Không đánh đổi chất lượng lấy tốc độ ban hành thể chế

11:07 14/02/2022

Trao đổi với phóng viên, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội- Nguyễn Thuý Anh khẳng định, trước đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, Ủy ban Xã hội luôn đề cao tốc độ phản ứng chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhưng phản ứng chính sách phải “trúng và đúng”, nhất quyết không đánh đổi “chất lượng thể chế” để lấy tốc độ ban hành thể chế.

Luôn đề cao tiêu chí chất lượng

- Quá trình phát triển đất nước và thực tiễn cuộc sống đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao với công tác xây dựng pháp luật. Với Ủy ban Xã hội, công việc này được triển khai như thế nào, thưa bà?

Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức phiên họp mở rộng nghe Bộ Y tế báo cáo về việc trình một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19; tiến độ xây dựng và trình Quốc hội các dự án luật trong năm 2022, tháng 12.2021
Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức phiên họp mở rộng nghe Bộ Y tế báo cáo về việc trình một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19; tiến độ xây dựng và trình Quốc hội các dự án luật trong năm 2022, tháng 12.2021. (Ảnh: Hồ Long)

- Trong hoạt động xây dựng pháp luật, Ủy ban Xã hội qua các nhiệm kỳ Quốc hội luôn thống nhất 4 quan điểm.

Trước hết, đó là hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bộ máy quản lý nhà nước về các vấn đề xã hội. Thứ hai, phát triển xã hội với mục tiêu trước hết và trên hết là vì phát triển con người, tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, con người phải được đặt vào vị trí trung tâm. Kết hợp giữa các chính sách kinh tế với chính sách xã hội trong sự phát triển; bảo đảm hướng tới phân phối lợi ích, phúc lợi xã hội công bằng, bình đẳng, hợp lý và ngày càng cao hơn giữa các đối tượng, tầng lớp xã hội từ thành quả của sự phát triển, trên nguyên tắc cơ bản gắn liền giữa cống hiến và hưởng thụ, có chú trọng đúng mức đến các đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế. Thứ ba, bảo đảm mọi người dân có quyền được phát triển, có cơ hội tham gia bình đẳng và được thụ hưởng các thành quả của tăng trưởng. Thứ tư, pháp luật phải đúng đắn, rõ ràng, công khai, ổn định và được áp dụng chung cho toàn xã hội, thể hiện các giá trị “xã hội có, xã hội cần và xã hội ủng hộ” dưới sự lãnh đạo nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trên quan điểm đó, trong công tác thẩm tra và chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, Ủy ban luôn đề cao tiêu chí về chất lượng, đồng thời giải quyết hài hòa với việc bảo đảm tiến độ theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trên cơ sở thực hiện nghiêm túc việc phân tích chính sách, lắng nghe thông tin đa chiều trong nước và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Ủy ban Xã hội luôn giữ vững lập trường dứt khoát khắc phục hiện tượng “xếp gạch, đặt chỗ”, đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh một cách duy ý chí, không trên cơ sở nhu cầu thực sự, không dựa trên cơ sở bằng chứng, chưa được tổng kết, đánh giá đầy đủ. Ủy ban cũng luôn đề cao tốc độ phản ứng chính sách, tốc độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhưng phản ứng chính sách phải “trúng và đúng” và nhất quyết không đánh đổi “chất lượng thể chế” để lấy tốc độ ban hành thể chế.

- Những nguyên tắc trên được thể hiện như thế nào trong quá trình chủ trì thẩm tra các dự án luật thuộc lĩnh vực của Ủy ban Xã hội, thưa bà?

- Trước năm 2021, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, có ba dự án Luật, một dự án Pháp lệnh mà Ủy ban thẩm tra và đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa trình Quốc hội, chưa bảo đảm chất lượng, cần tiếp tục tổng kết, lấy thêm ý kiến, đánh giá tác động, nên chưa đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban, cuối nhiệm kỳ, dự án Pháp lệnh đã được hoàn thiện và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, còn các dự án Luật đang được tiếp tục chuẩn bị để trình trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV này.

Trong đó, phải kể đến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Theo Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11.6.2019, dự án Luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín (5.2020) và thông qua tại Kỳ họp thứ Mười (10.2020). Ủy ban về các vấn đề Xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) đã tiến hành thẩm tra sơ bộ dự án Luật này và thể hiện rõ chính kiến: dự án Luật chưa đủ điều kiện trình Quốc hội với những lý do cụ thể. Đó là các chính sách mới phát sinh chưa được giải trình thuyết phục về sự cần thiết để tạo sự minh bạch và rõ ràng trong thiết kế chính sách. Một số quy định hiện hành được sửa đổi, một số chính sách mới được bổ sung nhưng chưa có đánh giá tác động đầy đủ, hoặc chưa được nêu trong quá trình tổng kết để thấy được sự cần thiết của việc sửa đổi và quy định mới các chính sách này. Một số quy định của dự thảo Luật chưa thống nhất với các luật khác. Nhiều chính sách, vấn đề lớn của dự án Luật chưa nhận được sự đồng thuận của các bộ liên quan trực tiếp, chưa có sự thống nhất cao trong nội bộ Ban soạn thảo dự án Luật. Vì lẽ đó, dự án Luật đã bị rút khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 để tiếp tục chuẩn bị thêm. Bên cạnh đó, cũng phải nói thêm rằng, thực tiễn phòng, chống Covid-19 cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, đưa vào dự án Luật. 

Vừa qua, Chính phủ tiếp tục đề xuất bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm tra, tại Phiên họp thứ 5 (tháng 11.2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định chưa bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự án luật đúng quy định trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tới, nếu đủ điều kiện sẽ bổ sung vào Kỳ họp thứ Ba (tháng 5.2022). 

