Eurozone: Năng suất lao động sụt giảm ngày càng gây lo ngại cao

22:58 13/05/2023

Tạp chí La Tribune cho biết, tại Khu vực sử dụng đồng euro Eurozone, tình trạng sụt giảm năng suất lao động đang trở thành một hiện tượng ngày càng đáng lo ngại, đặc biệt khi nó diễn ra ở thời điểm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đang ở mức thấp nhất.

Đại dịch, xung đột ở Ukraine, lạm phát... Sự tích tụ của các cuộc khủng hoảng có nguy cơ để lại nhiều vết sẹo cho nền kinh tế của “Lục địa già”. Ba năm sau khi COVID-19 xuất hiện, thị trường lao động khu vực đã phục hồi. Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực trong tháng Ba hiện ở mức 6,5%, so với 6,8% một năm trước đó. Đây là mức thấp nhất kể từ khi cơ quan thống kê của Ủy ban châu Âu công bố chỉ số này. Dù đạt chỉ số tích cực này, năng suất lao động vẫn chưa trở lại mức trước khủng hoảng đại dịch. Theo một nghiên cứu mới của công ty bảo hiểm tín dụng Allianz Trade mới công bố tuần trước, năng suất lao động đang “rơi tự do” ở khu vực đồng euro.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Sự sụt giảm năng suất đáng lo ngại này có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi trong ngắn hạn, vì tăng trưởng kinh tế đã bị đình trệ trong vài quý. Việc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ tại khu vực đồng euro cũng khiến hoạt động kinh tế bị kìm hãm hơn nữa.

Trong số các nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Tây Ban Nha đang ở tình trạng “màu đỏ”. Năng suất bình quân đầu người tại nước này đã giảm mạnh 7,6% trong khoảng thời gian từ quý IV/2019 đến quý IV/2022. Tiếp đến là Pháp với mức giảm 2,9% và cuối cùng là Đức (-0,8%). Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, ở Pháp và Tây Ban Nha, tốc độ tạo việc làm tăng lên đáng kể, nhưng lại không khuyến khích các doanh nghiệp tăng hiệu quả sản xuất và đầu tư. Ngược lại, Italy đang làm tốt hơn các nước láng giềng, với năng suất được cải thiện nhẹ 1,6%. Nền kinh tế nước này vốn mắc kẹt trong tình trạng năng suất trì trệ từ nhiều năm. Để so sánh, ở bên kia Đại Tây Dương, năng suất của Mỹ tăng vọt so với cùng kỳ (4,9%). Sau khi hứng chịu cú sốc vào năm 2020, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra hàng triệu việc làm và khởi động lại quá trình tăng trưởng. Nhưng việc điều chỉnh chính sách tiền tệ liên tục của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thay đổi tình hình.

Các chuyên gia của Allianz Trade đã nhắc đến hiện tượng “giữ chân” trong nhiều lĩnh vực kinh tế để giải  thích sự sụt giảm năng suất đáng lo ngại này tại Eurozone.

Trong thời kỳ đại dịch, nhiều quốc gia châu Âu đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Trong số các biện pháp được sử dụng, biện pháp cho phép “thất nghiệp một phần” đã giúp các nước tránh phá hủy việc làm của hàng triệu người. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất thiết bị vận tải, các doanh nghiệp muốn chờ nguồn cung phụ tùng bớt căng thẳng hơn là sản xuất. Trong các ngành dịch vụ, người lao động ít phải làm thêm giờ hơn. Việc tiếp tục trợ cấp cho các doanh nghiệp có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì “các công ty ma”. Nhiều công ty đã hoạt động cầm chừng và lẽ ra đã phải phá sản nếu không có trợ cấp từ nhà nước.

Một số nhà kinh tế đã nhắc tới một yếu tố khác, đó là khối lượng công việc của mỗi nhân viên. Mathieu Plane, một chuyên gia khác của Pháp, cho rằng bất chấp những căng thẳng trên thị trường lao động, số giờ làm việc vẫn chưa trở lại mức trước khủng hoảng, thúc đẩy hoạt động tạo việc làm.

Nhà nghiên cứu này chỉ ra rằng, việc mở rộng các chương trình học nghề cho người lao động ở Pháp đã góp phần làm giảm năng suất trong các công ty. Trên thực tế, những người học việc đã được tính vào lực lượng lao động của các công ty, trong khi họ dành một lượng thời gian đáng kể cho việc đào tạo. Cuối cùng, các công việc được tạo ra cũng có thể ảnh hưởng đến năng suất. Sự bùng nổ việc làm trong các lĩnh vực dịch vụ (tiếp thị, truyền thông, chăm sóc y tế, trông trẻ, chăm sóc người có tuổi, giao hàng…) tại châu Âu không thể thực sự góp phần cải thiện năng suất, không giống như việc làm trong các ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó, sự bấp bênh của thị trường lao động với chất lượng việc làm thấp và thu nhập thấp cũng không cải thiện năng suất lao động, trong khi tỷ lệ luân chuyển lao động thường diễn ra liên tục ở một số vị trí.
Ngọc Phi (TH)