Gã khổng lồ công nghệ Grab đóng cửa dịch vụ ‘cloud kitchen' ở Indonesia

17:21 17/11/2022

Gã khổng lồ công nghê Grab đã thông báo chính thức đóng cửa dịch vụ ‘cloud kitchen’ (bếp ăn đám mây), hay còn gọi là GrabKitchen ở Indonesia sau 4 năm tăng trưởng không ổn định.

Grab đóng cửa mô hình bếp tổng GrabKitchen ở thị trường lớn nhất

Grab đóng cửa mô hình bếp tổng GrabKitchen ở thị trường hoạt động ấn tượng nhất. 

Ngày 19/12 tới, Grab chính thức đóng cửa GrabKitchen, mô hình bếp tổng (cloud kitchen) của mình tại Indonesia. Công ty cũng cho biết việc đóng cửa GrabKitchen đã ảnh hưởng đến 10 – 20 nhân viên của Grab. Một số người trong đó được đề nghị chuyển sang bộ phân khác, còn lại đều bị sa thải. Những người bị sa thải sẽ nhận được khoản tiền bồi thường và Grab sẽ thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của Indonesia.

“Tình hình hiện nay buộc chúng tôi phải đưa ra một quyết định khó khăn, đó là không tiếp tục duy trì GrabKitchen ở Indonesia”, Mayang Schreiber, giám đốc truyền thông của Grab Indonesia ,cho biết.

Indonesia là thị trường Đông Nam Á mà GrabKitchen có hoạt động ấn tượng nhất. Bên cạnh đó, Grab cũng có hoạt động GrabKitchen ở Singapore, Thái Lan và Malaysia. Các cơ sở bếp tổng của chúng tôi ở các thị trường khác sẽ hoạt động như bình thường.

Bà Mayang Schreiber nói thêm: “Quyết định khó khăn này là nỗ lực đảm bảo tính liên tục cho những hoạt động kinh doanh khác của Grab, những hoạt động có tính bền vững đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi và tốc độ tăng trưởng kinh tế của cộng đồng”.

Năm 2018, Grab đã mở GrabKitchen để phục vụ cho việc giao đơn hàng thực phẩm từ những doanh nghiệp nhỏ và thương hiệu lớn như Sour Sally và Kopi Kenangan ở Indonesia.

Những ngày đầu, GrabKitchen được ca ngợi bởi những nhà hàng nhỏ vì dịch vụ này giúp thúc đẩy doanh số cho họ và cho phép họ bán được sản phẩm vào cả thời điểm các cửa hàng bán lẻ đóng cửa.

Đại diện Grab từ chối chia sẻ về chi phí duy trì bếp tổng. Dù vậy, quyết định đóng cửa GrabKitchen ở Indonesia là một dấu hiệu cho thấy chúng đang kéo lợi nhuận đi xuống.

Năm 2018, Grab đã mở GrabKitchen để phục vụ cho việc giao đơn hàng thực phẩm
Năm 2018, Grab đã mở GrabKitchen để phục vụ cho việc giao đơn hàng thực phẩm.

Một người trong ngành ở Jarkata nói rằng mô hình này có chi phí hoa hồng cao phải trả cho các đối tác giao hàng, đồng nghĩa với chi phí vận hành cao. “Cách duy nhất để có lợi nhuận là bán với giá cao hơn nhưng khách hàng không chấp nhận điều này”, người này nói thêm.

Một cách để hạ giá thành là sản xuất đồ ăn với quy mô mới. DishServe là một công ty đang dùng chiến lược bếp tổng nhưng với cách tiếp cận khác. Startup này sản xuất đồ ăn với số lượng lớn ở nhà máy tổng và các khâu chuẩn bị cuối cùng được các chủ nhà thực hiện trong chính căn bếp của mình.

Tính đến năm 2020, GrabKitchen đã có mặt tại 48 địa điểm trên khắp Indonesia.

Trước đó, hãng xe công nghệ cho biết họ không có kế hoạch thực hiện việc sa thải hàng loạt trong bối cảnh kinh tế hiện tại, khi nhiều công ty công nghệ khác đã cắt giảm việc làm.

Grab đang lên kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng số tại Indonesia và Malaysia.

Tại Indonesia, Bank Fama International sẽ đóng vai trò nền tảng cho kế hoạch triển khai dịch vụ ngân hàng số của Grab. Công ty gọi xe và giao đồ ăn lớn nhất Đông Nam Á đang hợp tác với Singtel và Emtek Group – tập đoàn công nghệ, viễn thông và truyền thông lớn có trụ sở tại Jakarta.

Tú Anh (T/h)