“Không thể ngay một lúc tiêm vắc-xin được cho tất cả 100 triệu người nên phải có thứ tự ưu tiên"

05:35 25/02/2021

Nhận định đồng thời là yêu cầu về thứ tự ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 được Người đứng đầu Chính phủ đưa ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 24/2 về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và các địa phương đã tích cực, quyết liệt trong phòng chống dịch, biểu dương các đoàn tiền phương, nhiều cá nhân xuất sắc, lăn lộn trong vùng dịch để chỉ đạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Không thể ngay một lúc tiêm vắc xin được cho tất cả 100 triệu người nên phải có thứ tự ưu tiên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Không thể ngay một lúc tiêm vắc xin được cho tất cả 100 triệu người nên phải có thứ tự ưu tiên".

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thành đưa gần 117.000 liều vắc-xin về đến Việt Nam để sớm đưa vào tiêm chủng cho người dân trong thời gian sớm nhất có thể.

Không thể ngay một lúc tiêm vắc-xin được cho tất cả hơn 100 triệu người dân nên phải có thứ tự ưu tiên, Thủ tướng cho rằng cần thiết ưu tiên cho nhân viên y tế, cơ sở điều trị, xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu. Ở thứ tự ưu tiên số 2 là lực lượng biên phòng, công an tại khu cách ly; Thứ 3 là lực lượng truy vết, khoanh vùng, dập dịch tại vùng có dịch, lực lượng phòng chống dịch tự nguyện và các đối tượng khác theo nghị quyết của Chính phủ trên nguyên tắc quan trọng là đối tượng có nguy cơ cao thì tiêm trước, nguy cơ thấp thì tiêm sau, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch thì tiêm sau.

“Tinh thần là bao phủ vắc-xin cho người dân Việt Nam nhưng do những điều kiện cụ thể, không thể tiêm ngay được nên có thứ tự ưu tiên như vậy”, Thủ tướng cho hay.

Về vấn đề mua vắc-xin từ nước ngoài, cần sớm có một cơ số vắc-xin cần thiết để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế hoàn thiện đề án cụ thể về số lượng, đơn giá, đối tượng tiêm, phương thức, hiệu lực vắc-xin, “xác định mua của nước nào là phù hợp nhất”. Bên cạnh ngân sách Nhà nước, cần xã hội hóa để có các nguồn lực cần thiết cho việc này. Bộ Y tế cần tìm kiếm thêm các nhà cung cấp, các hình thức hợp tác mua sắm vắc-xin, thậm chí cả đóng gói ở Việt Nam.

Sáng 24/2, vắc-xin ngừa Covid-19 có mặt sớm hơn tại Việt Nam trước vài ngày so với dự kiến trước đó của cơ quan chức năng

Sáng 24/2, vắc-xin ngừa Covid-19 có mặt sớm hơn tại Việt Nam trước vài ngày so với dự kiến trước đó của cơ quan chức năng.

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu vắc-xin thúc đẩy quá trình thử nghiệm vắc-xin, làm sao có thể rút ngắn tối đa thời gian của các giai đoạn 1, 2, 3, có phương thức phù hợp, sáng tạo. Bộ Y tế lắng nghe các kênh thông tin khác nhau để chọn phương án tốt nhất, hoàn thiện, trình Chính phủ.

Nhấn mạnh thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo một số biện pháp. Về vấn đề vắc-xin, mặc dù lô vắc-xin đầu tiên đã được đưa về trong nước thành công nhưng tinh thần của ngành y tế phải là thần tốc với những biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt hơn để tiêm cho các đối tượng sẽ được quy định rõ hơn tại một nghị quyết của Chính phủ. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế sớm trình dự thảo nghị quyết về vấn đề tiêm vắc xin với những đối tượng được ưu tiên.

Thủ tướng nêu rõ không vì vắc xin mà chúng ta chủ quan. Thủ tướng lưu ý: "Chiến lược của chúng ta là "vắc-xin + 5K".

Về lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, nhấn mạnh không ngăn sông cấm chợ, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp trong vùng có dịch, vừa bảo đảm yêu cầu phòng dịch, vừa không để ách tắc.

Chủ tịch UBND các tỉnh, nhất là các tỉnh đang có dịch có biện pháp cụ thể để kiểm soát dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế không can thiệp sâu vào những vấn đề cụ thể của địa phương, giao quyền cho địa phương ban hành các biện pháp cụ thể ở địa phương mình như phong tỏa, thực hiện các Chỉ thị 15 và 16… tùy tình hình địa phương và kịp thời giải tỏa khi tình hình đã ổn định.

Thủ tướng nhất trí cho rằng các địa phương, nhất là khu vực có cảng như Hải Phòng phải bảo đảm lưu thông hàng hóa bình thường, biện pháp thông thoáng, chủ động phòng chống nhưng không ngăn sông cấm chợ và yêu cầu phải có ngay một quy chế giữa 3 bộ để có thể thực hiện chủ trương lưu thông hàng hóa bình thường, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Về giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương đẩy mạnh việc học trực tuyến để bảo đảm việc học tập cho học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, các Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế và UBND các địa phương, nhất là Bộ Quốc Phòng chuẩn bị sẵn sàng các khu vực cách ly, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, thực hiện nghiêm quy định cách ly tập trung và tăng cường giám sát việc thực hiện cách ly y tế, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong cơ sở y tế tập trung; tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát đường biên giới, đường bộ, đường thủy, quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh không để xảy ra tình trạng vượt biên trái phép, nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

"Bảo vệ sức khỏe nhân dân rất quan trọng nhưng không thể vì chống dịch mà chúng ta ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người dân và đây là những điểm mà nếu không giải quyết sớm thì dứt khoát là ảnh hưởng tới tăng trưởng phát triển", Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với đó, Bộ Y tế làm đầu mối để tiếp nhận các kênh có vắc xin quan tâm tới Việt Nam để có khối lượng cần thiết tiêm cho nhân dân,...

Hà An (T/h)