Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo: Chìa khóa “vực dậy” doanh nghiệp...

08:43 20/10/2020

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại toàn cầu, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất và cắt giảm lao động. Trong bối cảnh đó, yếu tố cạnh tranh lại càng trở nên khốc liệt. Do vậy, doanh nghiệp vừa phải giảm chi phí, vừa phải nâng cao hiệu quả hoạt động để đảm bảo duy trì vận hành tối thiểu. Theo các chuyên gia, KHCN và đổi mới sáng tạo chính là những nhân tố chủ chốt thúc đẩy nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ứng dụng KHCN để phát triển doanh nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, thời gian qua, tổng đầu tư của toàn xã hội cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gia tăng liên tục. Đặc biệt, có một thành phần tham gia rất quan trọng trong đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là từ phía cộng đồng doanh nghiệp (gồm cả những doanh nghiệp đầu tàu, doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa).

"Đầu nhiệm kỳ vừa qua, tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở mức 70% (từ Nhà nước), 30% (từ doanh nghiệp) thì cho đến thời điểm này, đầu tư từ phía doanh nghiệp đã ở mức gần 50%. Và chắc chắn trong thời gian tới, vai trò chủ đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là vai trò của doanh nghiệp. Đây là một định hướng quan trọng và đã có chỉ tiêu rõ ràng. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo ra năng lực tổng thể sáng tạo quốc gia theo bảng xếp hạng GII toàn cầu mà chúng ta đã được đánh giá thăng hạng trong chỉ tiêu đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là từ phía các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa", Thứ trưởng Lê Xuân Định cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ KH&CN, thời gian tới, năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cần tiếp tục được cải thiện ở tất cả các khu vực kinh tế nói chung đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng.

Còn ông Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, thời gian qua khi dịch Covid-19 bùng phát, xã hội phải cách ly, các doanh nghiệp (trong đó đã có doanh nghiệp nhỏ và vừa) đã có những thích ứng nhanh, thay đổi hình thức kinh doanh, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ để tồn tại. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn nhanh chóng nắm bắt cơ hội để làm ăn có lãi, phát triển doanh nghiệp.Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp cũng đã tận dụng cơ hội khi dịch xảy đến để thu về hàng tỷ USD, đặc biệt là với những doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng trực tuyến. Từ nhu cầu vũ bão từ kinh doanh trực tuyến, những doanh nghiệp cung cấp phần mềm thời gian qua cũng vì vậy mà được hưởng lợi theo.

"Điều này nói lên rằng khoa học công nghệ là chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh Covid-19 và cơ hội để doanh nghiệp phát triển. Hiện nay, chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định CPTPP, EVFTA vừa đi vào thực thi, cơ hội thu hút đầu tư được mở rộng. Tuy nhiên, nếu vẫn đi theo cách làm cũ thì cơ hội sẽ trôi qua. Để việc thu hút đầu tư được thuận lợi, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là mấu chốt giúp nâng cao năng suất chất lượng, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa quá trình sản xuất", ông Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cùng đề cập đến vấn đề này, ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐLCL- Bộ KH&CN chia sẻ, trong bối cảnh ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid -19, yếu tố cạnh tranh đối với các doanh nghiệp lại càng trở nên khốc liệt. Do vậy, doanh nghiệp vừa phải giảm chi phí, vừa phải nâng cao hiệu quả hoạt động để đảm bảo duy trì vận hành tối thiểu. Để làm được điều đó doanh nghiệp cần các nỗ lực luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu khách hàng, đồng thời tăng năng suất, hiệu quả hoạt động. Có nhiều nhân tố tác động đến quá trình tăng năng suất, chất lượng, trong đó có vai trò quyết định của đổi mới công nghệ, áp dụng đổi mới sáng tạo trong thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất, quản lý quá trình...

“Hiện nay hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đang là động lực để tăng năng suất dựa trên nền tảng KHCN, dịch chuyển trung tâm đổi mới sáng tạo về các doanh nghiệp, trở thành trung tâm hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Theo phân chia về đổi mới sáng tạo thì có 4 giai đoạn, đầu tiên là đổi mới sản phẩm, thứ 2 là quy trình công nghệ, thứ 3 là đổi mới cấu trúc, và cuối cùng là mô hình kinh doanh. Hiện nay doanh nghiệp chúng ta tập trung nhiều vào đổi mới quy trình công nghệ và tổ chức quản lý nên cần cơ chế chính sách để thúc đẩy các loại hình đổi mới sáng tạo khác trong doanh nghiệp”, ông Hiệp cho hay.

Doanh nghiệp NVV làm gì để đổi mới KHCN?

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 xác định: “Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao năng suất lao động, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.Tuy nhiên, theo ông Hà Minh Hiệp, nhiều doanh nghiệp NVV vẫn chưa có đủ kiến thức và kỹ năng để tận dụng tối đa cơ hội chuyển đổi số để cải thiện kinh doanh. Để có thể khắc phục và vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 gây ra, các doanh nghiệp cần phải có sự đổi mới cũng như cải thiện bản thân, khi các doanh nghiệp trở nên linh động và thích ứng hơn thì mới có thể nắm bắt được các cơ hội tốt hơn.

