Hậu Giang: Nông dân phá thế độc canh cây lúa và mạnh dạn chuyển đổi trồng rau ăn lá với kỹ thuật tiên tiến

13:14 24/05/2021

Cùng với việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật, xây dựng nhà lưới, tập huấn những kỹ thuật tiên tiến, tháo gỡ khó khăn trong canh tác cho người dân, nhiều địa phương tỉnh Hậu Giang đã thay đổi bộ mặt nông thôn bằng những luống rau sạch, xanh, đúng tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Cũng như nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều năm gần đây, thị xã Long Mỹ đã đầu tư, hỗ trợ nâng cao chất lượng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, với mong muốn giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản. 

Nhờ được ngành nông nghiệp địa phương đầu tư nhà lưới, hỗ trợ kỹ thuật bài bản mà nhiều nông dân trồng rau ở ấp 7, xã Long Trị A, khấm khá.
Nhờ được ngành nông nghiệp địa phương đầu tư nhà lưới, hỗ trợ kỹ thuật bài bản mà nhiều nông dân trồng rau ở ấp 7, xã Long Trị A, khấm khá. 

Giờ đây, khi đến ấp 7, xã Long Trị A, đi đâu cũng thấy người dân canh tác rau màu rất bài bản, đẹp mắt. Từng luống rau được chăm sóc kỹ lưỡng và bảo vệ trong nhà lưới sạch sẽ, an toàn. Ông Trần Văn Ký, Tổ trưởng Tổ trồng rau ở ấp 7, nhớ lại: “Hồi đó, khi chưa thành lập tổ trồng rau ăn lá thì đã có gần chục hộ làm mô hình rau nhưng chỉ tự phát, vụ trúng vụ thất. Từ khi thành lập được tổ trồng rau an toàn thì ấp đã thu hút được 15 thành viên tham gia, với diện tích trồng nâng lên 2,65ha, mỗi hộ ít nhất là 500m2. Ai cũng canh tác bài bản, hiệu quả hơn nhờ được Phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp với số tiền 50% chi phí đầu tư nhà lưới trồng rau. Nhờ vậy mà mỗi tháng, tổ cung ứng cho thị trường hơn 2 tấn rau ăn lá các loại. Riêng doanh thu năm 2020 là gần 2,7 tỉ đồng. Mỗi thành viên cũng được chia lợi nhuận gần 90 triệu đồng/công”.

Ông Ký cho biết, là nhờ được hỗ trợ nhà lưới nên rau ít bị dập lá, hạn chế được sâu, bệnh, giảm phun thuốc, ít chi phí và tăng hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, nguồn thu của bà con được tăng lên rất nhiều so với trước kia.

Hiệu quả tích cực nhất phải kể đến hộ ông Nguyễn Văn Tuấn, cùng ở ấp 7, là hộ tàn tật nhưng vẫn giúp gia đình làm giàu nhờ mô hình rau an toàn. Theo lời kể, ông Tuấn khởi nghiệp từ 6 công đất ruộng của cha mẹ cho nhưng làm lúa mãi không khá. Thế là ông cùng người dân ấp 7 đổi mới cách thức làm ăn, phá thế độc canh cây lúa và mạnh dạn chuyển đổi 400m2 để trồng rau ăn lá. Bên cạnh đó, năm 2017 ông Tuấn được Phòng Kinh tế thị xã hỗ trợ xây dựng nhà lưới để trồng rau. Ông đã canh tác rau bằng cách trồng gối vụ xen canh giữa các loại rau muống, cải xanh, cải ngọt, xà lách, cải thìa, tần ô… nên nguồn thu hoạch không bị gián đoạn. Mỗi ngày, ông thu hái được từ 75- 80kg rau với giá bán 8.000 đồng/kg. Bình quân mỗi đợt trồng rau, ông thu được 3- 4 triệu đồng, mỗi năm thu nhập trên 160 triệu đồng. Nhờ đó đến nay, ông đã mở rộng quy mô trồng rau lên được 1.500m2. Việc chuyển đổi canh tác hiệu quả giúp gia đình ông Tuấn vươn lên khấm khá, từ hộ khó khăn trở nên có của ăn của để. Các con ông cũng đã được học hành đàng hoàng.

Ông Nguyễn Văn Thống, Phó phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho biết: Xác định phát triển kinh tế phải dựa trên đặc thù thổ nhưỡng từng nơi nên ngành nông nghiệp cũng như địa phương đã tập trung hỗ trợ bà con nâng cao chất lượng nông sản. Từ năm 2017 đơn vị đã tập hợp được những hộ trồng rau nơi đây để thành lập tổ sản xuất rau ăn lá. Khi vào tổ, các thành viên có dịp gặp gỡ thông qua các buổi sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm. Ngoài ra, ngành nông nghiệp địa phương cũng có cơ hội tập huấn những kỹ thuật tiên tiến, tháo gỡ khó khăn trong canh tác cho người dân. Cùng với đó, chúng tôi sử dụng kinh phí sự nghiệp giúp bà con canh tác hiệu quả trong nhà lưới. Mỗi hộ được hỗ trợ từ 12-15 triệu đồng/mô hình 600m2. Được đầu tư khung nhà lưới, lưới bao và hệ thống tưới tự động nên tổ trồng rau ăn lá cũng đã nâng lên một bước, trở thành tổ sản xuất rau an toàn, doanh thu mỗi năm trên 2 tỉ đồng.

Cũng nhờ quá trình sản xuất rau đảm bảo an toàn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nên đầu ra luôn ổn định. Trong định hướng xây dựng điểm bán rau sạch, an toàn, vừa qua, Phòng Kinh tế thị xã đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hậu Giang tiến hành lấy mẫu đất, nước ở các hộ trồng rau, hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Mới đây, Công ty TNHH Công nghệ Nho Nho cũng đã đến từng hộ dân ở tổ trồng rau lấy mẫu đất, nước… kiểm định, thực hiện những thủ tục cần thiết để công nhận VietGAP cho sản phẩm rau của bà con.

Ông Nguyễn Văn Thống cho biết thêm: Không chỉ có rau ăn lá an toàn mà năm qua thị xã Long Mỹ cũng đã thành lập được Hợp tác xã Nông sản an toàn Long Trị A. Hợp tác xã là tập hợp tất cả 23 thành viên của Tổ trồng rau ăn lá, Tổ trồng dưa hấu không hạt và Tổ nuôi lươn ở ấp 7. Các thành viên đều sản xuất theo chuẩn an toàn. Hiện cả 2 mô hình rau và dưa hấu đều đang thực hiện theo chuẩn VietGAP, đang thực hiện hồ sơ để được công nhận. Với cách làm này, chúng tôi chắc chắn rằng người dân sẽ làm giàu bền vững bằng mô hình nông nghiệp trên chính mảnh đất nhà mình. Đồng thời, ngành chức năng thị xã cũng sẽ phối hợp với các siêu thị và hệ thống bách hóa xanh trên địa bàn tỉnh tham gia hợp tác cùng hợp tác xã, tiến tới bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định và thu nhập cao cho người trồng rau an toàn.

Theo Báo Hậu Giang