Hà Tĩnh: Lộc Hà phát huy lợi thế, khai thác thuỷ hải sản hiệu quả

18:13 18/07/2023

Với nhiều tiềm năng lợi thế vùng cửa biển, người dân huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã và đang tận dụng tối đa, tổ chức khai thác, sản xuất thủy hải sản hiệu quả, an toàn.

Vùng biển cửa Lộc Hà có chiều dài 12km đi qua nhiều xã, thị trấn, lại nằm ở vùng hạ du sông Nghèn. Đây là vùng biển có nhiều lợi thế về đánh bắt như nguồn lợi thủy sản lớn, nhiều loài có giá trị, cùng với đó là đội tàu thuyền khá nhiều, ngư dân có kinh nghiệm... Vì vậy, đây là một trong những vùng đánh bắt thủy sản trọng điểm của Hà Tĩnh với sản lượng không ngừng tăng.

Trong 6 tháng đầu năm, Lộc Hà đánh bắt được 2.739 tấn hải sản các loại
Trong 6 tháng đầu năm, Lộc Hà đánh bắt được 2.739 tấn hải sản các loại.

Lộc Hà hiện có 305 chiếc tàu đánh cá với tổng công suất gần 21.441CV, hoạt động từ vùng khơi, vùng lộng đến gần bờ. Hằng ngày, đội tàu này đều đặn hối hả ra biển để mang về những loại hải sản sản tươi ngon, chất lượng.

Trong 6 tháng đầu năm, Lộc Hà đánh bắt được 2.739 tấn hải sản các loại, cho giá trị khoảng 150 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2023 huyện phấn đấu đạt sản lượng trên 5.000 tấn, năm 2024 đạt 5.200 tấn và năm 2025 đạt 5.927 tấn...

Trong Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trên địa bàn huyện Lộc Hà giai đoạn 2022 – 2025, thời gian tới, Lộc Hà sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả cảng cá Cửa Sót và khu dịch vụ hậu cần để đẩy mạnh nghề khai thác. Hoạt động khai thác sẽ ưu tiên đánh bắt các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao; khuyến khích chuyển đổi nghề, ngư cụ, bảo vệ môi trường gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)...

Ngoài ra, huyện Lộc Hà cũng chỉ đạo, khuyến khích người dân mở rộng diện tích, quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng an toàn, công nghệ cao vùng mặn lợ. Năm nay, toàn huyện dự kiến nuôi 135 ha (nhiều hơn năm ngoái 10 ha), sản lượng ước đạt 435 tấn (tăng 150 tấn so với năm 2022) và phấn đấu đến năm 2025, sản lượng sẽ tăng gấp 3 năm nay. Hiện, có khoảng 60% diện tích nuôi thâm canh, gần 20% nuôi theo các mô hình công nghệ cao.

Bên cạnh việc phát triển nuôi trồng thuỷ, hải sản, nhiều năm trở lại nay, người nuôi trồng thủy sản Lộc Hà cũng đã chú trọng hơn đến công tác cải thiện môi trường, đổi mới phương thức nuôi, tìm kiếm nguồn giống chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ nhuyễn thể (chủ yếu là hến, hàu, vẹm xanh).

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV thì năm 2023, toàn huyện sẽ có 8.871 tấn hải sản (trong đó nuôi trồng 3.871 tấn), năm 2024 phấn đấu đạt 9.420 tấn (trong đó nuôi trồng đạt 4.220 tấn) và năm 2025 phấn đấu đạt 10.600 tấn (nuôi trồng đạt 4.647 tấn).

Để đạt được mục tiêu trên, ngoài duy trì khai thác thủy hải sản, huyện Lộc Hà đã xây dựng chính sách hỗ trợ nuôi trồng như: xây dựng mới mô hình nuôi tôm thâm canh trong bể xi măng hoặc bể tròn lót bạt với quy mô từ 200 m2 trở lên được hỗ trợ 50% giống, thiết bị (không quá 50 triệu đồng/cơ sở); 50% kinh phí mua giống tôm thẻ chân trắng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc nuôi thả lại sau khi chấp hành việc xử lý tiêu hủy ao nuôi bị các loại dịch bệnh nguy hiểm (50% giống, không quá 10 triệu đồng/hộ); các mô hình nuôi các đối tượng thủy sản khác (50% giống và thức ăn, không quá 30 triệu đồng/hộ); đào tào nâng cao năng lực khai thác, nuôi trồng thủy sản (30 triệu đồng/lớp)...

Tâm Đan