Giật mình nỗi sợ 'ông lớn' FDI rời Việt Nam

00:00 12/10/2020

Một trong những giải pháp để các doanh nghiệp FDI "ăn sâu bám rễ" tại thị trường Việt Nam là củng cố nội lực doanh nghiệp trong nước, từ đó thiết lập mối liên kết chặt chẽ với khối ngoại.

Ngay sau khi có thông tin sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ, Samsung Việt Nam đã ngay lập tức lên tiếng phủ nhận. Đại diện tập đoàn này cho biết, hiện tại, các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đang hoạt động bình thường, không có liên quan gì đến sự điều chỉnh sản lượng sản xuất của nhà máy tại Ấn Độ.

Nơm nớp lo sợ

Mặc dù thông tin đã được phía chủ nhân đính chính nhưng chắc chắn nhiều người trong chúng ta không khỏi giật mình bởi Samsung là một tập đoàn lớn, đóng góp nhiều vào kim ngạch XK của Việt Nam mà rời đi thì không biết sẽ ảnh hưởng thế nào. Hiện, Samsung đang trở thành là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 17,3 tỷ USD, tăng gấp 26 lần.

Samsung-chuyen-nha-may-khoi-VN-7516-1597

DN FDI đang chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT), cho biết, năm 2019, Việt Nam đón 38 tỷ USD vốn FDI, cao nhất trong 10 năm. Việt Nam vào tốp 3 ASEAN về thu hút FDI, bình quân 3 tỷ USD/tháng.

Đáng chú ý, doanh nghiệp (DN FDI) chiếm tới 20% GDP, 25% thu thuế, gần 70% xuất khẩu (trong đó Samsung chiếm tới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam).

Mặt khác, mối liên kết giữa các DN Việt Nam với DN FDI đang rất hạn chế. Đây là lý do khiến một số DN FDI đã từng "dọa" sẽ dời Việt Nam. Hiện, DN Việt Nam chủ yếu tham gia vào các công đoạn đơn giản: gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, tính bền vững không cao, tỷ lệ nội địa hoá (30-40%).

Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2019 của VCCI cho thấy chỉ 15% DN trong nước bán hàng hóa và dịch vụ cho các DN FDI, 8,4% xuất khẩu trực tiếp và 7,4% xuất khẩu gián tiếp thông qua công ty trung gian.

Hơn nữa từng nhiều lần chỉ ra bất cập của việc cạnh tranh "xuống đáy" giữa các địa phương trong thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua, TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam phân tích, xét về hiệu quả gắn với hiệu ứng cụm (cluster) thì mỗi DN nên tập trung các hoạt động của mình ở một nơi như Samsung chỉ có một cơ sở sản xuất tại Bắc Ninh thôi chẳng hạn. Hơn thế, các DN cùng ngành nên tập trung lại với nhau để phát huy lợi thế nhờ quy mô. Mỗi DN ý thức rất rõ vấn đề tập trung.

Tuy nhiên, lý do một số DN FDI lớn có nhiều cơ sở ở Việt Nam là vì chính sách ưu đãi và cạnh tranh của các địa phương. Mục tiêu của họ là lắp ráp nên chỉ cần ba thứ: nhân lực chủ yếu là lao động phổ thông, mặt bằng rộng, các hạ tầng tiện ích. 

Điều này dẫn tới, nếu ưu đãi giữa Việt Nam và Ấn Độ tương nhau thì tốt hơn cho Samsung cũng như một số DN FDI khác là tiếp tục ở lại Việt Nam. Tuy nhiên, họ có thể sẽ dời đi khi ưu đãi ở Ấn Độ đủ hấp dẫn. Đây chính là điều mà Việt Nam cần phải tính tới khi thời gian qua bởi Ấn Độ cũng đang đưa ra nhiều chính sách ưu đãi FDI. 

