khâu tuyên truyền, tổ chức lấy ý kiến tham gia của nhân dân, đến việc giải phóng mặt bằng tổ chức thi công đến giám sát chất lượng công trình đều được Ban phát triển thôn tổ chức thực hiện dân chủ, khách quan và hiệu quả. Ban chỉ đạo của xã đã phối hợp với Trung tâm Quy hoạch Tài nguyên (Sở Tài nguyên và Môi trường) tổ chức nhiều lớp tập huấn cho thành viên nhiều văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và huyện Quảng Ninh về xây dựng nông thôn mới. Lương Ninh cũng đã cử các Trưởng, Phó Ban tham gia Đoàn của huyện đi học tập rút kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại nhiều xã điển hình của các tỉnh Quảng Nam, Thái Bình và Hà Tĩnh. Qua đợt tham quan, học tập, cán bộ đã được nâng cao về nhận thức để vận dụng và phát huy những cách làm hay vào công tác chỉ đạo tại địa phương mình.

Trên cơ sở các nội dung tuyên truyền về “Chung tay xây dựng xây dựng nông thôn mới” xã Lương Ninh đã lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Xã đã lắp đặt gần 100 cổng chào, hơn 16km đường điện, chỉnh trang 12 nhà văn hóa thôn, lắp đặt 165 Pano tuyên truyền và 55 mắt camera an ninh ở 3 khu dân cư. Xã cũng đã làm mới 21 bảng tin và 116 câu khẩu hiệu có nội dung tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới ở Trung tâm xã và các khu dân cư. Chỉ đạo thực hiện sân khấu hóa hơn 7 tiết mục văn nghệ có nội dung tuyên truyền các chủ trương xây dựng nông thôn mới trong hội diễn văn nghệ rằm tháng giêng và Tết nguyên đán.

Phát huy lợi thế của một vùng phụ cận thành phố Đồng Hới, nhân dân xã Lương Ninh đã chủ động tìm kiếm việc làm tại các khu công nghiệp và một số ngành nghề phù hợp như cắt tóc, may mặc, các nghề rèn, mộc, nề và chăm sóc cây cảnh.

Đặc biệt, sản phẩm ngành đồ uống thương hiệu O Vịnh được quảng cáo trên sàn thương mại điện tử đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Đảng bộ, chính quyền xã Lương Ninh luôn quan tâm tạo điều kiện để các hộ gia đình tự vươn lên, chủ động phát triển kinh tế gia đình. Các công trình đầu tư hạ tầng nông thôn mới được giao cho các doanh nghiệp trên địa bàn thi công nhằm giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân sở tại. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở thôn, xóm tiếp tục được đẩy mạnh. 3/3 thôn và cơ quan xã trên 10 năm liên tục đạt văn hóa cấp huyện. Các di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp tỉnh được quan tâm bảo tồn, cũng cố và phát huy giá trị. Xã tiếp tục đầu tư trên 5 tỷ đồng (trong đó Nhà nước hỗ trợ 1,1 tỷ đồng) cho việc xây dựng và hoàn thiện khuôn viên 2 đình làng và 14 nhà văn hóa thôn đảm bảo khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng cho người dân.

Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt luôn được quan tâm đúng mức. Từ năm học 2020-2021 đến nay, các trường học trên địa bàn đạt 124 giải trong các kì thi chọn học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Đánh giá sau nữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, giá trị sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, tăng bình quân 3,2% (Nghị quyết 3%). Tổng thu ngân sách trên địa bàn cuối năm 2022 đạt trên 48,4 tỷ đồng. thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm. Xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế. Đường làng ngõ xóm đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp. 3/3 khu dân cư đạt khu dân cư kiểu mẫu. 

Hoạt động của các Ban trong công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát huy tốt vai trò gương mẫu, đoàn kết và minh bạch trong chỉ đạo điều hành, đảm bảo hài hòa giữa nội lực ngân sách và nguồn lực xã hội hóa. Vận động Nhân dân hiến đất, hiến tường rào, cây trồng để xây dựng đường giao thông nông thôn. Tổng kinh phí huy động để thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2023 là trên 67 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước trên 62 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp trên 5 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn xã Lương Ninh có 3/3 khu dân cư đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Lương Ninh lần thứ 26, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu rõ: “Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, huy động được nguồn lực chi cho đầu tư phát triển. Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao được triển khai quyết liệt với nhiều cách làm hay, sáng tạo với sự đồng thuận của Nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được tăng cường, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm được quan tâm, an sinh xã hội được thực hiện tốt. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng…”.

ông Lê Văn Tam, Chủ tịch UBND xã Lương Ninh.jpg
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch UBND xã Lương Ninh.

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch UBND xã Lương Ninh cho biết: “Mục tiêu của Lương Ninh đặt ra là phấn đấu “Đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu” trong năm 2024. Tin rằng, với truyền thống của một xã anh hùng trong chiến đấu, với đức tính cần cù trong lao động sản xuất, Lương Ninh hôm nay đang từng bước chuyển mình, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ngày một giàu đẹp, văn minh.

Trọng Lãnh