Hải Phòng: Sắp diễn ra Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024

14:05 13/03/2024

Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024 sẽ được tổ chức trong 03 ngày: 16, 17, 18 tháng 3 năm 2024 (tức ngày 07, 08, 09 tháng 02 năm Giáp Thìn) tại Đền Nghè, Đình An Biên và Quảng trường tượng đài Nữ tướng Lê Chân.

Tượng đài Nữ tướng Lê Chân. Nguồn: Internet
Tượng đài Nữ tướng Lê Chân. Nguồn: Internet.

Lễ hội được tổ chức hằng năm, nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc và truyền thống ‘‘Uống nước nhớ nguồn”; tri ân công đức to lớn của Nữ tướng Lê Chân - người có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa - thành phố Hải Phòng ngày nay. Đồng thời tiếp tục phát huy giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân, Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia Đền Nghè, Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Đình An Biên. Thông qua hoạt động lễ hội tiếp tục tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội, các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn thành phố nói chung, quận Lê Chân nói riêng đến với du khách trong và ngoài thành phố.

Theo kế hoạch, từ ngày mùng 7 tháng 2 âm lịch, tại các di tích thờ Thánh mẫu, Ban tổ chức lễ hội làm lễ Cáo Yết, báo cáo Thánh mẫu công tác chuẩn bị đã hoàn tất và xin phép Thánh mẫu cho phép được khai hội. Một điều đặc biệt là lễ vật dâng Thánh mẫu vẫn được thực hiện theo nghi thức truyền thống, từ ông lợn, đến cua bể, bún, bánh đúc và hiện nay thì lễ vật có phần phong phú hơn có đầy đủ đồ hải sản dâng Thánh như tôm, cá, sò biển, ốc biển,…

Đến sáng ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch, ngay từ sáng sớm các hoạt động tế, lễ, dâng hương tưởng nhớ và tri ân công đức Nữ tướng được diễn ra tại di tích Đền Nghè và Đình An Biên. Đây là phần nghi lễ thu hút được sự quan tâm, nhiệt tình tham gia của nhiều đội tế trên địa bàn quận và các đội tế của các tỉnh thành lân cận như đội tế Nữ quan Lê Chân, đội tế nữ quan Hồng Bàng, đội tế đến từ các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh,…

Sau nghi lễ tế là lễ rước với hai đoàn rước: Đoàn rước 1, là đoàn rước của 7 phường (Vĩnh Niệm, Trại Cau, Dư Hàng Kênh, Dư Hàng, Hàng Kênh, An Dương, Lam Sơn) và các đoàn dâng lễ xuất phát từ Đền Nghè đến Tượng đài Nữ tướng, số lượng người tham gia từ 500 đến 550 người, mang mặc lễ phục truyền thống. Đoàn rước 2, là đoàn rước của 8 phường (Đông Hải, Trần Nguyên Hãn, Kênh Dương, Niệm Nghĩa, Cát Dài, Nghĩa Xá, Hồ Nam, An Biên) xuất phát từ đình An Biên theo lộ trình từ đường Hai Bà Trưng qua Cát Cụt, Nguyễn Đức Cảnh và đến tượng đài Nữ tướng Lê Chân, số lượng người tham gia đoàn rước từ 450 – 500 người.

Tiếp theo sau là các đoàn rước bát biểu chấp kích mặc áo nâu màu vàng, phường đồng văn và đoàn tế. Kế đến là kiệu hoa, lọng che, Long Đình, Kiệu Bát cống, và cuối cùng là các đoàn tế, các phường, các bô lão và nhân dân,…Lễ rước được diễn ra trong không khí trang nghiêm nhưng cũng đầy sự vui tươi phấn khởi, nhiều người dân có cơ hội được hòa mình vào sự náo nhiệt của đoàn rước, được chiêm bái anh linh và thưởng thức những giá trị văn hóa tinh thần của quê hương. Bên cạnh những nghi lễ trang nghiêm, vào những ngày diễn ra lễ hội, tại dải trung tâm, Đền Nghè, Đình An Biên còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian độc đáo, hấp dẫn như: Chợ quê, biểu diễn pháo đất, võ dân tộc, hát xẩm, hát chèo, hát văn,…

Để đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, UBND quận đã thành lập tiểu ban đảm bảo an ninh trật tự lễ hội. Tiểu ban đảm bảo an ninh trật tự Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân đã xây dựng kế hoạch, đảm bảo an ninh trật tự trong các ngày diễn ra lễ hội, lên phương án tổ chức bảo vệ đoàn rước, xử lý nghiêm các hành vi gây rối trật tự công cộng, có phương án đảm bảo giao thông không bị ùn tắc trong khu vực diễn ra lễ hội.

Đồng thời, Tiểu ban đảm bảo an ninh trật tự lễ hội đã xây dựng phương án PCCC, ứng trực 24/24h về người và phương tiện trong các ngày tổ chức lễ hội; kiểm tra chất lượng hàng hóa, xử lý vi phạm bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, các đồ chơi bạo lực, chất cháy nổ trong khu vực tổ chức lễ hội…

Nam Trí Đức