Chăn nuôi tại Hà Tĩnh gặp khó khăn do thời tiết cực đoan kéo dài

17:55 11/07/2023

Thời tiết cực đoan xảy ra nhiều năm nay trên địa bàn Hà Tĩnh do biến đổi khí hậu như nắng nóng kéo dài, mức nhiệt cao hay rét đậm, rét hại, lũ lụt… đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất kinh doanh của người dân, nhất là ngành chăn nuôi địa phương.

Thời gian qua, ngành chăn nuôi Hà Tĩnh đã có những tăng trưởng nhất định. Tính đến năm 2023, Hà Tĩnh có 234 trang trại chăn nuôi quy mô lớn và vừa, trong đó, 221 trang trại chăn nuôi lợn, 10 trang trại chăn nuôi gia cầm và 3 trang trại chăn nuôi bò.

Quạt gió gặp sự cố cùng với thời tiết nắng nóng đã khiến gần 8.000 con gà của một trang trại huyện Can Lộc bị chết
Quạt gió gặp sự cố cùng với thời tiết nắng nóng đã khiến gần 8.000 con gà của một trang trại huyện Can Lộc bị chết.

Trước tình hình biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ đến ngành chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh làm giảm sức đề kháng và là điều kiện thuận lợi để nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi phát triển, lây lan.Các loại hình thời tiết cực đoan: Rét đậm, rét hại, lũ lụt, nắng nóng kéo dài… xuất hiện thường xuyên, liên tục với cường độ dày hơn, mức độ thiệt hại cao hơn và gây ra những thiệt hại nặng nề trong quá trình chăn nuôi của người dân.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, hằng năm, tỉnh Hà Tĩnh bị thiệt hại do thiên tai bình quân từ 50 đến 200 tỷ đồng. Trong 3 năm gần đây, diễn biến thời tiết phức tạp đã gây thiệt hại trên hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm các loại; Hàng chục ao cá, hồ nuôi tôm bị thiệt hại. Cùng với đó là hàng nghìn ha lúa và hoa màu cũng bị ảnh hưởng, gây thiệt hại về tài sản và kinh tế của người dân.

Mới đây nhất, một trang trại tại xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) gặp sự cố quạt gió cùng với thời tiết nắng nóng đã làm chết gần 8.000 con gà. Sự việc sau đó đã được người dân chung tay giải cứu, tuy nhiên cũng là sự việc báo động để người chăn nuôi cẩn trọng hơn.

Trước tình hình đó, các hộ chăn nuôi tại Hà Tĩnh đã chủ động thực hiện các biện pháp thích ứng, giảm thiệt hại về kinh tế và các nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Nhiều biện pháp được người chăn nuôi thực hiện trong thời tiết nắng nóng như lắp thêm quạt điện công suất lớn để tạo không khí thoáng mát, giảm phát sinh khí độc sinh ra từ chất thải vật nuôi. Tăng cường lưới che và rải thêm lớp rơm phía trên, thường xuyên tưới nước làm mát mái chuồng… Đồng thời bổ sung các chất điện giải, vitamin C, men tiêu hóa để giúp vật nuôi tăng sức đề kháng cũng như hấp thu thức ăn được tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian qua, tình hình chăn nuôi trên địa bàn bị ảnh hưởng rất lớn bởi biến đổi khí hậu. Để chủ động ứng phó, ngành Nông nghiệp đã đề ra một số giải pháp thích ứng nhằm chủ động duy trì và phát triển chăn nuôi như nghiên cứu và thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp, đặc điểm sinh thái tại địa phương, tận dụng các cơ hội để phát triển chăn nuôi bền vững. Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi trước ảnh hưởng của thời tiết”.

Tâm Đan