Khi phụ nữ làm chủ doanh nghiệp

10:37 08/03/2024

Nhân buổi trao đổi về chủ đề “Phụ nữ làm chủ doanh nghiệp”, các nữ doanh nhân đều chung quan điểm: Khi phái đẹp “lấn sân” sang công việc kinh doanh, họ cực kỳ vất vả. Để cân bằng giữa gia đình và các mối quan hệ xã hội buộc họ phải hi sinh.

Doanh nhân nữ xứ Thanh đang ngày càng có nhiều đóng góp hơn cho sự phát triển chung của tỉnh Thanh Hoá
Doanh nhân nữ xứ Thanh đang ngày càng có nhiều đóng góp hơn cho sự phát triển chung của tỉnh Thanh Hoá.

"Tôi chưa bao giờ thấy mình được thảnh thơi"

Có thể thấy phụ nữ làm kinh doanh thường gặp khó khăn hơn nam giới. Ngoài cái chung cố hữu thì bản thân doanh nhân nữ còn phải chịu nhiều thiệt thòi. Cái khó nhất vẫn là cân bằng được công việc kinh doanh và thiên chức to lớn của mình trong gia đình. Làm sao để các nữ doanh nhân có thể đảm đương tốt vai trò lãnh đạo, thành đạt trên thương trường mà vẫn chăm lo chu đáo cho gia đình; được người thân, bạn bè và xã hội quý mến.

Chị Lê Thị Hương, Giám đốc Công ty CP Điện lực Thanh Hoá:
Chị Lê Thị Hương, Giám đốc Công ty CP Điện lực Thanh Hoá: "Chúng tôi phải làm việc gấp nhiều lần đàn ông mới cân bằng được cuộc sống".

Dù năm nay đã 61 tuổi, lên chức bà nhưng chị Lê Thị Hương, Giám đốc Công ty CP Điện lực Thanh Hoá chưa bao giờ thấy mình nhàn rỗi, và rất hiếm khi có được một giấc ngủ ngon.

Chị chia sẻ: “Các bạn cứ hỏi làm sao để cân bằng được công việc kinh doanh và gia đình, thì đó phải là sự hi sinh. Nếu không hi sinh thì chúng tôi bắt buộc phải bỏ cuộc, hi sinh những cái thuộc về chính bản thân để gồng gánh trách nhiệm. Đó là dành ít thời gian cho mình mặc dù tuổi cao, phải làm việc nhiều hơn so với các bạn cùng trang lứa,… Ví như thay vì đi tập thể dục ở trung tâm thì tôi lựa chọn mua máy chạy bộ, tập ở nhà, chỉ dành 1 buổi/tuần để đi spa chứ không đi 2,3 buổi như bạn bè, ít được tụ tập và cũng ít được đi du lịch hơn,… Tôi không phải làm việc như đàn ông mà phải gấp nhiều lần đàn ông thì mới cân bằng được công việc kinh doanh và thiên chức của người phụ nữ trong gia đình”.

Hơn thế nữa chị Hương lại là chủ doanh nghiệp trong ngành điện, một ngành nghiêng về kỹ thuật vốn dĩ dành nhiều ưu thế cho đàn ông. Tại các diễn đàn về doanh nghiệp chị được biết đến là người phụ nữ bản lĩnh, dám đứng lên nói về những khó khăn, bức xúc của doanh nghiệp.

Chị Hương tâm sự, để được như ngày hôm nay (làm chủ một công ty điện có tiếng của tỉnh Thanh Hoá - PV), bản thân tôi cũng đã phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trên thương trường. Nhiều khi nghĩ, mình còn khổ hơn chị Dậu trong tác phẩm văn học của Ngô Tất Tố. Chị ấy chỉ thiếu tiền còn chúng tôi vất vả trăm, nghìn bề. Chưa nói đến việc vài năm gần đây kinh tế suy thoái, nhiều cơ chế chính sách, luật lệ mới ra đời, … khiến doanh nghiệp, trong đó có một bộ phận do phụ nữ làm chủ như ngồi trên đống lửa, “sống mòn” qua ngày, thậm chí phá sản.

