Google sắp phải đối mặt với thách thức pháp lý lớn tại Mỹ

17:03 11/09/2023

Các quan chức của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nhấn mạnh quy mô và sức mạnh kiểm soát của Google đối với thị trường tìm kiếm và gọi đây là một hành vi độc quyền.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Wall Street Journal, Google sẽ phải đối mặt với thách thức pháp lý lớn tại Toà án Tối cao Mỹ vào ngày 12/9, sau khi công ty bác bỏ cáo buộc từ Chính phủ Mỹ rằng, họ đã vi phạm luật chống độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm.

Trước đó, AP đưa tin, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã đệ đơn kiện Google thuộc tập đoàn Alphabet với cáo buộc rằng, Google đã duy trì trái phép sự thống trị của mình trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến bằng cách ký kết hợp đồng độc quyền với các nhà sản xuất thiết bị, nhà khai thác di động và các công ty khác khiến các đối thủ không có cơ hội cạnh tranh.

Các quan chức của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nhấn mạnh quy mô và sức mạnh kiểm soát của Google đối với thị trường tìm kiếm và gọi đây là một hành vi độc quyền.

Thông qua các khoản thanh toán hàng tỷ đô la mỗi năm cho Apple, Samsung hoặc các nhà mạng như T-Mobile hay AT&T, Google đã đảm bảo trạng thái mặc định của công cụ tìm kiếm trên điện thoại và trình duyệt web, đồng thời được cho là đã đảm bảo sự thành công của mình trước bất lợi mà các đối thủ cạnh tranh vấp phải.

Các nạn nhân lớn nhất trong vụ án là các công cụ tìm kiếm đối thủ vẫn chưa giành được thị phần đáng kể so với Google, như Bing và DuckDuckGo.

Trong đơn khiếu nại về chống độc quyền, Chính phủ Mỹ nêu rõ: "Google đã sử dụng các biện pháp chống cạnh tranh, loại trừ và bất hợp pháp để triệt tiêu hoặc hạn chế bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự thống trị của họ về công nghệ quảng cáo kỹ thuật số".

Tám bang của Mỹ đã tham gia với Bộ Tư pháp trong vụ kiện này, bao gồm cả bang California, nơi Google được thành lập.

Phiên tòa lần này là vụ kiện chống độc quyền lớn nhất của Mỹ chống lại một công ty công nghệ lớn kể từ khi cơ quan này xử lý Microsoft hơn hai thập kỷ trước về sự thống trị của hệ điều hành Windows.

John Lopatka từ Trường Luật bang Pennsylvania cho biết: “Công nghệ đã tiến bộ rất nhiều trong 20 năm nên kết quả của vụ việc này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách các nền tảng công nghệ hoạt động trong tương lai”.

Google vẫn là công cụ tìm kiếm ưu việt trên thế giới, chiếm 90% thị trường ở Mỹ và trên toàn cầu, phần lớn trong số đó đến từ thiết bị điện thoại di động như iPhone và điện thoại chạy nền Android do Google sở hữu.

Để bảo vệ mình, Google cho rằng, thành công của mình là nhờ chất lượng vượt trội của công cụ tìm kiếm này với phần còn lại kể từ khi ra mắt vào năm 1998.

PGoogle đã phủ nhận mọi cáo buộc của DOJ đồng thời nhấn mạnh rằng, việc Google chiếm thị phần lớn trên thị trường tìm kiếm là do sự lựa chọn và tin tưởng của người dùng. "Mọi người sử dụng Google vì họ lựa chọn chứ không phải họ bị ép buộc hoặc vì họ không tìm được các giải pháp thay thế", đại diện Google nói thêm.

Google cho biết, người dùng hoàn toàn có thể chuyển sang các công cụ tìm kiếm khác như Bing của Microsoft hoặc Yahoo Search bất cứ lúc nào họ muốn. Đồng thời hãng nêu rõ, nếu chỉ nhìn vào thị phần tìm kiếm trên Internet để cáo buộc hãng độc quyền thị trường tìm kiếm và làm ảnh hưởng đến việc mua sắm của người dùng là không chính xác.

Phiên tòa sẽ do Thẩm phán Amit P Mehta chủ trì và quyết định, phán quyết của ông sẽ được đưa ra nhiều tháng sau khoảng ba tháng điều trần. Các chuyên gia cho rằng, rủi ro đối với Google là rất lớn nếu ông Mehta ủng hộ bất kỳ hoặc tất cả các lập luận của Chính phủ Mỹ.

Cho dù cuối cùng Mehta quyết định thế nào thì vụ kiện của Mỹ gần như chắc chắn sẽ bị cả hai bên kháng cáo, có khả năng kéo dài vụ kiện trong nhiều năm.

Trước đó, Bloomberg đưa tin, các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Google, Meta và Amazon đã chi 95 triệu USD cho cuộc vận động hành lang kể từ năm 2021, để chống lại Đạo luật trực tuyến về lựa chọn và đổi mới (AICO) đang được Quốc hội Mỹ đề xuất. Bởi nếu đạo luật này được thông qua có thể giúp chính quyền Mỹ kiểm soát chặt chẽ quyền lực của các công ty công nghệ lớn.

Phương Linh (T/h)