Hàng nghìn dự án chậm tiến độ, hàng trăm dự án vi phạm thủ tục đầu tư

14:35 31/10/2022

Theo Đoàn Giám sát Quốc hội, có hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, thậm chí điều chỉnh nhiều lần. Tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Hàng trăm dự án vi phạm thủ tục đầu tư.

Trong phiên giám sát tối cao của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” diễn ra ngày 31/10, Đoàn Giám sát Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.

Theo Đoàn Giám sát, luôn tồn tại hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án, trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh Quochoi.vn.

Cùng với đó là hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Hàng trăm dự án vi phạm thủ tục đầu tư.

Hàng loạt dự án có thất thoát, lãng phí, cụ thể như trong năm 2016 là 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án. Liên quan đến các dự án, đã có nhiều trường hợp phải xử lý hình sự, đã xét xử.

Việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả, sử dụng sai mục đích, lãng phí. Sắp xếp chậm, chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài nhiều năm. Nhiều nhà, căn hộ tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng. 

Hình ảnh tại phiên giám sát. Ảnh Quochoi.vn
Hình ảnh tại phiên giám sát. Ảnh Quochoi.vn.

Cụ thể, Hà Nội vẫn còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà, 489 căn hộ chưa có phương án bố trí. TP HCM cũng có hàng ngàn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang, thưa thớt người ở, 1.274 căn hộ và 1.303 nền đất dùng làm quỹ dự phòng, có gần 5.000 căn hộ và nền đất đang làm thủ tục bán đấu giá.

Hàng nghìn dự án thuộc đối tượng nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, nhưng chưa quan tâm xử lý, thu hồi.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của 61/63 tỉnh, thành phố, tính đến ngày 31/12/2021, có 908 dự án có khó khăn, vướng mắc với diện tích là 28.155 ha chậm hoặc chưa đưa đất vào sử dụng, nhưng mới xử lý thu hồi đất và chấm dứt hoạt động 172 dự án với diện tích là 6.922 ha, chưa xử lý 404 dự án với diện tích là 18.308 ha.

Linh Anh (t/h)