Mong muốn lớn nhất của doanh nhân Lê Thị Hương là tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động
Mong muốn lớn nhất của doanh nhân Lê Thị Hương là tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Trên thực tế, phụ nữ có những tố chất mà đàn ông ít có, là tính kiên trì, bền bỉ, chịu đựng. Tuy nhiên, phụ nữ cũng có những điểm yếu thuộc về bản chất như giàu cảm xúc, mỗi khi gặp trắc trở trong công việc, dễ buồn và suy nghĩ nhiều. Chính vì vậy để cân bằng được cảm xúc của mình, tránh rơi vào tình trạng căng thẳng, stress, người phụ nữ phải có bản lĩnh và được sự tiếp sức, yêu thương và ủng hộ từ phía “hậu phương gia đình”.

Tuy nhiên, phụ nữ dù có làm ông nọ bà kia, tài giỏi đến đâu nhưng về nhà họ vẫn phải là người phụ nữ của gia đình là người vợ, người mẹ mẫu mực. Vừa điều hành công việc kinh doanh, chăm lo đời sống cho hàng trăm cán bộ công nhân viên vừa phải giữ ấm, giữ lửa cho gia đình đòi hỏi phụ nữ nhiều khi phải “chia 5 sẻ 7”.

Để làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, ngoài thời gian công ty chị Hương dồn hết tâm lực cho gia đình nhỏ của mình: “Đối với con cái, tôi luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc nuôi dưỡng, giáo dục con; dạy các con phải biết chia sẻ với những khó khăn, vất vả của cha mẹ, có tính tự lập, tự giác ngay từ nhỏ. Ngoài ra, với con cái, cha mẹ chính là tấm gương cho con học tập. Chính vì vậy bên cạnh việc quan tâm chăm sóc, giáo dục con, tôi và chồng luôn cố gắng học tập không ngừng, tự khẳng định bản thân trong công việc và có lối sống giản dị, chân thực, hướng thiện cho các con noi theo”.

Trên thực tế tỷ lệ sa thải lao động tại doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thấp hơn các doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nhìn nhận về môi trường kinh doanh luôn tích cực hơn. Nhìn nhận về vấn đề này Giám đốc công ty Điện lực Thanh Hoá khẳng định, bản thân là phụ nữ nhưng luôn muốn mở rộng thị trường, đi khắp Đông, Tây để giao lưu, học hỏi, tìm kiếm việc làm cho doanh nghiệp. Do quỹ thời gian không nhiều, ở cả khía cạnh tuổi tác và sự trông đợi của người lao động, nên chị Hương sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng học hỏi để thích ứng, chấp nhận đầu tư dù rủi ro để giữ được việc làm, thu nhập cho người lao động và gia đình mình...

Chị Hương cũng có lời khuyên với các bạn trẻ, hãy khởi nghiệp bằng chính niềm đam mê, sự quyết tâm với công việc, và phải sống chết với nó. Xã hội ngày nay, nếu mình chưa chọn đúng ngành nghề kinh doanh, hãy mạnh dạn chọn lại chứ không như ngày xưa ít có cơ hội làm lại. Những thách thức từ môi trường đầu tư, kinh doanh, từ hội nhập... lại trở thành chất xúc tác, chứ không phải là rào cản để các bạn doanh nhân trẻ khởi nghiệp.

Vì sao chị lại chọn lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp?

Ngành nghề chăm sóc sắc đẹp và sức khoẻ khiến chị Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hoá, Giám đốc Công ty CP Spa Hồng Kông trẻ hơn nhiều so với tuổi.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hoá, Giám đốc Công ty CP Spa Hồng Kông:
Chị Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hoá, Giám đốc Công ty CP Spa Hồng Kông: "Nghề làm đẹp và chăm sóc sức khoẻ mang lại cho tôi sự tự tin và thành công trong cuộc sống".

Khi được hỏi về lý do chọn công việc chăm sóc sắc đẹp và sức khoẻ để khởi nghiệp, chị Thuỷ cho biết, chị vốn là công chức ngành y. Sau 10 năm gắn bó với nghề thì phải bỏ dở vì lý do riêng. Chọn nghề chăm sóc sắc đẹp và sức khoẻ bởi mình đã được đào tạo bài bản và nhiều năm gắn bó với ngành.

