Giải pháp cho nhà đầu tư khi gặp "rủi ro" đầu tư trái phiếu

15:00 18/10/2022

Trong thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư, và trên thực tế đây trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng chính vì tăng trưởng "nóng", nên thị trường cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và với nhà đầu tư, đặc biệt đối với những nhà đầu tư cá nhân cần làm gì khi gặp phải trường hợp "xấu".

Sự kiện Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, người dân hiểu rằng, trái phiếu doanh nghiệp không an toàn như gửi tiết kiệm. Vậy nhà đầu tư đang “ôm” trái phiếu doanh nghiệp cần xử lý thế nào?

Cắt lỗ trái phiếu hay “hàng đổi hàng”?

Điều đầu tiên, nhà đầu tư cần xem lại hợp đồng mua trái phiếu xem có điều khoản xem có được phép bán lại cho tổ chức phát hành hoặc cho đơn vị trung gian phân phối là công ty chứng khoán hay không. Tuy nhiên, việc muốn tất toán hoặc đáo hạn sớm có thể không khả thi tùy theo tình hình tài chính và khả năng của từng doanh nghiệp. Với công ty chứng khoán, không phải công ty nào cũng có thể mua lại hết số trái phiếu doanh nghiệp đã phân phối bởi nguồn lực vốn có hạn. Hơn nữa, hầu hết điều khoản hợp đồng mua TPDN hiện nay không bắt buộc công ty chứng khoán có trách nhiệm mua lại.

Ngoài ra, vốn điều lệ công ty chứng khoán có thể lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng số dư tiền mặt không phải lúc nào cũng có thể đủ để mua lại của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh thắt chặt tín dụng và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán hiện nay. Vốn tự có của công ty chứng khoán hiện nay chủ yếu để phục vụ hoạt động cho vay margin và đầu tư/ tự doanh của chính họ.

Do đó, giải pháp bán lại trái phiếu cho công ty chứng khoán không khả thi, kể cả trong trường hợp nhà đầu tư chỉ cần nhận về gốc. Thực tế, cắt lỗ trái phiếu doanh nghiệp khó khăn hơn cổ phiếu bởi Việt Nam chưa có thị trường giao dịch thứ cấp tập trung.

Ở Việt Nam, đã có doanh nghiệp bất động sản thực hiện cách làm này. Theo đó, thay vì mua lại trái phiếu đã phát hành, doanh nghiệp cho phép trái chủ chuyển đổi trái phiếu sang sản phẩm bất động sản, bao gồm căn hộ, đất phân lô, thậm chí biệt thự. Nếu giá trị lô đất cao hơn số dư đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư có thể tìm một nhóm trái chủ để gom lại và có thể chuyển đổi sang việc cùng chung sở hữu lô đất đó.

Tuy vậy, với giải pháp này, yếu tố pháp lý dự án hoặc bất động sản đó có thể là một yếu tố rủi ro mới. Nhà đầu tư nên đánh giá kỹ tình trạng pháp lý để có thể có một sự chuyển đổi an toàn thay vì chuyển sang một tài sản khác rủi ro hơn. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Giãn nợ trái phiếu - giải pháp khả thi nhất cho trái chủ

Các giải pháp như bán lại trái phiếu cho công ty chứng khoán, xử lý tài sản đảm bảo, hàng đổi hàng… đều khó khả thi với nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nước ta trong bối cảnh hiện nay. Vậy giải pháp khả thi là gì?

Phương án này hiện rất phổ biến ở thị trường trái phiếu Trung Quốc. Theo đó, thay vì ép các doanh nghiệp phát hành hoặc công ty chứng khoán mua lại, các nhà đầu tư trái phiếu yêu cầu các đại diện chủ nợ hoặc đơn vị phân phối đàm phán với doanh nghiệp phát hành để giãn kỳ hạn trả nợ, kết hợp với việc thanh toán một phần hoặc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu đó.

Điều này sẽ giúp giải quyết được khó khăn cho chính doanh nghiệp phát hành. Nhà đầu tư cũng không phải cắt lỗ và có cơ hội thu hồi khoản đầu tư đó trong tương lai. Dĩ nhiên, tùy theo mức độ rủi ro và triển vọng của dự án mà nhà đầu tư có thể đàm phán giữ nguyên lãi suất hoặc tăng lãi suất trái phiếu tuỳ theo mức độ rủi ro được đánh giá hoặc thoả thuận lại.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay cần có được sự chia sẻ và đồng hành tiếp tục của tất cả thành vien thị trường và một sự can thiệp “vừa đủ” với các biện pháp cụ thể và rõ ràng hơn. Khi đó, vấn đề lùm xùm của trái phiếu doanh nghiệp hiện nay sẽ được giải quyết, hoặc ít nhất là giảm những tác động dây chuyền, hướng đến một giải pháp "win-win” cho tất cả các bên.

Thực tế trên thị trường có nhiều trái phiếu có chất lượng tốt và rủi ro thấp nhưng vì người dân xếp hàng đáo hạn theo trào lưu mà có thể đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn.

Ngọc Phi (tổng hợp)