Xóa bỏ hai nền kinh tế trong một quốc gia

Đồng thời, nhìn lại quá trình thu hút FDI trong thời gian qua, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng có một thực tế cần phải thừa nhận là Việt Nam vẫn chủ yếu làm công đoạn gia công đơn giản như khâu giày, lắp điện thoại, máy in hay con chíp ... cho các DN nước ngoài - phân khúc có giá trị gia tăng thấp nhất. Đây là điểm yếu cần phải cải thiện. 

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, đánh giá sự liên kết giữa các khu vực DN còn yếu và rời rạc không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của các DN mà còn giảm hiệu quả FDI.

"Đây là bài toán Chính phủ luôn trăn trở: Làm thế nào để có thể thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI? Làm sao để tăng cường liên kết giữa khu vực DN FDI với DN khu vực tư nhân trong nước, không để tình trạng một nền kinh tế có 2 khu vực DN tách rời. Đồng thời thúc đẩy hỗ trợ các DN nhỏ và vừa Việt Nam lớn mạnh để có thể chủ động tham gia, chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đặt vấn đề.

Đối với DN FDI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần xác định là một thành phần không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ có chính sách khuyến khích thu hút nhưng cũng yêu cầu các DN FDI cần xây dựng mối quan hệ tương hỗ với các thành phần DN khác trong nước với phương châm cùng lớn mạnh, cùng phát triển. Đồng thời, DN cần phải tăng cường sự liên kết với các DN trong nước, thực hiện chuyển giao kiến thức, công nghệ cho các DN Việt Nam để tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hiệu quả, bền vững.

Hơn nữa, trong bối cảnh, Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhiều nước trong khu vực, cũng như thế giới trong cuộc đua thu hút các DN FDI dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc, chúng ta cần phải tạo ra sức hấp dẫn riêng. Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết lượng vốn đầu tư toàn cầu dự báo sẽ sụt giảm 30-40%. Do vậy, lượng vốn đầu tư vào Việt Nam năm 2020 có khả năng sẽ sụt giảm khoảng 20%.

Với xu thế này, theo ông Thắng, Việt Nam cần phải đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo yêu cầu, chúng ta phải tạo dựng môi trường kinh doanh vào top ASEAN 4 trước năm 2021, như vậy năm nay phải hoàn thành rồi.

"Tạo dựng môi trường kinh doanh có nhiều yếu tố như phát triển công nghiệp hỗ trợ, môi trường kinh doanh minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, như vậy mới duy trì vị thế Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài", ông Thắng nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Đình Cung - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang có hai nền kinh tế trong một quốc gia, đó là DN Việt và DN FDI. Vì vậy, bên cạnh thu hút FDI, Việt Nam cần phải nuôi dưỡng, hỗ trợ các DN bản địa lớn lên để nền kinh tế của đất nước tự chủ, thịnh vượng.

 Ông Don Lam - Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital

Nhiều công ty đa quốc gia đang cân nhắc việc dịch chuyển một số cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Để thực sự mở rộng chuỗi cung ứng của mình, các công ty cần đảm bảo họ có thể tìm được nguồn cung ứng tiềm năng từ một loạt các nhà cung ứng khác nhau. Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc xúc tiến việc hình thành các cụm công nghiệp xung quanh các khu vực tiềm năng. Chiến lược cụm công nghiệp sẽ tạo ra lợi ích kép vừa tối đa hóa vốn FDI vừa củng cố niềm tin của DN để định vị sản xuất giá giá trị gia tăng hơn tại quốc gia đó.

 Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Việt Nam vẫn còn những điểm hạn chế trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đó là năng lực của DN Việt Nam yếu, sự liên kết giữa các DN FDI và DN trong nước còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực tuy đã được cải thiện nhưng vẫn nằm trong tốp dưới trong khu vực ASEAN. Do vậy, Chính phủ cần xây dựng chính sách riêng thu hút dịch chuyển FDI. Trong đó, cần nêu rõ lĩnh vực ưu tiên, địa phương ưu tiên gắn với quy hoạch tổng thể, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương.

Lê Thúy

Tags: