Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu: Đằng sau giá khí đốt giảm là những vấn đề lớn hơn

05:15 16/04/2024

Các nước trong khu vực này giờ đây đã có nguồn cung về nguyên liệu dồi dào hơn, nhưng ảnh hưởng từ những năm tháng phải mua nguyên liệu với giá cao đã khiến cho nền kinh tế trong khu vực phần nào trì trệ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Châu Âu đang tạm rời xa những tháng mùa đông với các cơ sở dự trữ khí đốt có trữ lượng khí đốt dồi dào hơn bao giờ hết. Điều này đã cho phép thị trường năng lượng có sự thay đổi về giá cả, giúp cho chi phí về năng lượng của mỗi hộ gia đình giảm xuống mức trước khi xảy ra chiến sự Nga - Ukraine.

Với sự thay đổi ấy, liệu rằng khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đã chấm dứt? Các chuyên gia tại đây đang khuyến cáo rằng, việc giá khí đốt và điện sụt giảm đang ẩn giấu những nguy cơ có khả năng gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, thậm chí là ảnh hưởng đến cả thập kỷ sau.

“Khủng hoảng năng lượng kết thúc chưa? Chưa hề”. Tomas Marzec-Manser, Trưởng đơn vị phân tích dữ liệu về khí đốt tại đơn vị cung cấp dữ liệu ICIS bày tỏ quan điểm. “Tôi muốn nói rằng, chúng ta đang kiểm soát cuộc khủng hoảng này, nhưng nhìn một cách tổng quát bức tranh kinh tế thì sẽ thấy vấn đề lớn hơn đấy”.

Hơn một thập kỷ trước khi xảy ra chiến sự Nga - Ukraine vào tháng 2 năm 2022, đường ống dẫn của Nga là nguồn cung duy nhất và cũng lớn nhất về khí đốt nhập khẩu. Sau động thái của Mát-xcơ-va, lượng khí đốt nhập khẩu đã bị giảm xuống 2/3 khối lượng so với thời điểm đỉnh cao năm 2019, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường năng lượng và đẩy mức giá bán buôn năng lượng lên gấp 10 lần trước thời điểm khủng hoảng diễn ra.

Châu Âu đã vượt qua được mùa đông thứ hai mà không cần tiếp cận nguồn cung khí đốt từ Nga với trữ lượng tại các cơ sở về năng lượng đạt mức 59%, theo thông tin từ đơn vị Tái cơ cấu khí đốt của châu Âu, nhờ vào đường ống dẫn nhập khẩu từ Na Uy và khí đốt nhập khẩu từ Mỹ. Ước tính tại ICIS cho biết, dự kiến trữ lượng khí đốt tại các cơ sở lưu trữ sẽ lấp đầy 95% vào đầu tháng 9 năm nay, vượt qua mục tiêu 90% vào đầu tháng 11 theo dự kiến. Trữ lượng khí đốt dồi dào này đồng nghĩa với việc giá năng lượng trên thị trường nhìn chung cũng sẽ giảm.

Dự báo ban đầu cho thấy, giá khí đốt chuẩn của châu Âu có thể giảm xuống mức trung bình 28,32 euro/MWh (tương đương 24,28 bảng Anh/MWh) trong những tháng mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9, giảm hơn 17% so với mức trung bình vào mùa hè năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn gấp đôi mức trung bình 11,58 euro/MWh được ghi nhận vào mùa hè năm 2019.

Đối với thị trường điện, mức giá chuẩn được dự báo sẽ giảm hơn 1/3 so với mùa hè năm ngoái xuống mức trung bình 63,18 euro/MWh trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9, mức giá thấp nhất trong mùa hè kể từ năm 2020.

Việc giá năng lượng ở châu Âu sụt giảm ảnh hưởng đến các hộ gia đình. Ở Vương quốc Anh, mức giá năng lượng trần của cơ quan quản lý Ofgem hay là mức giá tối đa mà các nhà cung cấp có thể tính cho mỗi đơn vị khí đốt hoặc điện, đã giảm 238 bảng Anh xuống còn 1.690 bảng cho mỗi một hóa đơn khí đốt và điện trung bình một năm - mức thấp nhất trong vòng hai năm vừa qua. Nhưng đó chưa chắc đã là một tín hiệu đáng mừng.

Theo Marzec-Manser, trước đó khủng hoảng năng lượng đã khiến cho chi phí năng lượng tăng cao, điều này cũng làm cho chi phí tiêu dùng của người dân tăng vọt, dẫn đến việc người tiêu dùng phải hạn chế các nhu cầu của mình và chậm tiếp cận với các sản phẩm mới. Điều này khiến cho sản lượng của các ngành công nghiệp, bao gồm cả công nghiệp nặng tại khu vực châu Âu sụt giảm theo do nhu cầu sản xuất giảm, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng khí đốt trong công nghiệp giảm. Marzec-Manser cho rằng, nhu cầu khí đốt công nghiệp sẽ duy trì ở mức thấp hơn 20% so với mức trước đại dịch trong năm nay.

“Dù giá khí đốt có giảm thì nhu cầu của người tiêu dùng cũng đã sụt giảm do ảnh hưởng từ khủng hoảng năng lượng từ trước đó, đồng nghĩa với việc nhu cầu về khí đốt trong lĩnh vực công nghiệp vẫn chưa phục hồi”, ông cho biết.

Nhu cầu về việc phục hồi nền công nghiệp sẽ ngăn giá khí đốt giảm xuống mức trước đại dịch, đồng thời nhấn mạnh sự phụ thuộc ngày càng tăng của châu Âu vào những nguồn khí đốt đắt tiền hơn. Phần lớn các nước trong Liên minh châu Âu đang thay thế việc nhập khẩu khí đốt của Nga bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) được nhập theo đường biển, từ đó dẫn đến làn sóng đầu tư vào các cảng biển nhập khẩu mới để cung cấp khí đốt cho nền kinh tế.

Các quốc gia EU đang dần phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu giá cao
Các quốc gia EU đang dần phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu giá cao.

Những người ủng hộ sử dụng năng lượng sạch đã kêu gọi các chính phủ hành động nhiều hơn để thay thế khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng các nguồn năng lượng tái tạo trong nước. Tuy nhiên, giá thị trường của những loại năng lượng này tại châu Âu đang ở mức thấp, điều này khiến cho các nhà phát triển năng lượng sạch tại các quốc gia này không có nhiều động lực để phát triển và gặp khó khăn trong việc tác động tới các nên kinh tế vốn đang bị phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đứng từ góc độ của những nhà phát triển năng lượng sạch, chi phí để triển khai các dự án tạo lập năng lượng sạch, bao gồm các cánh đồng gió và điện mặt trời, đang ở mức cao trong bối cảnh lạm phát ngày càng tăng.

Phong Linh