Lưu ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Thụy Điển về thủ tục hải quan

10:17 30/12/2021

Thụy Điển - 1 trong các thị trường đáng chú ý ở Bắc Âu - nổi tiếng là 1 quốc gia khó tính về luật pháp và kiểm soát hàng hóa nhập khẩu đặc biệt về thủ tục hải quan.

1 cảng xuất nhập khẩu tại Thụy Điển

1 cảng xuất nhập khẩu tại Thụy Điển. (Ảnh: APM Terminals)

Cụ thể, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Thụy Điển phải làm các thủ tục hải quan. Thủ tục hải quan thông thường là thủ tục mà theo đó hàng hoá được trả khi hoàn tất khai báo nhập khẩu đi kèm với các chứng từ liên quan và nộp đầy đủ thuế và các nghĩa vụ hải quan khác cho cơ quan hải quan. Thủ tục hải quan đơn giản là thủ tục mà theo đó cơ quan hải quan nơi tiến hành nhập khẩu chấp thuận cho nhà nhập khẩu chỉ cần hoàn tất các chứng từ liên quan, còn thuế có thể được nợ và nhà nhập khẩu chỉ cần ghi nợ khoản thuế này với cơ quan hải quan.

Tờ khai hải quan phải do người nhập khẩu hoặc người được uỷ quyền nộp cho cơ quan hải quan. Tuy nhiên, người nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo hải quan là chính xác.

Khai báo hải quan qua Internet: Đây là một phương thức chuyển tải tờ khai xuất nhập khẩu đến cơ quan hải quan một cách nhanh gọn và hiệu quả. Toàn bộ quá trình khai tờ khai hải quan tại Thụy Điển qua Internet đều miễn phí. Người nhập khẩu chỉ cần nhập các mục cần thiết trong mẫu tờ khai điện tử, sau đó chuyển đến hệ thống máy tính của Hải quan Thụy Điển qua Internet. Những thông tin khai báo điện tử được hợp thức hoá nhờ việc sử dụng chữ ký điện tử.

Khai báo hải quan trên giấy tờ: Người nhập khẩu sau khi khai đầy đủ các thông tin trên tờ khai (trên văn bản giấy) sẽ nộp tờ khai này cho cơ quan hải quan. Nhân viên hải quan sẽ nhập các thông tin trên tờ khai vào hệ thống máy tính của Hải quan Thụy Điển. Người nhập khẩu sẽ phải trả một khoản lệ phí cho việc khai báo này. (Nếu khai và nộp tờ khai hải quan ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ sẽ phải trả một khoảng lệ phí khoảng 5 USD).

Các chứng từ cơ bản cần có khi khai hải quan, bao gồm:

- Hoá đơn thương mại: Cần ghi rõ chính xác các thông tin của người nhập khẩu, người xuất khẩu, ngày xuất hoá đơn, số hoá đơn, miêu tả hàng hoá, đơn vị đo lường, số lượng, đơn giá, tổng giá, phương thức thanh toán, giao hàng, phương tiện vận chuyển;

- Tờ khai hải quan: Áp dụng cho các lô hàng có giá trị hơn 20.000 Euro. Tờ khai hải quan phải kèm theo mẫu Văn bản hành chính đơn (SAD);

- Chứng từ vận chuyển: Tuỳ vào loại phương tiện vận chuyển hàng hoá mà vận đơn và chứng từ tương ứng được yêu cầu xuất trình;

- Giấy chứng nhận bảo hiểm hàng hoá: Chỉ phải xuất trình nếu thông tin về phí bảo hiểm không được thể hiện trong hoá đơn thương mại;

- Phiếu đóng gói: Là một chứng từ thương mại kèm theo hóa đơn thương mại và chứng từ vận tải, cung cấp thông tin về mặt hàng nhập khẩu và chi tiết đóng gói của từng lô hàng. Các thông tin cơ bản cần có là thông tin người nhập khẩu, người xuất khẩu, công ty vận tải, ngày cấp, số hoá đơn vận chuyển, loại bao bì, số lượng gói, nội dung gói hàng, dấu và số, trọng lượng tịnh, trọng lượng tổng, đơn vị đo lường;

- Giấy chứng nhận xuất xứ: Đối với một số mặt hàng cần có giấy chứng nhận xuất xứ. Hàng hoá được hưởng GSP phải có giấy chứng nhận xuất xứ mẫu A (C/O form A);

- Giấy phép nhập khẩu: Đối với một số hàng hoá nhất định như nông sản, sắt, thép, nhôm, vũ khí, hoá chất, dược phẩm;

- Giấy chứng nhận kiểm dịch: Đối với hàng hoá có nguồn gốc động vật, thực vật do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp;

- Chứng từ nhập khẩu: Đối với hàng phi nông sản;

- Và một số chứng từ, tài liệu khác tuỳ thuộc vào loại hàng hoá nhập khẩu hoặc các ưu đãi được hưởng. 

Bảo Trinh