Liên kết chuỗi sản xuất thủ công mỹ nghệ: Cần đầu tư thích đáng cho mẫu mã

00:00 12/10/2020

Với kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD mỗi năm, tỷ lệ nội địa hóa cao, ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, đặc biệt là tạo thêm nhiều việc làm cho lao động khu vực nông thôn. Tuy nhiên, đến nay, ngành TCMN vẫn chưa thực sự khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới cả về giá trị xuất khẩu cũng như thương hiệu.

Sản phẩm TCMN rất cần được đầu tư khâu thiết kế

Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên do, trong đó việc thiếu liên kết trong chuỗi sản xuất tại các doanh nghiệp và làng nghề TCMN được đánh giá là nguyên nhân quan trọng. Nói về điều này, ông Đặng Huy - Trưởng ban Nghiên cứu phát triển (Hiệp hội làng nghề Việt Nam) - cho hay: Cả nước hiện có gần 5.500 làng nghề, tạo ra khối giá trị hàng hóa lớn nhưng chưa gắn kết được các khâu trong chuỗi giá trị từ thiết kế mẫu mã, cung ứng nguyên phụ liệu đến sản xuất và tiêu thụ, khiến thu nhập của người sản xuất thấp và khâu trung gian hưởng lợi lớn.

Ở một khía cạnh khác, PGS-TS. Nguyễn Xuân Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp -phân tích: Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, một số làng nghề TCMN như: Bát Tràng, Hạ Thái, Chàng Sơn… đã tạo và đưa ra thị trường những mẫu mã mới. Tuy nhiên, những mẫu mới giàu tính sáng tạo, có công năng sử dụng tốt chưa nhiều. Tình trạng cải biên, sao chép mẫu xảy ra phổ biến, tràn lan tạo sự đơn điệu nhàm chán. Đặc biệt, tình trạng phụ thuộc vào mẫu mã, mô típ hoa văn, màu men cổ… còn khá nặng nề. Các làng nghề vẫn quẩn quanh với các đề tài cũ như: Tứ linh, tứ quý, ngũ phúc, con dơi, hoa sen… Đây cũng là nguyên do được cho là nút thắt khiến ngành TCMN luẩn quẩn mà chưa có sức bật vượt trội.

Để khuyến khích ngành TCMN nói chung, đặc biệt là các làng nghề TCMN phát triển, ông Đặng Huy cho rằng, cần có sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức sản xuất tại các làng nghề hiện nay bằng cách ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trên cơ sở vẫn giữ được các yếu tố văn hóa truyền trống trong sản phẩm. Thành lập hợp tác xã kiểu mới, tạo cầu nối giữa các cá nhân, tập thể trong làng nghề tạo mối liên kết bền vững trong quy trình sản xuất, tiêu thụ như: Vốn, nguyên liệu, quảng bá sản phẩm, thị trường…

Bằng các chương trình, hoạt động hỗ trợ cụ thể, nhà nước thực hiện tốt vai trò “bà đỡ” thúc đẩy các doanh nghiệp liên kết với hộ sản xuất để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường. Địa phương có làng nghề xúc tiến thành lập hiệp hội nghề của làng nghề để liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác và hộ sản xuất nhỏ trong làng nghề. Các doanh nghiệp cũng cần đầu tư thích đáng cho thiết kế mẫu mã sản phẩm. Khâu thiết kế phải được dựa trên những nghiên cứu nghiêm túc về xu hướng thị trường, kết hợp với nguyên phụ liệu mới, thân thiện với môi trường. Sản phẩm lấy công năng sử dụng làm yếu tố tiên quyết, kết hợp với hình thức đơn giản, họa tiết bản địa nhằm tạo sự độc đáo, hấp dẫn người tiêu dùng. Với những sản phẩm thông thường nên ứng dụng máy công cụ vào sản xuất để có thể sản xuất hàng loạt, đáp ứng các đơn hàng lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ tự động hóa trong thiết kế mẫu mã; công nghệ sinh học trong chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó sản xuất TCMN là một trong 7 ngành nghề được ưu tiên hưởng hỗ trợ về hoạt động xúc tiến thương mại, sản xuất, phát triển sản phẩm và thị trường.

Việt Nga