Hà Nội: Tỷ lệ đất dành cho giao thông thấp hơn 1 nửa so với quy hoạch

15:44 28/12/2023

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới hiện chỉ đạt khoảng 12,13%, thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu quy hoạch là 20-26%.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã diễn ra sáng ngày 28/12 với sự tham gia của ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội. Trong buổi họp, ông Tuấn chia sẻ rằng, mặc dù ngành GTVT Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua.

Theo ông Tuấn, tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới hiện chỉ đạt khoảng 12,13%, thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu quy hoạch là 20-26%. Tỉ lệ vận tải hành khách công cộng cũng mới đạt 19,5%, thấp hơn so với yêu cầu là 50-55%. Mặc dù ngân sách thành phố đã dành hơn 60% tổng ngân sách cho lĩnh vực GTVT, nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 25% so với tổng nhu cầu thực tế.

Tỷ lệ đất dành cho giao thông thấp hơn 1 nửa so với quy hoạch
Tỷ lệ đất dành cho giao thông thấp hơn 1 nửa so với quy hoạch.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh rằng tốc độ tăng trưởng diện tích đất dành cho giao thông chưa cao, đồng thời không thể thao kịp tốc độ gia tăng phương tiện (từ 4-5%/năm), dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp.

Hiện tại, Hà Nội đang phải đối mặt với 33 điểm ùn tắc giao thông, trong đó mới chỉ xử lý được 5 điểm và phát sinh thêm 1 điểm mới. Để giải quyết tình trạng ùn tắc, việc phát triển vận tải hành khách công cộng được xác định là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị được coi là chìa khóa quan trọng.

Theo quy hoạch hiện tại, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị, nhưng chỉ mới hoàn thành 13km và đang thi công 12,5km. Để hoàn thành 404,8km còn lại trong 12 năm tới (đến năm 2035), kinh phí cần bố trí là khoảng 37 tỷ USD.

Ông Tuấn đề xuất rằng để triển khai thực hiện mục tiêu một cách hiệu quả, Hà Nội sẽ tập trung vào việc hoàn thiện Luật Thủ đô, điều chỉnh tổng thể đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô, và quy hoạch thời kỳ 2021-2030 với tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, sẽ triển khai ngay việc điều chỉnh đồ án quy hoạch GTVT thủ đô để đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất giữa các quy hoạch, từ đó làm cơ sở cho việc định hình phát triển trong ngành.

PV (t/h)