Làm gì để nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch Covid-19?

00:00 12/10/2020

Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới, nhất là địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này.

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn bởi dịch Covid-19, diễn ra sáng 10/4. 

Tác động mạnh của dịch

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2020. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay. 

NQH04615-JPG-2521-1586509989.jpg

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT xây dựng, báo cáo các các kịch bản phục hồi kinh tế trong tuần tới.

Một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm có thể tăng trên 4% nếu không có các giải pháp điều hành giá quyết liệt; thu ngân sách Nhà nước có thể giảm 145 nghìn tỷ đồng; xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh do cầu của thế giới giảm mạnh, các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng trong quyết định đầu tư và chuyển hướng đầu tư an toàn hơn...

Các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra đều giảm mạnh; chi phí để duy trì hoạt động trở thành gánh nặng trong khi dòng tiền dần thiếu hụt; doanh thu sụt giảm, thậm chí thua lỗ; khả năng cầm cự không thể kéo dài; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng cao so với cùng kỳ.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị với Thủ tướng về việc xem xét chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn bằng các biện pháp như: Giảm 50% BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; Xem xét mở rộng đối tượng được miễn thị thực sau khi kết thúc dịch bệnh; Kiến nghị giảm 50% tiền điện trong giờ cao điểm đến tháng 5/2020 và giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020 - 2021...

Đại diện TP Cần Thơ cho biết, đến ngày 6/4/2020, thành phố có 435 doanh nghiệp và 92 chi nhánh, số vốn đăng ký 2.642,5 tỷ đồng chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19, trong đó có 329 cơ sở tạm ngưng hoạt động có thời hạn; ngưng họat động 104 cơ sở; giải thể 32 cơ sở; bỏ địa chỉ kinh doanh 62 cơ sở.

Đáng lo ngại, đến nay, Cần Thơ chưa thu hút được dự án FDI mới, dự án mới vào các khu công nghiệp, chỉ cấp mới chủ trương đầu tư cho 1 dự án, tổng mức đầu tư 71,55 tỷ đồng.

Trước tình hình này, đại diện TP Cần Thơ đề nghị các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19; Sở Tài chính phối hợp với Cục Thuế TP khẩn trương cùng với các sở, ngành, UBND quận, huyện sớm tham mưu UBND TP triển khai ngay các chính sách về miễn giảm thuế, tiền thuê đất, kéo dài thời gian, giản tiến độ nộp tiền thuế, tiền thuê đất,... do Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ.

Kiến nghị cụ thể về vấn đề xuất khẩu gạo, đại diện TP Cần Thơ cho biết hiện các doanh nghiệp và trong dân của thành phố tồn kho hơn 254.000 tấn lúa, gạo. Hơn nữa, việc tạm dừng xuất khẩu gạo có thể ảnh hưởng lên tỷ lệ nợ xấu.

Để khuyến khích nông dân tiếp tục xuống giống, chăm sóc các vụ lúa tiếp theo, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sớm hoạt động trở lại, giải quyết tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng. TP Cần Thơ kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTT và các Bộ, ngành có liên quan sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét có chỉ đạo mới về sản xuất, tồn trữ, xuất khẩu gạo, để các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thực hiện.

Xây dựng kịch bản để phục hồi

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba. Chính phủ sẽ trực tiếp giải quyết 91 kiến nghị mà các tỉnh, thành phố nêu ra tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định sẽ có văn bản trả lời về xuất khẩu gạo. Xuất khẩu gạo phải được kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực nhưng khuyến khích xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi của người nông dân.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải đổi mới cách làm, phải thay đổi thói quen. Phải xử lý nghiêm sự chậm chạp, vô trách nhiệm, từ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đến đầu tư, an sinh xã hội, trật tự xã hội.

Đồng thời, Thủ tướng lưu ý, phải đẩy mạnh sản xuất, cùng với xuất khẩu phải chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân. Bên cạnh sản xuất và lưu thông thuận lợi thì chống đầu cơ, nâng giá, nhất là thịt lợn. 

Đáng chú ý, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới, nhất là địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này.

Về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết.

"Hình thành sớm các kịch bản vực dậy nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch. Tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Bộ Công Thương cũng cho rằng các gói chính sách kinh tế cần hướng đến hỗ trợ ổn định, khắc phục khó khăn, vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, cũng như chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc. 

Bộ Công Thương đánh giá các giải pháp về tiếp cận vốn, tín dụng; giảm chi phí cho doanh nghiệp (các loại phí, lệ phí, thuế)… đã xác định trúng các trọng tâm; đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cần đẩy nhanh việc tính toán mức độ, đối tượng và ban hành các văn bản hướng dẫn để sớm ra quyết định thực thi các chính sách này hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Lê Thúy