Hoạt động M&A lĩnh vực bất động sản vẫn duy trì được sự quan tâm đặc biệt

10:13 16/10/2023

Trong 9 tháng đầu năm 2023, các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

M&A phát triển không tương xứng với tiềm năng

Theo báo cáo của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (Vars), hoạt động M&A vẫn duy trì được sự quan tâm. Một số chủ đầu tư thay vì nhu cầu chuyển nhượng toàn bộ dự án đã cố gắng theo đuổi bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư cùng góp vốn thực hiện dự án.

Cụ thể, theo Vars, M&A đang phát triển không tương xứng với tiềm năng. Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia... Quy mô vốn cho mỗi thương vụ khoảng từ 20 – 50  triệu USD.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư ngoại đã bắt đầu chuyển vốn vào các dự án bất động sản tại Việt Nam theo hình thức mua lại cổ phần. Vướng mắc về pháp lý là rào cản khiến các thương vụ bị “kìm chân”, khiến nhà đầu tư ngoại không có nhiều cơ hội chọn lựa, làm hoạt động tiên dự án pháp lý sạch, có tiềm năng trong tương lai, vị trí đẹp và giá bán giảm 10-20%.

Thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục chuyển động tích cực với nhiều lợi thế hấp dẫn làn sóng dịch bất động sản công nghiệp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và kỳ vọng tăng cường hợp tác từ các hiệp định thương mại cùng hàng loạt hoạt động ngoại giao tích cực.

Trong đó, làn sóng đầu tư “mới” từ các doanh nghiệp nước ngoài tạo ra hiệu ứng lan tỏa, mở ra những khu vực kinh tế năng động, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế.

Sau thời gian dài phải đối mặt với khó khăn do đơn hàng giảm sút, tồn kho tăng cao, khó tiếp cận tín dụng,… đơn hàng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã bắt đầu tăng trở lại. Qua đó, thúc đẩy bất động sản công nghiệp phát triển hơn nữa. Tạo tiền đề phát triển nhiều công nghiệp phụ trợ, tạo cơ hội phát triển BĐS nhà ở, nhà ở cho thuê.

Đáng chú ý, M&A bất động sản công nghiệp sôi động. Hầu hết các thương vụ M&A thành công thuộc về M&A các khu công nghiệp. Tất cả người mua đều là nhà đầu tư nước ngoài, từ Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… Kỳ vọng có nhiều hơn các thương vụ đang trong quá trình đàm phán sẽ đi đến “hồi kết” vào cuối năm.

Dữ liệu từ Cushman & Wakefield ước tính, giá trị giao dịch các thương vụ M&A bất động sản tại Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD trong năm 2022. Đây được xem là mức giá trị giao dịch cao nhất trong 5 năm qua, chủ yếu tập trung vào phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. 

Ảnh minh họa
Thị trường bất động sản đang có sự chuyển mình khá rõ rệt.

Sự “chuyển mình” của thị trường bất động sản

Trong 9 tháng đầu năm 2023, nhiều dự án đầu tư công được triển khai, đặc biệt là các dự án về hạ tầng giao thông tại một số địa phương như Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ... Trong tương lai không xa sẽ trở thành bệ phóng giup thị trường bất động sản khu vực phát triển một cách chất lượng và bền vững.

Theo các chuyên gia của Vars, đây là khoảng thời gian hết sức quan trọng, mang tính quyết định cho sự “chuyển mình” của thị trường bất động sản. Cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn, thì “niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư” chính là “chốt chặn cuối cùng” cần giải tỏa để thị trường bất động sản thực sự trở về “trạng thái bình thường mới”.

Trong đó, phân khúc bất động sản nhà ở và bất động sản công nghiệp vẫn là hai phân khúc thu hút nhiều sự quan tâm và tìm kiếm của các nhà đầu tư. Thị trường cũng chứng kiến sự xuất hiện trở lại của hình thức lừa đảo với quy mô lớn, khiến nhiều người dân mất tiền bởi các “dự án ma”. Đây tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh với các “nhà đầu tư” tay ngang, thiếu thông tin và hiểu biết về thị trường bất động sản. Đồng thời cũng cho thấy tính cấp thiết phải tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát, quy trách nhiệm với tất cả đối tượng tham gia các giao dịch liên quan đến sản phẩm bất động sản.

Bên cạnh các dự án “đứng hình” do khó khăn trong việc “xác định tiền sử dụng đất”, các dự án đã trúng thầu tại nhiều địa phương cũng đứng trước nguy cơ “đắp chiếu” do trúng thầu với giá cao. Chủ đầu tư đối mặt với kịch bản “không làm cũng chết mà làm cũng chết”. Nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời, sẽ gây ra các “tổn thương mới” trên cơ sở “vết thương cũ” chưa lành hẳn.

Tính đến cuối tháng 8/2023, tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam mới chỉ tăng 5,3% so với thời điểm đầu năm, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 9,9% của cùng kỳ năm ngoái, cũng như còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng 14% cho cả năm 2023.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản không thể vay vốn do bất động sản đang giảm giá; không có nhu cầu vay vốn do tồn kho không được cải thiện, lo ngại càng vay càng lỗ,...

 Nhân Hà