Khoanh, xóa nợ thuế: Cần minh bạch và đúng đối tượng

00:00 12/10/2020

Bộ Tài chính khuyến nghị các địa phương thành lập ban chỉ đạo xử lý nợ thuế để triển khai nhanh chóng việc khoanh, xóa nợ thuế.

Nhiều tỉnh, thành chủ động

Ngay sau khi Thông tư 69/2020/TT-BTC (hướng dẫn Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ thuế) của Bộ Tài chính được ban hành và có hiệu lực vào giữa tháng 7 vừa qua, nhiều địa phương đã bắt đầu chủ động rà soát, xử lý khoanh và xóa các khoản nợ thuế tồn đọng.

Ghi nhận từ Cục Thuế TP.HCM cho thấy, trong vòng gần 1 tháng vừa qua địa phương này đã thực hiện khoanh nợ, xóa nợ cho gần 278.200 trường hợp, với số tiền thuế chậm nộp được xóa là 3.092 tỷ đồng và số thuế khoanh nợ là 5.117 tỷ đồng.

Thủ tục khoanh, xóa nợ thuế cần tiến hành đơn giản, nhanh chóng mới hỗ trợ được DN.

Tại phía Bắc, các địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh đã kịp thời rà soát công khai danh sách các DN còn nợ thuế tồn đọng và bắt đầu thực hiện khoanh, xóa nợ theo Nghị quyết 94 và Thông tư 69. Theo đó, Hà Nội đã công khai lần đầu gần 200 DN nợ thuế và tiền thuê đất tính đến cuối tháng 5/2020 và xem xét các trường hợp được khoanh, giãn hoặc xóa nợ. Tại Hà Tĩnh, sau khi tra soát tổng thể các hồ sơ nợ thuế của DN, địa phương này đã thực hiện khoanh, xóa nợ cho hơn 5.400 trường hợp không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước, trong đó số nợ thuế được xóa ước khoảng 153,2 tỷ đồng.

Tại phía Nam, ông Nguyễn Ngọc Duy - Phó cục trưởng Cục Thuế Phú Yên cho biết, hiện đơn vị này cũng đã thống kê toàn bộ danh sách các DN nợ thuế trên địa bàn. Kết quả có khoảng 11.300 DN và hộ kinh doanh thuộc diện được khoanh, xóa nợ thuế theo Nghị quyết 94 với tổng số tiền (cả khoanh và xóa) là 128 tỷ đồng. “Dự kiến đến cuối năm nay việc khoanh, xóa nợ thuế tại Phú Yên sẽ thực hiện xong”, ông Duy cho biết. Trong khi đó, tại Lâm Đồng, hiện nay cơ quan thuế cũng đã lập xong danh sách gần 200 DN có phát sinh nợ thuế trước ngày 1/7/2020 với số tiền nợ thuế trên 33,2 tỷ đồng. Cơ quan thuế cũng đã khẩn trương hối thúc các địa phương, DN hoàn thiện hồ sơ để thực hiện, khoanh, xóa nợ thuế theo quy định.

Từ phía Tổng cục Thuế, ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cho biết, đầu tuần qua cơ quan này đã tiến hành tập huấn triển khai Nghị quyết 94 và Thông tư 69 tại tất cả 63 tỉnh thành cả nước. Trong buổi tập huấn này phía Cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế tại các địa phương nhanh chóng triển khai khoanh, xóa nợ thuế đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ đúng pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế.

Cần rạch ròi các chính sách hỗ trợ

Theo ghi nhận của Tổng cục Thuế, tính đến cuối tháng 8/2019 cả nước có trên 23.600 DN tự giải thể, hơn 260 DN mất khả năng thanh toán, tự phá sản; gần 771.400 người nộp thuế, bỏ địa chỉ kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký và khoảng 46.100 DN không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… Trong số này có khoảng 843.000 trường hợp đáp ứng đủ các yêu cầu quy định để được khoanh hoặc xóa nợ thuế theo Nghị quyết 94 với tổng số tiền (cả khoanh và xóa) là 38.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, cũng theo ghi nhận từ Tổng cục Thuế, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ thuế của DN có xu hướng tăng mạnh. Kết thúc 6 tháng đầu năm, mặc dù rất nỗ lực đôn đốc thu hồi nợ, nhưng cơ quan thuế cả nước chỉ thu hồi được khoảng 15.200 tỷ đồng nợ thuế. Con số này chỉ bằng 44,6% chỉ tiêu thu nợ được giao hồi đầu năm.

Trong các tháng đầu năm, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã thực hiện khoanh, giãn thời gian nộp thuế cho nhiều DN trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 7/2020, cơ quan thuế mới chỉ gia hạn được khoảng 28.000 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng; 20.500 tỷ đồng thuế thu nhập DN; 3.300 tỷ đồng tiền thuê đất...

Con số này chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số thuế mà DN các ngành nghề xin gia hạn trong 6 tháng đầu năm (ước khoảng 180.000 tỷ đồng). Điều này cho thấy, trong số các DN nợ đọng thuế hiện nay có không ít các DN thuộc diện gặp khó khăn do dịch Covid-19 và được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia lĩnh vực thuế cho rằng các địa phương cần sát sao trong việc sàng lọc, hỗ trợ DN nợ thuế để xử lý đúng đối tượng. Vì ngay trong từng DN nợ thuế thì các khoản nợ không đồng nhất. Có khoản được áp dụng khoanh nợ theo Nghị quyết 94 của Quốc hội, nhưng cũng có khoản được áp dụng theo Nghị định 41 của Chính phủ. Nếu xử lý không minh bạch, rõ ràng sẽ tạo ra sự thiếu công bằng.

Chưa kể rằng, trong bối cảnh DN gặp nhiều khó khăn như hiện tại, có những DN sẽ lợi dụng lý do dịch Covid-19 để trục lợi chính sách. Các cơ quan thuế địa phương dây dưa, kéo dài thời gian xử lý các hồ sơ nợ thuế cũng sẽ khiến số nợ thuế ngày càng phình to. Khi đó, nợ thuế xử lý theo Nghị quyết 94 dù có xử lý xong trong năm 2020 thì lượng DN phá sản, ngưng hoạt động trong năm tới cũng sẽ tăng mạnh và áp lực thu nợ đọng tiền thuế vẫn không giảm.

Thạch Bình