Hoà Bình: Tháng 10, thành lập mới 41 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 926,7 tỷ đồng

08:23 27/10/2023

Từ đầu năm đến nay, các hoạt động phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư của tỉnh Hòa Bình tiếp tục được đẩy mạnh; các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư được tăng cường

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo đó, trong tháng 10 tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận 18 lượt hồ sơ dự án đầu tư (gồm 13 hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, 05 hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư). Dự thảo chấp thuận chủ trương đầu tư 04 dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư 06 dự án, ban hành quyết định dừng hoạt động, chấm dứt hoạt động 02 dự án đầu tư.  Về hoạt động xúc tiến đầu tư tại các khu công nghiệp, tiếp nhận, thực hiện cấp mới 01 dự án đầu tư với vốn đăng ký 42 tỷ đồng; điều chỉnh 03 dự án, trong đó điều chỉnh tăng vốn đăng ký thêm 13,3 tỷ đối với 01 dự án. Lũy kế từ đầu năm đến thời điểm báo cáo, cấp mới 03 dự án với tổng vốn đăng ký là 69,5 tỷ đồng; điều chỉnh 17 dự án, trong đó 03 dự án tăng vốn đăng ký là 89,92 tỷ đồng; chấm dứt hoạt động 01 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký 0,4 triệu USD. Tính đến nay, tổng số dự án đầu tư vào các KCN của tỉnh là 108 dự án, trong đó 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 519,33 triệu USD và 83 dự án đầu tư trong nước, tổng số vốn đăng ký 15.927,69 tỷ đồng.

Về phát triển doanh nghiệp, trong tháng 10 đã thành lập mới 41 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 926,7 tỷ đồng và 30 đơn vị trực thuộc; 25 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; 04 doanh nghiệp hoạt động trở lại; 26 doanh nghiệp xoá tên trên Hệ thống ĐKDN quốc gia.

Từ nay đến cuối năm 2023, tỉnh tập trung quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư; thực hiện cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, tăng cường chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Triển khai thực hiện hiệu quả Bộ chỉ số DDCI để đánh giá năng lực của chính quyền cấp huyện và các sở, ngành của tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể sang loại hình doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện công tác quảng bá, cung cấp thông tin, thu hút đầu tư vào tỉnh. Định kỳ đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh như Dự án Khu đô thị sinh thái và Quần thể khu vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ, Dự án Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp Đồi Thung, Dự án Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Hồ Khả....; rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, không triển khai, dự án có dấu hiệu giữ đất, chờ cơ hội để chuyển nhượng, dự án vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư.

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung phát triển kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Khẩn trương hoàn thành việc lập, phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 các Khu công nghiệp Lạc Thịnh, Yên Quang, Bình Phú, Thanh Hà, Nhuận Trạch; Đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng triển khai hoàn thành các thủ tục để đủ điều kiện khởi công dự án Khu công nghiệp Nhuận Trạch trong năm 2023; quan tâm, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp đã có vốn, đang hoạt động, khắc phục tình trạng chậm giải phóng mặt bằng để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ngành điện; tiếp tục nâng cao chất lượng lưới điện, điều hành cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân./.

Đức Phượng – VPĐD Hòa Bình