Hà Tĩnh tăng cường công tác quản lý thị trường giữa đại dịch Covid-19

22:50 10/05/2021

Ngay sau khi có thông tin về các ca tái nhiễm cộng đồng trên địa bàn, Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đội QLTT triển khai nắm bắt tình hình giá cả thị trường, lương thực, thực phẩm, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn trên địa bàn.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong 5 tháng đầu năm nay, Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra, xử lý trên 50 vụ vi phạm nhãn mác, phạt thu nộp trên 200 triệu đồng. Cụ thể mới đây, chiều ngày 5/5, đội QLTT số 5 đã tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh hàng Thái của bà Đào Thị Thanh tại tổ dân phố 6, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn. Qua kiểm tra, phát hiện tại cửa hàng đang bày bán một số quạt điện hơi nước nhãn hiệu Misushita do Thái Lan sản xuất, số hàng này có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng Thái Lan nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định. Đội QLTT số 5 đã lập hồ sơ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. 

Hà Tĩnh tăng cường công tác quản lý thị trường giữa đại dịch Covid-19
Hà Tĩnh tăng cường công tác quản lý thị trường giữa đại dịch Covid-19.

Gần đây nhất là rạng sáng ngày 4/5, đội QLTT số 6 bắt giữ xe tải vận chuyển số lượng lớn khí cười không rõ nguồn gốc, xuất xứ vận chuyển qua địa bàn. Cụ thể, xe ô tô tải mang biển kiểm soát 17C 131.81, do ông Mai Xuân Uý, trú tại Đông La, huyện Đông Hưng (Thái Bình) chạy từ hướng Bắc vào Nam. Qua kiểm tra, phát hiện trên xe vận chuyển trên 110 bình khí N­2O (khí cười - theo khai nhận của lái xe), loại từ 15-18kg/bình. Toàn bộ hàng hoá không có hoá đơn chứng từ, không có nhãn mác chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Bên cạnh đó, nhiều vụ kiểm tra, xử lý nhiều cơ sở kinh doanh thiết bị điện, điện tử vi phạm trên địa bàn cũng được lực lượng kiểm tra, rà soát. Trong đợt kiểm tra vừa rồi, đoàn đã tổ chức ký cam kết với 12 cơ sở kinh doanh và tiến hành xử phạt 4 cơ sở kinh doanh vi phạm về nhãn, hàng hóa không có dấu hợp quy… với số tiền hơn 35 triệu đồng.

Ngay sau khi có thông tin về các ca tái nhiễm cộng đồng trên địa bàn, Cục QLTT đã chỉ đạo các đội QLTT triển khai nắm bắt tình hình giá cả thị trường, lương thực, thực phẩm, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn trên địa bàn. Cùng với đó, lực lượng QLTT đã chủ động vào cuộc xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom, tích trữ hoặc lợi dụng dịch bệnh để nâng giá, ép giá bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế như khẩu trang, các loại nước sát trùng, dung dịch nước rửa tay… khi có sự biến động lớn về cung cầu hàng hóa gây xáo trộn tình hình thị trường trên địa bàn, đặc biệt là những khu vực có bệnh nhân Covid-19.

Ngọc Tình