Khi Thủ tướng gợi lại “linh hồn” của bứt phá kinh tế toàn cầu…

14:19 25/07/2023

Nhân chuyến thăm Phố Sách Hà Nội ngày 21/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng Thủ tướng Malaysia nhiều cuốn sách. Sự kiện này khiến cho nhiều chuyên gia gợi nhớ lại “linh hồn” của cuộc bứt phá nền kinh tế toàn cầu…

Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân mời Thủ tướng Anwar Ibrahim và Phu nhân cùng thăm Phố Sách Hà Nội và thưởng thức hương vị cà phê Việt Nam.

“Linh hồn” bứt phá nền kinh tế…

Nói đến sách là nói đến sản phẩm của giáo dục. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, hầu hết các chuyên gia đều nhận định: Để có thể tạo ra cuộc bứt phá nền kinh tế lớn trên thế giới hầu hết đều được bắt nguồn từ những quốc gia có "mặt bằng chỉ số thông minh cao”. Khái niệm thông minh ở đây không đề cập đến chỉ số IQ của người dân, mà chính là tiêu chí xếp hạng từ các thành tựu, phát minh của quốc gia đó đóng góp cho nhân loại trong công cuộc "kích hoạt" nền kinh tế, mà nền tảng xuất phát từ giáo dục.

Nhà Triết gia người Anh Francis Bacon sống vào đầu thế kỷ 17 từng nói rằng: “Cây thước đo giá trị của thể chế chính trị hay nền kinh tế mỗi quốc gia đều khởi nguồn từ trí thức. Và trí thức được bồi đắp đi lên từ giáo dục”. Mỹ và nhiều nước châu Âu đã sớm nghiệm ra điều này nên đã nhanh chóng tiến hành cuộc cải cách giáo dục, đưa nền khoa học của nước này lên đỉnh cao của tinh hoa cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Khi đại học trở thành cái nôi của khoa học, thì người ta mới nghiệm ra rằng, giáo dục chính là trụ cột cho sự phát triển công nghiệp hoá đất nước. Đức là nước được mệnh danh "dân tộc có thái độ rất tôn sùng đại học". Vì lẽ đó, Đức đã trở thành cái nôi của ngành công nghệ cao như: lĩnh vực chế biến, động cơ xe, hóa chất và các sản phẩm điện tử. Năm 2013 là thời điểm “đỉnh cao” nền kinh tế của Đức, khi GDP đạt mức 3.600 tỷ USD, nổi tiếng là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và đứng thư tư thế giới…

Một câu hỏi mà bất kỳ ai cũng tò mò: "Tại sao suốt nhiều thập kỷ qua nước Mỹ luôn là con chim đầu đàn của nền kinh tế thế giới". Câu trả lời thoả đáng xuyên suốt mọi vấn đề chỉ có hai từ - chính là "giáo dục". Quan điểm giáo dục ở Mỹ cho rằng, đại học không phải là nơi để truyền bá kinh viện, mà là nơi để tư duy, khai phá và không ngừng sáng tạo. Chính điều đó, giúp cho Mỹ có nền giáo dục chất lượng cao.

Harvard là trường đại học không chỉ nổi tiếng riêng mình nước Mỹ mà trên toàn thế giới. Đã có 8 đời Tổng thống Mỹ và 47 chủ nhân của các giải Nobel từng theo học tại ngôi trường này. Điển hình như: Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tốt nghiệp tại đây. Ngoài ra các tỷ phú nổi tiếng như Bill Gates – một trong những người giàu nhất thế giới và là Chủ tịch Tập đoàn Microsoft…hay Mark Zuckerberg – ông chủ của mạng xã hội Facebook…

Giữa năm 2013, rất nhiều báo giới đăng tin dưới góc nhìn của các chuyên gia rằng: "9 lý do kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục thống trị thế giới". Lý do khởi nguồn là Mỹ có những trường đại học tốt nhất thế giới. Từ đó, sản sinh nhiều nhà khoa học nắm giữ về công nghệ, tạo ra cuộc đột phá cho việc dẫn đầu thế giới về lượng sản xuất hàng hoá. Gần đây, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới phân tích: Nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục dẫn đầu nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2022 với tổng sản phẩm quốc nội danh đạt 25,5 nghìn tỷ USD…

Ảnh minh họa
Mặc dù lịch hoạt động dày đặc, song hai nhà lãnh đạo dành cho nhau khoảng thời gian quý báu thăm Phố Sách.

