Hòa Bình: Bãi rác thải nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước Nhà máy nước sạch Sông Đà

10:41 05/06/2021

Hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt được thu gom từ nội thị thành phố Hòa Bình, do Công ty CP Môi trường Đô thị (MTĐT) Hòa Bình “gửi tạm” tại một khu đất trên đỉnh dốc Bụt, thuộc xóm Văn Minh, xã Quang Tiến, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

   Mùa mưa, nước rỉ rác từ bãi rác này sẽ là nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước Nhà máy nước sạch Sông Đà.

“Núi” rác thải sinh hoạt trên đỉnh dốc Bụt, nguy cơ đe dọa nguồn nước Nhà máy nước sạch Sông Đà.

 Do được quây kín bằng hàng rào tôn nên người đi trên đường không biết bên trong là bãi rác. 

Đã hơn 3 tháng nay, những hộ gia đình sống dưới chân dốc Bụt phải hứng chịu không khí ô nhiễm nặng nề từ khu tập kết rác thải sinh hoạt trên đỉnh dốc Bụt. Người dân phải dùng bạt, vải mưa che kín cửa sổ, bữa cơm phải tay bưng bát cơm, tay cầm cành là đuổi ruồi…

Bà Đinh Thị Long, xóm Văn Minh, bức xúc nói: Mới đầu thấy họ (Cty MTĐT) chuyển tấm tôn về quây kín cả mấy nghìn m2 đất trên đỉnh dốc Bụt, tưởng rằng họ xây dựng công trình. Nhưng mấy hôm sau, cứ buổi tối là mấy chiếc ô tô nối đuôi nhau chuyển rác về đổ vào bãi đất. Cứ sau một đêm, đống rác lại cao lên ngồn ngộn, mùi thối bốc lên nồng nặc không thể thở nổi. Quá bức xúc, mấy gia đình chúng tôi ở dưới chân dốc Bụt kéo lên chặn xe không cho vào đổ rác.

Bà Long chỉ ra sau nhà, nói: “Người dân chúng tôi thì chịu mùi hôi thối, mấy ngày nữa vào mùa mưa, nước rỉ rác từ mấy đống rác trên đỉnh dốc dồn xuống suối đổ về hồ Đồng Bài, thì Nhà máy nước sạch Sông Đà…hết nước sạch”. 

 Chưa mưa. Nhưng nước rỉ rác đã chảy đen kịt rãnh nước xung quanh bãi rác. Và, nước rỉ rác này xẽ đổ xuống suối chảy vào hồ tích nước Nhà máy nước sạch Sông Đà.  

Được biết, dưới chân dốc Bụt là dòng suối Cái bắt nguồn từ dãy Vân Nam chảy qua khu dân cư xóm Chằm Cun (nay là xóm Văn Minh) rồi đổ vào hồ Đồng Bài (hồ tích nước Nhà máy nước sạch Sông Đà). Đoạn suối từ chân dốc Bụt về đến hồ Đồng Bài chưa đến 2 km, mùa mưa nước con suối Cái rất lớn, đây cũng là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân xóm Chằm Cun. Từ khi có Nhà máy nước sạch Sông Đà, để đảm bảo nguồn nước sạch cho nhà máy, nhân dân trong xóm không làm trang trại chăn nuôi gia súc gần suối, công trình vệ sinh đảm bảo đúng quy cách. Vậy mà Công ty môi trường lại đem rác về đổ lên đầu nguồn nước.  

Ông Đinh Văn Hưng, Trưởng xóm Văn Minh cho biết: Nhân dân trong xóm rất có ý thức, dù mình không sử dụng nước Nnà máy, nhưng phải bảo vệ nguồn nước sạch cho hàng chục nghìn hộ dân ở Hà Nội. Không hiểu vì sao Công ty MTĐT Hòa Bình lại đem rác thải về đây đổ trên nguồn nước vào Nhà máy. Ông Hưng thẳng thắn chia sẻ: Lúc đầu đại diện Công ty nói với tôi (ông Hưng) là công ty đã xin phép lãnh đạo xã và cũng chỉ để tạm một tháng là chuyển đi ngay, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con quanh khu vực. Ông Trưởng xóm Văn Minh cười, nói tiếp: Nói một tháng, bây giờ đã hơn ba tháng rồi, biết mấy chục cái một tháng nữa. Bà con kêu lắm. 

Nói về ảnh hưởng môi trường nguồn nước Nhà máy nước sạch Sông Đàm, ông Đinh Văn Hưng khẳng định, đó là điều tất nhiên sẽ xảy ra. Vì, bãi rác ở trên đỉnh dốc, hai bên là núi, giữa là đường khác gì cái phễu hứng trọn nước rỉ bãi rác đổ xuống suối. Được biết, lãnh đạo Nhà máy nước sạch Sông Đà đã có kiến nghị gửi các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Công ty MTĐT Hòa Bình sớm chuyển bãi rác đi nơi khác. Kiến nghị là thế, nhưng bao giờ Công ty CP MTĐT Hòa Bình mới chuyển mấy chục nghìn tấn rác này đi nơi khác?.

Qua tìm hiểu, được biết, khu tập kết rác trên đỉnh dốc Bụt chỉ là ¼ khu tập kết rác “tạm” của Công ty CP MTĐT Hòa Bình trên địa bàn thành phố. Và tại những khu tập kết rác, đã đang gây bức xúc cho người dân vì ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan đô thị.

Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập sẽ thông tin tiếp đến bạn đọc tình trạng tồn đọng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hòa Bình.

 Hồng Bài