Luật Đấu thầu 2023 (Bài 1): Quốc hội điều chỉnh “trái tim” cho phù hợp với “cơ thể sống”

15:19 05/09/2023

Nếu như nói: Chính trị là “linh hồn”, còn kinh tế là “cơ thể sống” của một quốc gia thì hoạt động đầu tư công chính là “trái tim” nằm trong cơ thể sống của quốc gia đó…

Sự kiện sáng (23/6) vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu 2023 (sửa đổi) không đơn thuần chỉ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, tạo bước tiến trong hoạt động đấu thầu mà dưới góc nhìn của “triết học” có thể ví von xem đây là cuộc “điều chỉnh “trái tim” cho phù hợp với “cơ thể sống”…

Trong văn hóa Thái Lan, voi trắng ám chỉ tài sản mà chi phí duy trì vượt quá giá trị mang lại. Hoạt động đầu tư công ở mỗi một quốc gia mà không đem lại hiệu quả thì điều đó có thể hiểu, quốc gia đó đang phải đối diện với “voi trắng”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nhìn sang một số các quốc gia Châu Á, chúng ta có thể thấy Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước tiêu biểu có tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế cao nhờ gặt hái được thành quả từ hoạt động đầu tư công. Trung Quốc được xem là một trong những nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới. Hoạt động đầu tư công là yếu tố vô cùng quan trọng giúp quốc gia này có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng một cách vượt bậc. Trong đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng từ trước đến nay vẫn được Trung Quốc xem là nhiệm vụ trọng tâm đặt lên hàng đầu.

Giới phân tích cho rằng: Trung Quốc có được sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ kinh tế như ngày nay là nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ với quy mô lớn chứ không phải dạng đầu tư nhỏ lẻ hay manh mún, chắp vá. Chính sách đầu tư công hiệu quả đã đưa Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia có cơ sở hạ tầng hiện đại và quy mô tầm cỡ nhất thế giới. Chính điều này có vai trò quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không chỉ một địa phương mà kết nối kinh tế với nhiều địa phương.

Tuy nhiên, để hoạt động đầu tư công thực sự có hiệu quả, tránh tình trạng đối mặt với “voi trắng”, hoạt động quản lý dự án đầu tư công được Trung Quốc thể chế hóa và tiêu chuẩn hóa rất rõ ràng. Cụ thể: “Làm rõ đối tượng đầu tư, thiết lập hệ thống trách nhiệm ra quyết định đầu tư chặt chẽ, tăng cường cơ chế hạn chế rủi ro, chỉ rõ chủ thể đầu tư và chịu rủi ro, triển khai cơ chế cạnh tranh đầu tư”. Mặt khác, để thúc đẩy các biện pháp kiểm soát vỹ mô, Chính phủ cũng tăng cường công tác kiểm toán đầu tư công nhằm bảo đảm tính khách quan trong quản lý và sử dụng nguồn vốn…

Mặc dù là tạo điều kiện cho tư nhân tham gia vào hoạt động đầu tư công nhưng nếu vi phạm các quy định nhà nước và gây thiệt hại lớn thì Trung Quốc không hề nương tay mà sẽ xử lý thật nghiêm theo đúng quy định của luật pháp. Trong đó cũng quy định rõ trách nhiệm của những người có liên quan thuộc chính quyền chứ không riêng gì doanh nghiệp tư nhân…

Không chỉ riêng Trung Quốc chú trong hoạt động đầu tư công, mà chính Hàn Quốc cũng thừa nhận rằng: “Đầu tư công đóng vai trò quan trọng giúp quốc gia nay có tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế được bền vững”. Giống như Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác, đầu tư công của Hàn Quốc cũng tập trung vào cơ sở hạ tầng nhằm tạo đòn bẩy cho kinh tế phát triển. Để có các biện pháp mới giúp duy trì cơ sở hạ tầng an toàn, bền vững, ngân sách chi tiêu cho cơ sở hạ tầng xã hội sẽ trung bình 8 nghìn tỷ KRW/năm trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phân bổ 490,8 tỷ KRW để thay thế các đường ống dẫn khí và dầu từ năm 2019 đến năm 2023 - nhiều hơn gấp bốn lần ngân sách của giai đoạn năm trước…

Ảnh minh họa
Đầu tư công đóng vai trò quan trọng giúp quốc gia có tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế được bền vững

Ngược dòng lịch sử chúng ta sẽ thấy rất rõ: Cuộc khủng hoảng năm 1997 đã từng bộc lộ những hạn chế yếu kém trong quản lý đầu tư công ở Hàn Quốc. Có hàng loạt nguyên nhân dẫn dến tình trạng kém hiệu quả đầu tư công ở Hàn Quốc trong giai đoạn đó, nhưng trong đó điển hình nhất vẫn là sự bộc lộ: “Các nhóm lợi ích” hay “việc thẩm định, phê duyệt cũng như giám sát dự án đầu tư công không có được tính minh bạch, rõ ràng”...

Để nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của đầu tư công, Chính phủ Hàn Quốc thành lập nhóm đặc trách liên Bộ để xây dựng kế hoạch hoạt động nhằm giải quyết những vấn đề yếu kém. Đặc biệt, để hệ thống quản lý đầu tư công được thống nhất, Chính phủ đã xây dựng quy trình đánh giá “trước khi thực hiện, trong khi thực hiện và sau khi thực hiện” dự án…

Theo số liệu mới nhất của Statista, chỉ riêng năm tài chính 2019, đầu tư công của Nhật Bản vào các tuyến đường công cộng để xây dựng và bảo trì lên tới khoảng 6,73 nghìn tỷ Yên (tăng từ 6,14 nghìn tỷ Yên trong năm tài chính trước đó). Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch, chỉ riêng chi tiêu ngân sách hàng năm cho cơ sở hạ tầng công cộng sẽ tăng khoảng 40% cho đến khoảng năm tài chính 2044 so với năm 2018 để duy tu bảo dưỡng chống lại sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, để hoạt động đầu tư công thực sự có hiệu quả, từ năm 1998, Nhật Bản cũng đã chuẩn hóa và công khai hóa quy trình và phương pháp thẩm định, với việc ban hành “Hướng dẫn thẩm định khi phê duyệt dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng” và “Hướng dẫn chi tiết việc thẩm định khi phê duyệt dự án đầu tư công trong lĩnh vực đường bộ và đường nội đô”. Và ngày nay những chính sách này vẫn còn nguyên giá trị đối với quốc gia "mặt trời mọc”…

Quay trở lại Việt Nam: Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc Hội khóa XV họp từ ngày 22/5 đến ngày 24/6/2023 đưa Luật Đấu thầu ra xem xét để cho ý kiến sửa đổi có thể thấy tầm quan trọng của hoạt đầu tư công. Bởi, đấu thầu là một khâu vô cùng quan trong trong hoạt động đầu tư công. Đầu tư công có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố vào việc lựa chọn Nhà thầu. Sự kiện sáng (23/6) vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu 2023 (sửa đổi) dưới góc nhìn của triết học có thể ví von xem đây là cuộc “điều chỉnh “trái tim” cho phù hợp với “cơ thể sống”…

Vậy, việc điều chỉnh của Quốc Hội lần này đã “tháo gỡ những điểm nghẽn nào để tạo bước tiến trong hoạt động đấu thầu”? Chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc kỳ sau…

Nguyễn Xuân Hoàng