Giáo dục là tương lai…

Không phải những năm gần đây, giáo dục mới được đánh giá là có vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy, phát triển xã hội. Bởi, cách đây khoảng 2.500 năm - Khổng Tử cho rằng: "Người có giáo dục sẽ nắm giữ được thiên hạ". Trong cuốn sách "kinh điển văn hoá 5000 năm Trung Hoa" tác giả Dương Lực có viết: "Khổng Tử là nhà giáo dục vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc, có lẽ, ông là người đầu tiên khai sáng trường học tư nhân, cùng với sự nghiệp giáo dục kéo dài 50 năm đã thu nạp 3.000 học trò và 72 đệ tử kiệt xuất, đưa nền giáo dục Trung Hoa toả sáng, tạo tiền đề cho việc phát triển trí thức của con người.

Nay điểm lại lịch sử để thấy rằng, ngay từ thời cổ xưa các bậc tiền nhân đã đánh giá cao tầm quan trọng của giáo dục. Ngày nay, nhiều quốc gia nhận định, chỉ có giáo dục mới mang lại  sự phồn thịnh cho xã hội, phát triển đất nước bền vững. Bằng chứng là, năm 1806 chỉ trong một ngày chiến đấu tại hai thành phố Jena và Auerstedt, hơn một nửa nước Phổ đã rơi vào tay Napoleon.

Lúc bấy giờ, Phổ tuy là một cường quốc về quân sự nhưng về việc phát triển kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp lại đang lùi xa so với các nước như Anh. Một vương quốc Phổ hùng mạnh, có lịch sử nghìn năm đã sụp đổ chỉ trong vòng một ngày. Ngay trong lúc "đen tối" nhất của lịch sử, nước Phổ đã bừng tỉnh khi nhớ đến hai từ "giáo dục". Giáo dục chính là định mệnh cho sự phát triển của đất nước.

Để tăng cường, đẩy mạnh phát triển giáo dục đại học, cũng cố, huy động nguồn nhân lực, nhân tài bằng trí thức. Phổ đã huy động tất cả những "đứa con" tài giỏi, kiệt suất của mình bằng trí thức đích thực được bộc lộ ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường để hướng họ tham gia nghiên cứu các lĩnh vực khoa học cũng như nắm quyền lực điều hành trong bộ máy chính quyền của đất nước.

Một cuộc "tổng lực" về trí tuệ ở nước Phổ đã "bùng" lên, khi những "đứa con" kiệt xuất của họ cùng đồng tâm, hiệp lực thực hiện một cuộc "Đại cách mạng cho đất nước trong giai đoạn lịch sử hiểm nghèo nhất". Ngày nay, thế giới xem đó là cuộc chuyển đổi kinh tế thành công đầu tiên trong lịch sử từ nền kinh tế đóng kín sang nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Và nước Phổ thế kỷ 19, đã để lại một bài học sâu sắc cho lịch sử về vai trò cơ bản của giáo dục trong công cuộc chấn hưng đất nước.

Ảnh minh họa
Thủ tướng Phạm Minh Chính giới thiệu và tặng Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ở Việt Nam, cụ Phan Châu Trinh – một nhân sĩ trí thức, một nhà yêu nước từng biện luận: "xóa bỏ cái nghèo chất xám thì mới phát triển đất nước được". Chúng ta chắc chắn còn nhớ rằng: Ngày 2/9/1945, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Theo thống kê thời kỳ đó, trong 100 người thì có 3 trẻ em từ 8 đến 16 tuổi đi học và 2 người lớn biết chữ, còn 95 người thất học. Có những làng không một người nào biết chữ.

Tại buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra 6 việc cấp bách, chống nạn mù chữ xếp thứ hai chỉ sau nhạn đói. Bác nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ”…

Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, Việt Nam đạt được cơ đồ như ngày hôm nay có sự đóng góp của nhiều yếu tố, nhưng không thể thiếu được vai trò của giáo dục. Giáo dục là trí thức, là trí tuệ. Câu chuyện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng Thủ tướng Malaysia nhiều cuốn sách. Đặc biệt, 02 cuốn sách của Bác Hồ và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi tặng đã trở thành niềm tự hào của người dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam về “hai nhà lãnh đạo” - như một thông điệp gửi đến bạn bè quốc tế...

Và sự kiện tặng sách của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khiến cho nhiều chuyên gia gợi nhớ lại “linh hồn” của cuộc bứt phá nền kinh tế toàn cầu trong suốt nhiều thế kỷ, thập kỷ qua…

Nguyễn Xuân Hoàng