Google để mắt tới HubSpot như một thương vụ mua lại "khổng lồ"

10:28 10/04/2024

Theo các nhà phân tích, với thương vụ mua lại “khủng” này, Google có thể sẽ thống trị các ứng dụng doanh nghiệp và phân tích dữ liệu với công nghệ của HubSpot.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Các nguồn thạo tin cho hay, Alphabet, công ty mẹ của Google, đã trao đổi với các cố vấn về khả năng mua lại HubSpot, một công ty phần mềm tiếp thị trực tuyến có giá trị thị trường là 35 tỷ USD.

Theo các nguồn tin, Alphabet đã gặp các cố vấn từ ngân hàng đầu tư Morgan Stanley trong những ngày gần đây để xem xét đưa ra lời đề nghị mua lại cho HubSpot.

Các nguồn tin cho biết thêm, họ đang thảo luận xem nên đề nghị với giá bao nhiêu và liệu các cơ quan quản lý chống độc quyền có chấp nhận thương vụ hay không.

Và nếu đặt bút ký, đó có thể sẽ là thương vụ mua lại lớn nhất của Google kể từ năm 2011. Khi đó, gã khổng lồ công nghệ đã mua lại Motorola Mobility với giá 12,5 tỷ USD. HubSpot được IPO vào năm 2014, hiện có vốn hóa thị trường đạt 35 USD tỷ.

Nhiều khả năng Google sẽ thách thức Microsoft và Salesforce trong thị trường quản lý quan hệ khách hàng có trị giá lên tới 71 tỷ USD. Đáng chú ý, điều đó cũng có nghĩa là công ty cuối cùng trong số bốn công ty công nghệ tự động hóa tiếp thị lâu đời đều sẽ bị mua lại: Với Pardot được Salesforce mua lại, Marketo thuộc về Adobe và Eloqua trở thành một phần của Oracle.

Theo các nhà phân tích, với thương vụ mua lại “khủng” này, Google có thể sẽ thống trị các ứng dụng doanh nghiệp và phân tích dữ liệu với công nghệ của HubSpot.

HubSpot là công ty phần mềm được thành lập vào năm 2006, chuyên cung cấp các công cụ liên quan đến tiếp thị (inbound marketing), bán hàng và phát triển mối quan hệ với khách hàng. Nhờ những công cụ này mà doanh nghiệp có thể tạo, quản lý và theo dõi các chiến dịch tiếp thị, tương tác với khách hàng, quản lý thông tin của họ, cũng như nâng cao trải nghiệm chất lượng dịch vụ.

Do đó, HubSpot đương nhiên trở thành mục tiêu mua lại hấp dẫn của Google, nhằm củng cố danh mục ứng dụng doanh nghiệp của gã khổng lồ công nghệ

Tuy nhiên, thương vụ này có thể sẽ vấp phải sự phản đối từ các cơ quan quản lý ngay cả khi nhiều chuyên gia đánh giá rằng thương vụ thâu tóm của Alphabet sẽ không ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và sẽ thúc đẩy cuộc chiến tranh giành thị phần trong lĩnh vực phần mềm tiếp thị và bán hàng.

Theo đó, nhiều chuyên gia về chống độc quyền và các nhà phân tích trong ngành đã đưa ra nhận định rằng thương vụ mua lại HubSpot của Alphabet sẽ không cản trở sự cạnh tranh.

Theo những chuyên gia này, lĩnh vực phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (CRM) mà HubSpot cung cấp, cũng là dịch vụ mà một số công ty lớn khác như Salesforce, Adobe, Microsoft và Oracle đang vận hành.

Họ cho rằng, Google không cạnh tranh trong lĩnh vực CRM và việc mua lại có thể đưa HubSpot trở thành một đối thủ đáng gờm hơn nhờ vào tài nguyên điện toán đám mây, sự cải thiện các dịch vụ và giá cả cho khách hàng của Google.

Dữ liệu của công ty nghiên cứu công nghệ Gartner cho thấy HubSpot, vốn chỉ tập trung chủ yếu vào khách hàng nhỏ, có 4,9% thị phần trong ngành phần mềm tiếp thị CRM vào năm 2022, trong khi Salesforce và Adobe mỗi bên nắm giữ 15% thị phần.

Tuy nhiên, những chuyên gia này cũng cảnh báo rất có thể thương vụ mua lại HubSpot sẽ gặp phải thách thức từ các cơ quan chống độc quyền của Mỹ và châu Âu, bởi những đơn vị này thường "cảnh giác" trước những "gã khổng lồ" ngày càng lớn mạnh thông qua các thương vụ mua lại.

Các chuyên gia này còn khuyến cáo rằng, Google cần chuẩn bị "tâm lý" cho cuộc chiến pháp lý tại tòa án trong bối cảnh Google đang phải đối mặt với một số thách thức chống độc quyền, bao gồm một vụ kiện mang tính bước ngoặt cáo buộc hãng này lạm dụng vị trí dẫn đầu về tìm kiếm trực tuyến.

Giám đốc điều hành Alphabet Sundar Pichai đang tìm kiếm con đường để thúc đẩy tăng trưởng sau khi công ty tiết lộ vào tháng 1 rằng, doanh thu quảng cáo quý 4 thấp hơn kỳ vọng. Công cụ tìm kiếm Google và dịch vụ phát video trực tuyến YouTube của họ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng về ngân sách quảng cáo từ các nền tảng trực tuyến khác, bao gồm Facebook, Instagram, TikTok và Amazon.com.

Đức Anh (T/h)