Hải quan đẩy mạnh thực hiện cải cách góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội

17:46 23/02/2022

Để triển khai hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị quán triệt và quyết liệt, nhất quán thực hiện đa mục tiêu trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

 Chủ động ứng phó với dịch bệnh

Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong toàn Ngành là không chủ quan với dịch bệnh, từ những kinh nghiệm đã có, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh; tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã đề ra.

Tổng cục Hải quan giao các đơn vị thuộc và trực thuộc ngay sau kỳ nghỉ Tết, phải bắt tay ngay vào công việc để thúc đẩy mạnh mẽ và từng bước nhanh chóng mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo khí thế phấn khởi ngay từ đầu năm để phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chi tiêu đề ra của năm 2022.

Với các nhiệm vụ chuyên môn, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tập trung kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, ưu tiên sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ, còn vướng mắc, bất cập đã được rà soát, phát hiện; không để xảy ra khoảng trống pháp luật khi triển khai các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Tăng cường đối thoại, tham vấn, tiếp thu ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp để tháo gỡ ngay các vướng mắc về thể chế, các rào cản trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật nhằm cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh.

Các cán bộ, công chức, viên chức chủ động, tập trung xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán.

Tăng cường đối thoại, tháo gỡ vướng mắc về thể chế

Trong các nhiệm vụ cần triển khai, Tổng cục Hải quan cũng xác định sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tăng cường theo dõi, triển khai đảm bảo thời gian, tiến độ, chất lượng và hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là đối với các đề án theo Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nội dung báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2022 và các nhiệm vụ liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp....; chủ động, thường xuyên đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị được giao chủ trì, xử lý; kịp thời báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hải quan, trong đó tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 384/CT-TCHQ ngày 8/2/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về đẩy mạnh cải cách hành chính đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ năm 2022.

Ngoài các nhiệm vụ chung, Tổng cục Hải quan cũng giao các nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục. Chẳng hạn, Cục Thuế xuất nhập khẩu chủ động phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan giúp Bộ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Cục Giám sát quản lý về Hải quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất Tổng cục tham mưu cho Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là vào các thị trường truyền thống, các thị trường đối tác ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, cập nhật, bảo đảm tiến độ thông quan hàng hóa qua biên giới, nhất là hàng nông sản; bám sát và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, lưu thông hàng hóa qua cửa khấu biên giới phía Bắc.

PV (t.h).