Ông Hiệp cũng cho biết, đối với các doanh nghiệp NVV không có nhiều tài chính và nguồn lực nhân sự chiếm tỉ lệ rất cao dẫn tới việc hỗ trợ các doanh nghiệp này chuyển giao công nghệ là một trong những thách thức rất lớn. Do vậy các doanh nghiệp cần sẵn sàng học tập, tiếp thu, thay đổi các quy trình, hệ thống đang có để nâng cao năng suất. Hiện chúng tôi đã có những hệ thống tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, cải tiến. Đặc biệt là việc kết nối giữa các doanh nghiệp NVV và các trường đại học, trường nghề để nâng chất lượng nguồn nhân lực đầu vào cho doanh nghiệp. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chuyên gia Cao Hoàng Long- Phòng Giải pháp Quản lý và Đổi mới Sáng tạo - Viện Năng suất Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp thành công trên thế giới thường rất coi trong vấn đề năng suất lao động. Năng suất lao động tại Việt Nam còn thấp, vì vậy làm giảm khả năng cạnh tranh của danh nghiệp. Các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp NVV chủ yêu sản xuất thủ công, rất yếu khâu lập kế hoạch sản xuất, kiểm soát chất lượng, quá trình sản xuất kém… dẫn đến năng suất thấp. Trong báo cáo kinh tế thường niên 2019 của nhóm chuyên gia trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự báo trong khoảng thời gian 10 năm tới, trong 100% tốc độ tăng của năng suất lao động, kinh tế số đóng góp từ 7-16%. Vì vậy việc chuyển đổi số là bắt buộc với doanh nghiệp Việt Nam. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, nếu chủ doanh nghiệp thật sự tâm huyết với chuyển đổi số, truyền được lửa cho nhân viên thì sẽ rất thành công. Như Công ty nhựa Tiền Phong, Công ty Rạng Đông, Công ty may Nam Hà... là những doanh nghiệp có lãnh đạo thực sự quyết tâm, máu lửa với chuyển đổi số. Hầu như những giải pháp áp dụng đều không tốn kém, không phải đầu tư nhiều, chủ yêu tập trung vào thay đổi nhận thức từ lãnh đạo đến nhân viên. Doanh nghiệp từ đó tốt hơn lên.

“Chúng ta càng tiếp cận nhanh thì càng tốt cho doanh nghiệp.Tuy nhiên, việc bắt đầu như thế nào rất quan trọng, nhiều doanh nghiệp chỉ làm theo mà không có kế hoạch chuẩn bị dài hạn, dẫn đến tốn kém thiếu hiệu quả. Để phát triển chuyển đổi số, doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình riêng cho mình. Sẽ trải qua một số bước như xác định mục tiêu chính của việc chuyển đổi số, xác định thực trạng của doanh nghiệp, cần đầu tư những gì… sau đó mới có thể xác định được kế hoạch hành động cụ thể.Yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp thành công là phải hiểu rõ thực trạng năng lực của mình. Đó là năng lực về sản xuất kinh doanh, tăng trưởng doanh thu, lao động như thế nào, khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp, chiến lược tăng trưởng tương lai…”, chuyên gia Cao Hoàng Long chia sẻ.  

Với vai trò là Viện phó Viện Khoa học phát triển Doanh nghiệp NVV (Hiệp hội Doanh nghiệp NVV Việt Nam), ông Nguyễn Kim Hùng  cho rằng, việc chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo rất cần đối với các doanh nghiệp NVV. Cấu thành SME chủ yếu là các doanh nghiệp nguồn lực mỏng, đều mong muốn chuyển đổi số cũng như áp dụng KHCN để nâng cao năng suất lao động, nhưng  nguồn lực không đủ. Theo tôi, ngoài các văn bản pháp lý của Chính phủ và cơ quan ban ngành đã ban hành thì cần có giải pháp cụ thể hơn, mang tính chất cầm tay chỉ việc đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì sẽ khả thi hơn. Với các doanh nghiệp, cần phải nghĩ rằng việc đầu tư vào KHCN cũng như tìm kiếm các yếu tố liên quan đến KHCN sẽ là một trong những nhân lực quan trọng và chủ chốt trong hoạt động doanh nghiệp. Thay vì trước đây chúng ta chỉ tập trung vào sale, marketing  thì giờ đây có thể thêm nhân sự liên quan về vấn đề KHCN và đổi mới sáng tạo, đó chính là yếu tố cơ bản đối với một doanh nghiệp.

Bà Cristina Fentross - Quyền Phó Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID):

Đại dịch không làm chậm lại quá trình chuyển đổi khoa học công nghệ mà trên thực tế, đại dịch còn là cơ hội thúc đẩy sự phát triển về chuyển đổi KHCN lên một tầng cao mới, có thể chúng ta chưa biết hết được những tác động của đại dịch đến đời sống con người, đến nền kinh tế toàn cầu và các doanh nghiệp, nhưng có thể nói đại dịch đã trở thành chất xúc tác để chúng ta thay đổi. Sự cần thiết của chuyển đổi KHCN lớn hơn bao giờ hết, do những khó khăn thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa - đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp NVV vẫn chưa có đủ kiến thức và kỹ năng để tận dụng tối đa cơ hội chuyển đổi số để cải thiện kinh doanh. Để có thể khắc phục và vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 gây ra, các doanh nghiệp cần phải có sự đổi mới cũng như cải thiện bản thân, khi các doanh nghiệp trở nên linh động và thích ứng hơn thì có thể nắm bắt được các cơ hội tốt hơn.

Ngọc Thái