Long An: Đề xuất thí điểm khu công nghiệp xanh

16:47 27/03/2024

Long An luôn giữ vững quan điểm “phát triển nhưng không đánh đổi môi trường”. Long An sẽ phát triển công nghiệp xanh, giảm phát thải carbon, xem đây là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út đã nhấn mạnh điều này trong buổi làm việc để nghe Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Saigon (SaigonTel) và các đối tác trình bày đề xuất thí điểm xây dựng Khu công nghiệp xanh tại Long An.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út
Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út.

Theo đó, lộ trình xây dựng Khu công nghiệp xanh tại Long An chia thành 3 giai đoạn gồm: Khu công nghiệp sinh thái, Khu công nghiệp trung hòa carbon và Khu công nghiệp Net Zero carbon. Đồng thời đề xuất thực hiện thí điểm tại Khu công nghiệp Nam Tân Tập, Tân Tập và Lộc Giang.

Các chuyên gia cũng trao đổi thêm về kinh nghiệm kiểm kê carbon, đưa ra phương pháp và ví dụ thực tế, trong đó có việc thực hiện Net Zero ngành nghề theo tiến trình đặt ra, hỗ trợ doanh nghiệp tiến tới chuyển đổi sang Net Zero.

Khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp xanh, tạo ra môi trường làm việc và sinh hoạt an toàn, thân thiện cho người lao động, đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động công nghiệp.

“Tăng trưởng xanh không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn hướng tới phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu” - ông Nguyễn Văn Út nói.

Trong bối cảnh Việt Nam cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050. Các doanh nghiệp cho rằng, vấn đề nhà đầu tư quan tâm hiện nay là điện, nước, chính sách bù trừ tín chỉ carbon hay sự hỗ trợ của địa phương, hướng tới lộ trình giảm thải carbon, chuyển đổi xanh.

Tín chỉ carbon hiện đang là tài nguyên hấp dẫn trong bối cảnh cả thế giới đi theo xu hướng phát triển kinh tế bền vững. Doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nhập cuộc để không bị thị trường quốc tế bỏ lại phía sau. Lộ trình thị trường carbon ở Việt Nam sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028. Việc sớm thực hiện thị trường này đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp cũng như góp phần quan trọng trong phát triển và bảo vệ rừng. Thị trường carbon được coi là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính và đang phát triển nhanh chóng về thị phần giao dịch cũng như các tổ chức tham gia.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng khẳng định, phát triển bền vững đã và đang là mục tiêu quan trọng của Việt Nam nói chung và của tỉnh Long An nói riêng. Theo đó, tăng trưởng xanh với sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường chính là tiền đề để thực hiện mục tiêu này.

Tại tỉnh Long An, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 17/QĐ-UBND, ngày 04/01/2023 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

"Muốn trở thành điểm xanh như ta mong muốn, tất cả các lĩnh vực phải có cách nhìn đồng bộ theo, trong lĩnh vực giao thông, đô thị, nông nghiệp, tất cả phải hướng vào giảm thải carbon này, để làm sao có điểm chung là đến năm 2050." - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và Công ty SaigonTel tổ chức thực hiện, đề xuất chủ trương tham mưu UBND tỉnh để tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết sớm triển khai thực hiện.

Uyển Nhi