Khôi phục đường bay quốc tế nhưng không buông lỏng kiểm soát dịch COVID-19

15:48 15/12/2021

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao từ 1/1/2022.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, việc mở lại các chuyến bay quốc tế là cần thiết nhằm khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch nói chung, tạo điều kiện cho bà con Việt Nam được về quê hương trong bối cảnh Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp đến... Tuy nhiên quá trình mở cửa vẫn phải đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu các cơ quan tham mưu, triển khai việc khôi phục đường bay, bảo đảm an toàn theo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh. 

Ảnh minh họa
Khôi phục đường bay quốc tế nhưng không buông lỏng kiểm soát dịch COVID-19. 

Thực tế cho thấy, đằng sau chuỗi thống kê F0 trong nước liên tục tăng cao trên chục nghìn ca mỗi ngày, trong đó nổi bật là ở Hà Nội và nhiều đô thị, vùng quê trên cả nước gần đây cho thấy đang hiện hữu nguy cơ tái lập làn sóng dịch thứ năm, đe dọa gây quá tải của hệ thống y tế, với các tổn thất về nhân mạng và kinh tế khôn lường

Thực tế cũng cho thấy, sau nới lỏng giãn cách, chính quyền cơ sở và người dân nhiều nơi có biểu hiện “chóng quên” hoặc coi nhẹ yêu cầu thực hiện 5K. Biến thể Delta đang thống trị và biến thể  Omicron đang diễn biến phức tạp, với tốc độ lây lan nhanh, sớm muộn cũng vào Việt Nam. Người dù đã tiêm 2 mũi vaccine, đến từ vùng xanh, nhưng vẫn dương tính Covid và vẫn là nguồn phát tác lây nhiễm covid cho người khác và cộng đồng. Đặc biệt, nếu không làm tốt công tác kiểm soát dịch cho khách bay, dịch lại bùng phát, hậu quả sẽ khôn lường và việc xử lý F0 tại sân bay hoặc trên tàu bay sẽ rất phức tạp và tốn kém. Khi đó, các quốc gia không muốn mở lại đường bay quốc tế với Việt Nam và khách quốc tế cũng ngại, sợ không muốn bay đến Viêt Nam…

Trên thế giới, nhiều nước châu Âu nới lỏng giãn cách, song luôn kiểm soát lây nhiễm khá chặt chẽ. Người dân phải xuất trình xét nghiệm âm tính trước khi bước chân vào tất cả nhà hàng, rạp hát, sân bóng, cơ quan, công sở và trước khi lên máy bay.

Bởi vậy, cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm những người không thực hiện 5K. Đồng thời, cần bắt buộc tất cả khách bay nội địa phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi bay. Quy định này, một mặt, có thể khiến các hãng bay và khách bị tăng chi phí, bó hẹp thị trường hàng không; mặt khác, giúp hành khách và các địa phương nơi đến yên tâm và phối hợp kiểm soát phòng dịch, đi lại, tránh đưa F0 từ nơi này đến nơi khác, làm lây nhiễm, bùng phát dịch rộng hơn. Hiện có nhiều điểm xét nghiệm tại các địa phương, chi phí đã giảm nhiều so với trước đây. Mỗi lần test nhanh chỉ còn 109.000 đồng; xét nghiệm PCR theo đoàn thì chi phí cũng giảm. Xu hướng chi phí xét nghiệm sẽ còn giảm nữa. Ngành hàng không đã có kinh nghiệm xét nghiệm tại cảng hàng không đối với khách nhập cảnh. Vietjet cũng đã thuê một bệnh viện xét nghiệm miễn phí cho khách bay từ Hà Nội và TP HCM. Các hãng hoặc cảng hàng không hoàn toàn có thể phối hợp với ngành y tế địa phương để xét nghiệm cho khách. Kết quả xét nghiệm sẽ được trả online, trên những ứng dụng chuyên ngành, như PC Covid hay Vietnamkhoemanh... Khách không phải cập nhật, khai báo kết quả test khi bay. Điều này cũng giảm được tình trạng mua bán kết quả xét nghiệm khống đang diễn ra.

Việc tăng cường quản lý, giám sát di chuyển bằng công nghệ, tăng tốc tiêm vaccine, nghiêm túc thực hiện 5K và không lơi là trong việc xét nghiệm… sẽ góp phần kiểm soát được dịch, được đi lại, sản xuất, sinh hoạt an toàn.  

Nới lỏng giãn cách xã hội luôn và càng cần thiết, không được phép buông lỏng kiểm soát dịch Covid-19, vì lợi ích của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và toàn cộng đồng, cả quốc gia và quốc tế, cả trong hiện tại và trong tương lai…!

TS.Nguyễn Minh Phong