Đồng thời, bản thân là một phụ nữ hiện đại, chị luôn quan niệm phụ nữ là phải xinh đẹp, đẹp về tâm hồn và đẹp về hình thức. Khi bạn có tâm hồn đẹp, sức khoẻ tốt ắt sẽ có một gương mặt xinh tươi. Chính vì vậy, tôi luôn mong muốn giữ lại nét thanh xuân cho bản thân và chia sẻ bí quyết đó với 1 nửa thế giới. Đó là những lý do khiến tôi “bén duyên” với nghề.

Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, mặc dù so với xã hội còn nhỏ bé nhưng đối với mình đã là thành quả to lớn, tôi rất may mắn được sự hậu thuẫn từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Họ là những người yêu thương tôi và rất tài giỏi luôn chia sẻ rất chân tình những kinh nghiệm sống cũng như chuyên môn nghiệp vụ.

Chị Thuỷ tâm sự: “Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, ngành dịch cũng điêu đứng lắm. Thời gian gần đây có một thực tế là nhiều cơ sở spa tưng bừng khai trương rộng rãi rồi âm thầm đóng cửa lúc nào không ai hay. Nhưng Công ty của chúng tôi vẫn giữ vững và phát triển được là một điều rất khó khăn. Có được thành công đó ngoài năng lực chuyện môn còn là nhờ vào bản lĩnh, sự tự tin với ngành nghề mình đã chọn. Bản thân tôi phải nỗ lực hơn rất nhiều so với những người phụ nữ khác để kết hợp hài hoà giữa gia đình và công việc kinh doanh. Nếu tính chia thời gian giữa gia đình và công việc thì 30% cho gia đình và 70% là công việc”.

Chúng tôi tham gia Hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hoá, được sinh hoạt tại hội Spa cả nước và giành những giải thưởng cao quý. Khi chúng tôi được lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, các hội ngành nghề ghi nhận, biểu dương thì đó là phần thưởng cao quý nhất. Bởi nó sẽ là động lực để doanh nhân nữ vững vàng, tự tin hơn trên thương trường, trèo lái doanh nghiệp, đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh và đất nước.

Tại buổi làm việc của Công ty CP Spa Hồng Kông Thanh Hoá
Tại buổi làm việc của Công ty CP Spa Hồng Kông Thanh Hoá.

Được biết, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam chiếm hơn 20% tổng số doanh nghiệp, cao nhất khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 6 trong số các quốc gia, khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp nữ cao nhất.

 Phụ nữ Việt Nam từ thời xa xưa, trải qua năm tháng chiến trang ác liệt, các bà, các mẹ là những người hi sinh cho chồng cho con, cao cả hơn là hi sinh cho đất nước. Đến ngày hôm nay, dù là thời bình nhưng phụ nữ Việt Nam lại tiếp tục hi sinh bản thân mình để chăm sóc gia đình và làm giàu cho xã hội. Nghĩa là dù phụ nữ truyền thống hay phụ nữ hiện đại, họ đều phải hi sinh rất nhiều.

Ghi nhận những đóng góp của những doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ, tại buổi lễ chúc mừng Hiệp hội DN nữ Thanh Hoá nhân ngày 8.3, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch tỉnh đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các chị em phụ nữ - những “người xây tổ ấm”, “người giữ lửa” của gia đình. Đồng thời ghi nhận, biểu dương và đánh cao những thành quả của doanh nghiệp do nữ làm chủ, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đề nghị các doanh nhân nữ nhận thức rõ trách nhiệm, sứ mệnh của mình, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp do nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng góp phần dựng xây tỉnh Thanh Hoá giàu mạnh.

Tôi đã đọc ở đâu đó lời của nhà văn Chu Lai, đại ý rằng, ông phải đứng dậy khi nói về phụ nữ nhưng ông còn phải ngả mũ trước những doanh nhân nữ. Bởi khi họ làm kinh tế, làm chủ doanh nghiệp thì sự phát triển kinh tế cũng đi kèm với sự bao dung, đức hi sinh và tính nhân văn vốn có của người phụ nữ.

Minh Hiền