Ủy ban Xã hội thăm, chúc Tết cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, sản phụ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhân dịp năm mới Nhâm Dần 2022
Ủy ban Xã hội thăm, chúc Tết cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, sản phụ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhân dịp năm mới Nhâm Dần 2022. (Ảnh: Hồ Long)

Nâng cao thụ hưởng phúc lợi xã hội toàn diện

- Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Trước yêu cầu đó, phương hướng nhiệm vụ của Ủy ban trong năm 2022 và những năm tiếp theo là gì, nhằm thể chế hóa các quan điểm mới về an sinh xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, thưa bà?

- Trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Ủy ban Xã hội đã tiến hành xây dựng, hoàn thành Báo cáo về việc thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về chính sách xã hội và các nhiệm vụ tiếp tục đặt ra trong thời gian tới trình Đảng đoàn Quốc hội. Đây là sự chuẩn bị từ sớm, từ xa của Ủy ban và cùng với yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ủy ban đã xây dựng phương hướng, nhiệm vụ của Ủy ban trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Trong công tác lập pháp, quán triệt quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp 2013 trong công tác hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật. Đặc biệt, chú trọng chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thụ hưởng phúc lợi xã hội toàn diện, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Kiến nghị cũng như theo dõi sát sao việc các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện việc tổng kết thực hiện một số luật, bao gồm: Luật Công đoàn; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Việc làm; Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Pháp lệnh Dân số; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Cùng với đó là các quan hệ xã hội mới phát sinh, quan hệ xã hội đã phát sinh nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc mới được điều chỉnh bằng văn bản dưới luật mà theo theo hiến định phải được quy định trong luật (như chuyển đổi giới tính, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, trang thiết bị y tế…) để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội và tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII và các nghị quyết liên quan.

Tiếp tục nghiên cứu, khảo sát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số văn bản luật trong thời gian tiếp theo như: Luật Bình đẳng giới, Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật Hôn nhân và gia đình.

Tiếp tục tăng cường nắm bắt tình hình thực tiễn đời sống xã hội trong xây dựng chính sách để bảo đảm tính khả thi cao; đánh giá tác động xã hội, tác động về giới trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết ngay từ giai đoạn xây dựng đề nghị và trong quá trình thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, bảo đảm “định hướng XHCN trong các chính sách xã hội”, phát triển kinh tế phải gắn liền với công bằng xã hội.

Trong quá trình nghiên cứu để kiến nghị xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung pháp luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng sự phát triển xã hội, quan tâm đến các nội dung sau: tiếp tục hoàn thiện thị trường lao động theo hướng đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, hướng đến việc làm bền vững, nâng cao chất lượng lao động, nâng cao năng suất lao động; quan tâm hơn nữa đến lao động khu vực phi chính thức, lao động trong một số ngành nghề mới gắn với những tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tăng cường năng lực và vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng; bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân; tận dụng cơ hội “dân số vàng” và thích ứng với già hóa dân số; chất lượng dân số; phân bổ dân cư; vấn đề dân di cư. Tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm nghèo bền vững, thực hiện các giải pháp về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau; phấn đấu không để tình trạng người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo... Tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực; pháp luật về thi đua, khen thưởng cần tạo động lực để thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, khen thưởng xứng đáng với thành tích, công lao cống hiến, trực tiếp đối với người lao động, sản xuất; giải quyết những vướng mắc, bất cập khi thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

- Trong hoạt động giám sát, Ủy ban Xã hội sẽ chú trọng những nội dung gì, thưa bà?

 - Ủy ban sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và ban hành văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, các nội dung Luật, Nghị quyết của Quốc hội đã quy định, những vấn đề đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt các mục tiêu, chỉ tiêu về xã hội liên quan lĩnh vực Ủy ban được giao phụ trách.

Thực hiện giám sát chuyên đề, khảo sát việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Pháp lệnh Dân số; Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật Bình đẳng giới; Bộ luật Lao động; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Việc làm; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm và các vấn đề mới phát sinh trong tình hình mới, đặc biệt là dưới tác động của đại dịch Covid-19 thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy ban... Qua đó, có thêm thông tin, bằng chứng phục vụ hoạt động thẩm tra, tiếp thu, giải trình các dự án Luật sửa đổi khi Chính phủ trình trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Tăng cường hoạt động giám sát thông qua chất vấn, giải trình tại phiên họp của Ủy ban đối với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan gắn với trách nhiệm tổ chức cá nhân thực hiện; thực hiện tái giám sát, theo dõi việc các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện các kiến nghị, kết luận của đoàn giám sát; xây dựng các cơ chế linh hoạt theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát đối với các bộ, ngành và địa phương. Chú trọng hơn giám sát lời hứa của các thành viên Chính phủ, thúc đẩy hành động của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.

Ủy ban cũng sẽ tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, coi đây là kênh thông tin quan trọng để phản ánh mức độ đi vào cuộc sống của các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó đề xuất các yêu cầu hoàn thiện thể chế, chính sách một cách phù hợp, khả thi, chất lượng, hiệu quả. Gắn kết hoạt động giám sát, khảo sát với hoạt động lập pháp, kịp thời phát hiện, kiến nghị, đề xuất những quy định của luật, pháp lệnh không phù hợp để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Chủ động giám sát khảo sát phát hiện những vấn đề nảy sinh trong xã hội, kịp thời đề xuất cải cách thể chế chính sách, và giải pháp giải quyết, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người.

- Xin cảm ơn bà!

(Phạm.Giang/Theo Báo Đại biểu Nhân dân)